Chẳng có sự kiện nào từ đầu năm đến nay lớn bằng sự kiện tuần qua, "bầu" Kiên- và ông Lý Xuân Hải-nay đã là cựu tổng giám đốc ngân hàng ACB bị bắt tạm giam, phục vụ công tác điều tra. Sự kiện này có thể nói đã gây rúng động không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán mà cả lĩnh vực thể thao-nơi ông Kiên đã có nhiều hoạt động gây dấu ấn cá nhân lớn trong thời gian qua.
Khoan hãy nói đến việc ông Kiên, ông Hải bị khởi tố, bắt tạm giam trong bối cảnh nào. Chỉ cần biết rằng, trước hết, những "đại gia" này bị bắt vì có những dấu hiệu vi phạm pháp luật mà cơ quan điều tra cũng đã công bố với báo chí. Thời điểm mới có tin đồn lan truyền trên cộng đồng mạng về việc 2 ông này bị bắt, nguyên nhân vì sao họ bị khởi tố, đưa vào cơ sở tạm giam chưa rõ ràng, có thể gây nên nhưng băn khoăn nhất định. Nhưng trong mấy ngày cuối tuần trước, khi tội danh của 2 ông này được được công bố thì những băn khoăn đó đã được giải tỏa. Thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, thị trường vàng sau mấy ngày diễn biến đáng lo ngại đã trở lại được ổn định từ ngày 24.8: giá vàng giảm; chỉ số chứng khoán ở 2 sàn tăng trở lại...
Tất cả những điều này cho thấy một tín hiệu đáng mừng: người dân vẫn tin tưởng vào hiệu lực, sự công bằng của luật pháp. Cho dù, xây dựng một nhà nước pháp quyền vẫn là một yêu cầu, đòi hỏi lớn chưa được thực hiện thì những cố gắng để dựng xây, thực thi nó cũng đã có những kết quả nhất định. Qua sự kiện trên, có cơ sở để nói rằng, người dân đã tin rằng, người vi phạm pháp luật sẽ phải chịu hình phạt của pháp luật dù đó là bất cứ ai: "đại gia", thậm chí cả chính trị gia hay dân thường. Với trường hợp ông Nguyễn Đức Kiên-bị khởi tố, điều tra về tội danh "kinh doanh trái phép" hay ông Lý Xuân Hải- tội danh "cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng", nếu như quá trình điều tra, xét xử sau này khẳng định, tuyên án các "đại gia" này về tội trên là đúng thì người dân càng tin tưởng hơn vào sự nghiêm minh của luật pháp. Dù thời điểm khởi tố, tạm giam những "đại gia" có tầm ảnh hưởng không nhỏ này có thể gây tác động không mong muốn nhất định đến thị trường nhưng nhìn tổng thể, cách xử lý như vậy càng khiến cho ngành ngân hàng-huyết mạch của nền kinh tế được thanh lọc và sẽ sớm đem lại sự ổn định, hiệu quả hơn co thị trường tài chính -ngân hàng về dài hạn.
Do đó, bên cạnh việc cơ quan chức năng điều tra, xử lý những cá nhân nói trên, việc công khai nhanh chóng và đầy đủ thông tin cũng sẽ khiến dư luận hiểu rõ và giúp sớm ổn định thị trường.
Trước "bầu Kiên" hay ông Lý Xuân Hải, không nói đâu xa, rất gần đây thôi, đã có không ít lãnh đạo các doanh nghiệp lớn bị khởi tố, bắt giam, đã ra tòa và đang chịu hình phạt của pháp luật. Đó là ông Phạm Thanh Bình-nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Vinashin, ông Trần Quang Vũ-nguyên tổng giám đốc tập đoàn Vinashin và nhiều cán bộ quản lý cao cấp khác của tập đoàn này. Có người như ông Dương Chí Dũng, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) bị khởi tố, đã trốn chạy chưa rõ tung tích nhưng người ta có thế tin rằng, sớm muộn ông này sẽ bị bắt qua chỉ đạo : "Phải bắt bằng được Dương Chí Dũng" của Thủ tướng-kiêm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương Nguyễn Tấn Dũng cũng trong tuần qua. Tất cả những "cựu" lãnh đạo doanh nghiệp thuộc diện lớn hàng đầu của đất nước đó chẳng phải có những khoảng thời gian tốt đẹp: có quyền, có uy, có thế...Thậm chí, có lúc còn được đánh giá cao về ảnh hưởng, vai trò điều hành. Nhưng tất cả điều đó với những "đại gia" này đã đổ sụp bởi chính những hành vi phạm pháp được xác định rõ ràng. Với những người như ông Phạm Thanh Bình, Trần Quang Vũ, còn gì rõ ràng hơn với những tội danh mà tòa đã tuyên án: không phải do quy định của luật pháp còn thiếu, không rõ mà luật đã quy định rõ ràng nhưng những "đại gia" này đã cố tình vi phạm, bước qua, gây nên những hậu quả cho đến giờ còn chưa giải quyết xong ở một số doanh nghiệp, ngân hàng lớn...Và họ đã phải trả giá.
Pháp luật đặt ra là để điều chỉnh hành vi, đưa mọi hoạt động của tổ chức, cá nhân trong xã hội vào một trật tự, công bằng và càng cần phải công bằng, khách quan, độc lập, càng bớt bị ảnh hưởng bởi các yếu tố mang tính phe nhóm chính trị càng tốt. Luật pháp càng công khai, minh bạch, nghiêm minh thì càng hạn chế "lợi ích nhóm" để lợi ích cộng đồng, lợi ích toàn cục được bảo đảm. Cho nên, không chỉ ở Việt Nam, ở một số quốc gia khác , nơi nhà nước pháp quyền được coi trọng thì người ta đều chú ý xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của những kẻ có khả năng thâu tóm, gây ảnh hưởng có hại, nghiêm trọng đến lợi ích cộng đồng. Ví dụ như đầu năm nay, ở Nga, người ta đã xét xử, tuyên án 9 năm từ với tỷ phú, trùm dầu mỏ Khodorkovsky về tội gian lận, trốn thuế. Tại Hàn Quốc, cũng có nhiều nhà tài phiệt, chủ tịch tập đoàn kinh doanh lớn phải ra tòa, vào tù trong mấy năm gần đây. Vụ mới nhất là giữa tháng 8 vừa rồi, ông Kim Seung Youn -nhà tài phiệt, chủ tịch tập đoàn Hanwha của Hàn Quốc bị xử 4 năm tù vì tội biển thủ 300 tỷ won để trả nợ cho công ty ôn của gia đình...
Giới chủ tập đoàn kinh doanh ở nhiều nước, với quyền lực kinh tế, tiền bạc thường xây dựng những ối quan hệ thân thiết, bền chặt với các chính trị gia, ủng hộ các đảng phái có thể giúp họ củng cố, xây dựng, phát triển quan hệ làm ăn...Nhưng quan hệ đó chỉ bền vững và lành mạnh khi chính các "đại gia" phải tuân thủ, hoạt động đúng khuôn khổ luật pháp. Bởi, với những quốc gia đã xây dựng hoặc đang cố gắng xây dựng một nhà nước pháp quyền thì mọi hành động kinh doanh mà vi phạm luật pháp đều không thể được chấp nhận. Cho dù, với chính trị gia nào đó, với một đảng phái nào đó mà "đại gia" cố gắng xây dựng để dựa vào có lúc ở thế vững chắc thì một khi, cái thế đó suy yếu đi thì "vạ" sẽ ngay lập tức đến với các "đại gia" bám theo nó...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét