Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Những bài học của Tập Cận Bình từ Singapore

Project Syndicate


Tác giả: Michael Spence
Người dịch: Thủy Trúc
19-11-2012
NEW YORK – Trung Quốc hiện đang ở vào một thời điểm quyết định, như đã từng như thế vào năm 1978 khi những cuộc cải cách thị trường do Đặng Tiểu Bình khởi xướng mở cửa nền kinh tế của họ ra thế giới – và như đã từng như thế trong một lần khác vào đầu thập niên 1990 khi chuyến “Nam du” nổi tiếng của Đặng tái khẳng định con đường phát triển của đất nước.
Trong suốt thời gian này, những tấm gương và những bài học từ các nước khác luôn là quan trọng. Người ta cho rằng Đặng bị tác động đáng kể sau một chuyến công du trước đó tới Singapore, nơi đã hưởng sự thịnh vượng và tốc độ tăng trưởng lũy tiến hàng thập kỷ trước đó nữa. Hiểu được thành công và mặt hạn chế của các nước đang phát triển khác đã là – và vẫn là – một phần quan trọng trong cách Trung Quốc xây dựng chiến lược phát triển của họ.
Giống như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan ở vài thập niên tăng trưởng đầu tiên, Trung Quốc do một đảng cầm quyền. Đảng Nhân dân Hành động Singapore (PAP) vẫn giữ vai trò thống trị, mặc dù điều đó có vẻ như đang thay đổi. Các nước khác đều đã tiến lên chế độ dân chủ đa đảng trong thời kỳ quá độ để trở thành quốc gia thu nhập trung bình. Trung Quốc cũng vậy, giờ đây họ đã đạt tới chặng quyết định cuối cùng trong cuộc trường chinh tới địa vị nước phát triển, nói về mặt cơ cấu kinh tế và mức thu nhập.
Singapore cần tiếp tục đóng vai trò làm mẫu cho Trung Quốc, mặc dù quy mô của nước này nhỏ bé hơn Trung Quốc. Thành công của cả hai nước phản ánh sự tham dự của rất nhiều nhân tố, kể cả một nhóm nhà hoạch định chính sách có giáo dục, có trình độ, được tạo nguồn từ một hệ thống tuyển dụng người tài và cách tiếp cận thực dụng, kỷ luật, thực nghiệm, dài hạn trong các vấn đề chính sách.

Một bài học mấu chốt khác rút ra từ Singapore là, chế độ độc đảng đã giữ được tính chính danh rộng rãi của nó nhờ việc tạo ra tăng trưởng cho tất cả mọi người và bình đẳng về cơ hội trong một xã hội đa sắc tộc, và nhờ việc tiêu diệt mọi hình thức tham nhũng, kể cả tham nhũng kiểu chủ nghĩa tư bản thân hữu và ảnh hưởng thái quá đối với các lợi ích. Điều mà vị khai quốc của Singapore, ông Lý Quang Diệu, các cộng sự và người kế nhiệm ông đã ngộ được, là sự kết hợp giữa chế độ độc đảng và tham nhũng sẽ tạo thành thuốc độc. Nếu anh muốn hưởng lợi ích của cái đầu thì anh không thể cho phép cái sau tồn tại.
Sự gắn kết, thời gian tại vị dài, được khích lệ thích hợp, kỹ năng “hoa tiêu” tốt, và tính quyết tâm, là những khía cạnh đáng mơ ước để có được sự liên tục trong lãnh đạo, đặc biệt là trong hệ thống tuyển dụng hiền tài kiểm soát những thay đổi phức tạp về cơ cấu. Để bảo vệ những thứ đó và duy trì sự ủng hộ của công chúng đối với tiền đầu tư và với những chính sách hỗ trợ tăng trưởng, Singapore cần phải ngăn chặn, không để cho tham nhũng có chỗ đứng, và phải có được sự kiên định trong việc thi hành luật lệ. Ông Lý đã làm như thế, với việc đảng PAP tạo ra cái mà một hệ thống hoàn hảo về trách nhiệm giải trình có thể mang lại được.
Cũng vậy, Trung Quốc – chắc chắn là rất muốn duy trì ít nhất một thời gian những lợi ích của chế độ độc đảng, và trì hoãn bước chuyển tiếp sang chế độ lãnh đạo “hỗn loạn” do chịu ảnh hưởng của nhiều ý kiến. Trên thực tế, một hệ thống đa nguyên đã và đang phát triển dưới cái ô của Đảng Cộng sản Trung Quốc – một quá trình mà cuối cùng có thể dẫn đến việc công dân có tiếng nói được thể chế hóa trong các vấn đề chính sách công.
Tuy nhiên, hiện tại thì các yếu tố đại diện – vốn đang được bổ sung ngày một nhiều thêm – là chưa đủ mạnh để chống lại tham nhũng ngày càng lan tràn và ảnh hưởng thái quá của các lợi ích. Để duy trì tính chính danh của chế độ độc đảng, và do đó là cả khả năng cầm quyền, cần phải vượt qua những lợi ích nhỏ hẹp đó để phục vụ đại cục. Đó là thách thức mà thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc phải đối mặt.
Nếu các lãnh đạo thành công, khi đó họ có thể mở ra một cuộc tranh luận khôn ngoan và tinh tế về vai trò ngày càng lớn mạnh của nhà nước trong nền kinh tế – một cuộc tranh luận về công trạng. Nhiều người trong cuộc, cũng như các cố vấn nước ngoài, đều tin rằng vai trò của nhà nước phải thay đổi (không nhất thiết là suy thoái) thì mới có thể tạo một nền kinh tế năng động, đổi mới, vốn là mấu chốt để cầm lái thành công công cuộc quá độ thành quốc gia có thu nhập trung bình. Nhưng vẫn còn nhiều lĩnh vực cần phải có thảo luận sâu hơn, và cần có lựa chọn.
Lý Quang Diệu ở Singapore, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc giành được niềm tin của nhân dân, như là các vị khai quốc và là những nhà cải cách đầu tiên. Nhưng niềm tin đó đang bị xói mòn; các thế hệ lãnh đạo nối tiếp nhau không thừa hưởng được trọn vẹn niềm tin đó và bây giờ họ phải giành lấy nó. Đó càng là lý do để cho họ phải lưu tâm đến các bài học của lịch sử.
Trước hết các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc phải tái khẳng định vai trò của Đảng như là người bảo vệ lợi ích chung, bằng việc tạo dựng một môi trường trong đó các lợi ích nhỏ hẹp nhằm bảo vệ ảnh hưởng và của cải đang gia tăng của mình không được làm hỏng các lựa chọn chính sách. Họ phải chứng minh rằng quyền lực, sự chính danh, và khối tài sản đáng kể của Đảng được giữ gìn một cách đáng tin cậy vì lợi ích của tất cả nhân dân Trung Quốc. Trên tất cả, điều ấy được chứng minh bằng cách duy trì một sự tăng trưởng dành cho tất cả mọi người, một hệ thống cơ hội bình đẳng, và tuyển dụng nhân sự theo chế độ hiền tài. Và sau đó họ phải quay trở lại với nhiệm vụ quản trị trong một môi trường trong và ngoài nước rất phức tạp.
Có những lúc việc xoay xở để vượt qua – hay là nói theo cách của người Trung Quốc là “dò đá qua sông” – là chiến lược lãnh đạo thích hợp, và cũng có lúc cần phải có một sự tái xác lập các giá trị và đường lối. Lãnh đạo thành công là người biết thời điểm nào là lúc nào.
Dò đá có lẽ là lựa chọn an toàn nhất cho vị chủ tịch tiếp theo của Trung Quốc, Tập Cận Bình, và các tân lãnh đạo khác của Trung Quốc; trong thực tế, đó là cách nguy hiểm nhất. Lựa chọn an toàn duy nhất là một sự quyết liệt tổ chức lại Đảng, vì đại cục.
Vấn đề khi đó là liệu các nhà cải cách – những người mang tinh thần thực sự của cuộc cách mạng 1949 – có chiến thắng trong cuộc chiến vì tăng trưởng bình đẳng cho tất cả mọi người. Quan điểm lạc quan (và tôi tin là khả thi) là nhân dân Trung Quốc, thông qua một loạt kênh khác nhau, trong đó có cả truyền thông xã hội, sẽ gây được sức ép, khiến cho các nhà cải cách phải xúc tiến một lộ trình ngày càng tiến bộ hơn.
Thời gian sẽ cho ta câu trả lời. Nhưng không phải là cường điệu khi nói về tầm quan trọng của các kết quả đối với phần còn lại của thế giới. Gần như tất cả các quốc gia đang phát triển – và ngày càng có thêm cả các nước phát triển nữa – đều sẽ bị ảnh hưởng cách này hay cách khác, khi mà họ cũng đang phải đấu tranh để đạt được tăng trưởng và việc làm bền vững, ổn định.

Nguồn: Project Syndicate
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

Không có nhận xét nào: