Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Chìa khóa cho chìa khóa




“KHCN là chìa khóa cho sự phát triển”. Tuyệt đối đúng, cả về quan điểm chính trị cũng như…khoa học. Chỉ có điều, “chiếc chìa khóa” đó đang thiếu một chiếc chìa khóa.

Phiên họp toàn thể bàn về dự án luật KHCN, ở một ý nghĩa nào đó, giống với một cuộc tố khổ tập thể. Ủy viên Ủy ban KHCNMT Hoàng Thị Tố Nga thì nhắc đến “rào cản” tài chính khi mỗi một đề tài nghiên cứu ở Việt Nam, từ lúc đề xuất tới khi có tiền mất từ 9-15 tháng. Thời gian đủ để các GS, TS phát nản, đủ để các nhà khoa học gia “mất hứng thú”, đủ để các nghiên cứu sau đó trở thành đối phó, thậm chí nói dối, khi “Dự toán lạc hậu so với thực tế”. Chưa hết. Đó là việc “Thanh quyết toán rườm rà. Chưa kịp triển khai đã phải làm quyết toán”. Là người trong ngành nông nghiệp, bà Nga dẫn lời lãnh đạo một viên nghiên cứu nông nghiệp, rằng: “Muốn giữ người (nghiên cứu) chỉ có tuyển tại chức”. Phó TBT báo Khoa học phổ thông Đoàn Nguyễn Thùy Trang thì nói đến thực trạng “Có nơi cần tiền thì không có, có nơi thì thừa tiền do không hấp thụ được vốn”. Ngay cả việc các nhà khoa học phải “xác định đồng nào mua nắm, đồng nào mua muối” sẽ “như trói tay trói chân họ”.

Nghiên cứu khoa học đang bị khóa cứng trong chiếc “ổ khóa” cơ chế tài chính. Đến một doanh nhân như ông Đỗ Văn Vẻ cũng nhìn thấy đó là cơ chế “nặng tính bao cấp”, “chưa đặc thù”, “chưa tạo điều kiện”, “chưa đảm bảo”, “hệ thống định mức xa thực tiễn”. “Ổ khóa cơ chế tài chính” thậm chí còn đang han rỉ. Nếu phải tìm một con số, thì đó là giá trị quy tiền cho chất xám được ĐBQH Bùi Thị An công bố “50 đồng trả cho một trang nghiên cứu của một giáo sư”. Với sự bọt bèo, giống hệt với sự xúc phạm đó, các nhà khoa học vẫn còn nghiên cứu được mới là chuyện lạ.
Nhưng vấn đề lại chính là ở chỗ, chiếc chìa khóa để mở chiếc chìa khóa cho sự phát triển đó đang được “tiền tệ hóa” khi mọi sự kém cỏi, tồi tệ đều được cho là vì (thiếu) tiền. Và các giải pháp chìa khóa cũng chỉ quanh chuyện tiền.
Tài chính cho nghiên cứu khoa học phải “mở”,  Ủy viên Ủy ban KHCNMT của QH Tôn Thị Ngọc Hạnh hôm qua đề nghị. Bà nói cần “chấp nhận (các nghiên cứu khoa học) thành công hoặc không thành công”, bởi “Thất bại là mẹ thành công”. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Bởi nghiên cứu khoa học không giống như cuốc đất, nhưng cũng không thể năm ăn năm thua như đánh bạc để có thể vượt qua các cửa ải tài chính, thực chất cũng là việc kiểm soát hiệu quả đồng tiền.
Thực ra, những vấn đề xung quanh câu chuyện tiền được đặt ra hôm qua đã được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh trả lời từ tháng trước khi bà cho rằng: Cái khó là làm sao để tiêu được đồng tiền (nghiên cứu khoa học). Vướng mắc ở chỗ nhà khoa học có ý tưởng, nhưng Bộ Tài chính không thể cấp tiền cho ý tưởng mà phải có đề án, có nhiệm vụ rõ ràng.
Tiền là một cái khó, nhưng tiền không phải là chiếc chìa khóa mở chiếc chìa khóa KHCN.
Thế thì chìa khóa là gì?
Có lẽ phải nói như ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh: Chúng ta cần có một chỉ số, tương tự như chỉ số Icor để đánh giá hiệu quả của 1 đồng đầu tư cho KHCN hiện mang lại được bao nhiêu.
Những đồng tiền đã bỏ ra, không ít so với tổng chi (chiếm 2% NSNN, tức 3-4% GDP). Nhưng chiếc chìa khóa nằm ở chỗ đồng tiền đó chi cho ai, chi cho nghiên cứu gì, và để được cái gì. Chứ không phải cứ mở, cứ thoáng, cứ không “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành” để nhận lại những công trình nghiên cứu không thể xếp loại, không thể cấp bằng sáng chế, không cả được thực tế chấp nhận, sau đó chỉ có tác dụng tốn thêm tiền làm kho chứa.

Không có nhận xét nào: