Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Ăn một mình

Đọc tin về những thương vụ mua bán các website đặt thức ăn qua mạng lên đến hàng tỉ đồng, kèm theo là những dự báo hồ hởi từ các chuyên gia về lĩnh vực kinh doanh sẽ sớm không còn mới mẻ ở Việt Nam này, bỗng thấy chạnh lòng.

Tôi nhớ đến câu chuyện thương tâm hình như là xảy ra ở Mỹ nhiều năm trước. Một người phụ nữ béo phì chết trong căn hộ của mình suốt nhiều ngày mà không ai phát hiện, cho đến khi hàng xóm không còn chịu nổi mùi hôi bốc ra từ căn hộ, người ta mới gọi cảnh sát đến phá cửa, phát hiện thi thể của người hàng xóm bất hạnh đã thối rữa. Người ta nói rằng người đàn bà đó lãnh trợ cấp thất nghiệp, không giao du với ai, suốt ngày ngồi xem TV, gọi fastfood để ăn và hiếm khi ra khỏi nhà. Hàng xóm nghe tiếng TV mở suốt cả ngày lẫn đêm nhưng họ vừa lịch sự, vừa không quan tâm – theo đúng phong cách dân phương Tây – nên họ không lấy gì làm lạ về cách sống của người phụ nữ cô độc đó, cho đến khi bà ta chết.

Về sau, thỉnh thoảng vẫn có những tin tức đó đây kiểu như thế này, những con người của xã hội hiện đại dành hết thời gian của mình cho internet, game online, TV,… đến lúc họ không còn mối quan hệ gắn kết nào với thực tại. Có người chết ở phòng game, có người phát cuồng vì nghiện mua sắm trên internet, có người giết người vì tin rằng mình là một nhân vật trong phim ảnh,… Mẫu số chung của họ là đã có một quãng thời gian dài đắm chìm trong thế giới ảo, đến lúc đời thực không còn là thiết yếu với họ, hoặc họ cảm thấy yêu mến thân phận ảo của mình hơn – hoàn toàn muốn thoát ra khỏi số phận thực tế, hoặc bi kịch hơn, họ không còn khả năng hoà nhập với cộng đồng trong cuộc sống thực.

Lúc mới ra trường đi làm trong ngành sale, trong buổi training, sếp tôi hỏi: Theo em, bí quyết để thành công trong nghề sale là gì? Tôi kể lể đủ thứ lý thuyết đã được học. Sếp cười, bảo thực tế đơn giản hơn nhiều: Em đừng bao giờ đi ăn một mình!

Không biết sếp tự đúc kết ra kinh nghiệm đó hay học hỏi từ đâu, nhưng rất thú vị là sau đó vào khoảng năm 2009, Việt Nam có ra mắt bản dịch của cuốn sách best seller: Never Eat Alone - tựa tiếng Việt là “Đừng bao giờ đi ăn một mình”, tác giả Keith Ferrazzi (nhà sáng lập kiêm CEO của Ferrazzi Greenlight). Sau nhiều năm vất vả lăn lộn trong nghề, trong cuộc sống chật vật,… Tôi càng nhận thấy lời sếp nói lẫn quan điểm trong cuốn sách là đúng. Một bữa ăn trưa với đồng nghiệp mới là cơ hội để hiểu rất nhiều về nhau, xoá đi những va chạm không đáng có khi cùng làm việc. Một bữa ăn tối với đối tác là bước quan trọng để thiết lập và thừa nhận thiện chí, sự tin cậy lẫn nhau. Một bữa cơm đầm ấm vào cuối tuần với cả nhà sẽ giúp bạn duy trì mối liên hệ tình thân, hạnh phúc gia đình. Bạn có từng cảm thấy cô đơn và mệt mỏi khi ngồi ăn cơm hộp hay mì gói một mình trước màn hình TV sau một ngày làm việc mệt mỏi trở về nhà? Hay cảm giác bị tách biệt, phải thủ thế, khi cả văn phòng rủ nhau đi ăn và chừa bạn lại? Hay tuyệt vọng khi không biết cách nào tốt nhất để tạo dựng mối quan hệ rất cần thiết để có thể đạt được một mục tiêu quan trọng? Hay thảm bại hơn, bạn không biết làm thế nào để trò chuyện một cách duyên dáng giữa đám đông, bởi bạn đã chết dí với thói quen một mình, lầm lũi?

Tôi không đả kích gì lối sống nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm thời gian mà công nghệ đang đáp ứng cho chúng ta. Nhưng liệu, có phải chúng ta đang quá thiếu thời gian? Bạn có thấy phi lý khi mỗi buổi trưa, bạn không ra ngoài ăn trưa cùng đồng nghiệp, nhưng bạn vừa ôm hộp cơm hay khẩu phần ăn giao tận nơi của mình, lại vừa chúi mũi vào máy tính, lướt web – chat - chơi facebook, chơi game,… cho đến hết buổi trưa? Vâng, đó cũng là một cách kết nối và giao tiếp.

Nhưng tôi vẫn thấy thú vị hơn khi cả nhóm ngồi cùng nhau, bất chợt nổi hứng nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, đôi khi đột nhiên có ai đó kể về một kỷ niệm thời thơ ấu, hay một ước mơ ngông cuồng thời tuổi trẻ. Rồi trong đám đông có người ồ lên, ôi! Tôi cũng vậy… Và câu chuyện vỡ ra, say sưa, chan hoà tình cảm.

Tôi vẫn yêu cảm giác háo hức ngồi trong quán ăn, nhìn người đầu bếp thoăn thoắt chặt, xào, nấu, múc,… Mùi thơm lan toả khắp nơi… Tô phở đặt lên bàn sẽ bốc khói thơm lừng, cả bàn sẽ xuýt xoa, cho xin miếng này, cho thử miếng kia… Mỗi bữa ăn là một tiệc vui đúng nghĩa.

Tôi vẫn thấy cần cảm giác được nhẹ nhõm khi đối tác của tôi gật gù, hài lòng về món ăn vừa ngon vừa được trình bày ấn tượng dọn ra trước mắt. Vui mừng khi họ ăn uống ngon miệng. Hạnh phúc khi tiễn họ ra về, họ cảm ơn tôi rối rít và hứa sẽ hỗ trợ hết mình cho dự án của tôi.

Tôi vẫn quý vô cùng những bữa cơm giản dị mẹ tôi nấu, ngồi chờ tôi ăn, mắt lấp lánh, miệng luôn hỏi tôi: Ngon không con? Ngon không?

Nếu thiếu những điều đó thì làm sao có cái mà cả Đông lẫn Tây đều phải thừa nhận, tụng ca? Cái gọi là nền văn hoá ẩm thực mà mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có niềm tự hào riêng biệt.

Ngay cả khi có mua sắm trực tuyến bán đủ các thứ trên đời, thì tôi chắc chắn những website đó vẫn không thể nào thay thế được sức hấp dẫn của việc ngắm nghía, sờ mó tận tay một món hàng mình đang ao ước, được bàn tán với người đi chung là có nên mua hay không, được cò kè mặc cả và sướng điên lên khi mình mua được món đồ đó trước ánh mắt thèm muốn của người khác. Huống chi là cái sự ăn – 1 trong 4 niềm khoái lạc vĩ đại của loài người, sao bạn đành lòng biến cảm giác đáng si mê này thành ra tẻ nhạt vậy?

Đồng ý rằng chúng ta vẫn phải thích nghi. Và chắc chắn vẫn có một bộ phận những người trong xã hội thực sự bận rộn đến nỗi sự nhanh chóng, đơn giản chính là phương tiện giúp họ sống còn. Nhưng tôi vẫn mong rằng, trong mỗi chúng ta, nếu thực sự có thể, bạn đừng ăn một mình! Đi ăn một mình đã là một thất bại. Ngồi một chỗ rồi online gọi món để ăn một mình sẽ càng thất bại hơn nữa đấy! http://hanwonders.multiply.com/

Không có nhận xét nào: