Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

“Chép sử trung thực” hay một kiểu “đốt đền”?

Quân đội nhân dân
Làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình QĐND – Chủ Nhật, 12/08/2012 QĐND – Gần một năm nay, trên internet xuất hiện một số trang web, blog chuyên lan truyền các loại tin tức “vỉa hè” nhưng xưng danh là người làm“Việt sử ký đương đại”. Họ cho rằng, từ lâu, nhiều diễn biến quan trọng của đất nước đã không được chính sử ghi lại một cách khách quan nên họ phải làm điều này “vì tương lai, vì hậu thế”. Họ còn tung hô, sau 300 năm nữa, cái gọi là “Việt sử ký” này sẽ trở thành “Đại Việt sử ký toàn thư”(?!). Vậy sự thật về loại “lịch sử” này như thế nào? Các nhà “thông tấn vỉa hè” Chuyện bắt đầu từ năm 2011, chủ một trang blog với nhiều thông tin thiên lệch, sai trái bỗng dưng “nổi hứng” đưa ra hai “sáng kiến” được gọi là “chép sử” và “kỷ yếu biểu tình”. Ý tưởng này ngay lập tức đã được một số thành phần cực đoan tán dương, tung hô. Theo họ thì “chính sử” hiện nay có rất nhiều sai sót, đặc biệt lịch sử Việt Nam hiện đại có rất nhiều vấn đề bị “chính trị hóa”, gây hiểu lầm rất nặng nề cho thế hệ đi sau. Họ nói rằng, cả một hệ thống nhiều cơ quan nghiên cứu lịch sử, nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng không làm lịch sử đúng nghĩa cho nên họ có sứ mệnh cao cả phải “chép sử” một cách khách quan nhất, trung thực nhất, giá trị nhất. Họ tụng ca rằng, cái gọi là “Việt sử ký” sẽ có giá trị hơn nhiều các luận án tiến sĩ sử học hiện nay. Trên thực tế họ lượm lặt đủ các câu chuyện vỉa hè rồi tung lên xa lộ thông tin toàn cầu internet, nội dung đề cập nhiều vấn đề, sự kiện xã hội “nóng” nhưng thông tin bị bôi đen, bóp méo, gây hại cho cộng đồng. Cách “làm sử” của họ là phi khoa học, thiếu khách quan và ẩn chứa những ý đồ đen tối. Lướt qua những trang, chuyên mục được gọi là “Việt sử ký” này, chỉ thấy bao phủ một màu đen tối: Giá cả tăng cao, nợ xấu ngân hàng, khiếu kiện đất đai, nhà báo bị đánh, viện phí tăng, blogger đi biểu tình… Hoàn toàn không thấy xuất hiện một thành tựu, nhân tố tích cực nào được ghi lại. Đặc biệt, họ đưa ra những nhận định chủ quan, phiến diện, mang tính kích động mỗi khi bình luận về các hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Riêng về quan hệ Việt – Trung được các “sử gia” ghi chép với mật độ dày đặc kèm theo các lập luận tù mù, xuyên tạc, kích động hận thù, kêu gọi biểu tình, tỏ thái độ chống đối chính quyền. Trên những trang này, họ dành một phần không nhỏ viết về các sự kiện lịch sử đã qua nhưng chủ yếu đề cập chuyện hậu trường chính trị, đi vào những chuyện “trà dư tửu hậu” được gom nhặt chẳng biết đúng, sai. Nhiều nhân vật tài năng, có sự cống hiến lớn thì không được họ đề cập nhưng một vài nhân vật chống đối chính quyền thì được tôn vinh và ngợi ca như những anh hùng. Đáng lên án hơn, họ cố tình bôi nhọ, xuyên tạc đời tư nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và không ít thông tin bịa đặt về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về phương pháp thực hiện, họ thừa nhận chỉ duy nhất dựa vào các nguồn tin từ internet mà chủ yếu là các blog, thậm chí cả…”tin đồn” từ đâu đó hoặc chính họ suy diễn. Chính một nhân vật được coi là “kiến trúc sư” của các hoạt động này cũng thừa nhận anh ta không am hiểu chuyên môn về nghiên cứu lịch sử. Vậy mà, mỗi tháng một lần, anh ta lượm lặt xào xáo thông tin để chép lên một lô sự kiện với sự sắp xếp lộn xộn kèm theo những bình luận rất chủ quan. Văn phong của các “công trình” này phảng phất phong cách dã sử võ hiệp của các tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Hoa nhiều hơn văn phong khoa học lịch sử. Cảnh giác trước “rác thông tin” Trao đổi với chúng tôi, nhiều nhà khoa học đều bất bình, lên án lối làm sử phản khoa học, tùy tiện, vô trách nhiệm của những người tự xưng là tác giả “Việt sử ký”. Thiếu tướng PGS, TS Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: “Xã hội bao giờ cũng tồn tại, phát triển, chứa đựng cả mặt tích cực và mặt tiêu cực, sự kiện diễn ra có cái tốt, cái xấu nhưng người làm sử chân chính không thể ghi chép một chiều, chỉ ghi cái xấu mà bỏ qua cái tốt. Người làm sử phải “dĩ dân vi thượng”, lợi ích của dân phải đặt lên hàng đầu, ghi lại những gì đúng sự thật và phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc. Nếu nhận thức của những người chép sử kia không được số đông nhân dân đồng tình thì phải xem lại tư cách của họ. Khoan chưa nói đến phương pháp làm sử yếu kém, chỉ xét riêng cái tâm của họ thì rõ ràng là chưa ổn”. Nhìn lại động cơ và những gì mà nhóm tác giả ”Việt sử ký” đang làm đủ thấy sản phẩm của họ không phải là thứ mà nhân dân mong đợi, không phải là những thông tin đủ độ tin cậy và có giá trị. Trong tác phẩm “Gia đình thần thánh”, Mác đã đưa ra một nhận định rất khách quan và tài tình về khoa học lịch sử: “Lịch sử chẳng qua chỉ là hoạt động của con người theo đuổi mục đích của bản thân mình”. Quan niệm chính trị hóa sử học là chưa đúng bản chất khoa học lịch sử nhưng lịch sử không tách rời cuộc sống, tách rời chính trị như những người tự xưng “chép sử Việt” quan niệm. Cũng không phải làm sử là phải viết hết, viết ngay những gì đang diễn ra. Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam là một nhà khoa học danh tiếng với hơn 400 công trình nghiên cứu nhưng vẫn luôn tự nhắc nhở mình và các sử gia nguyên tắc tối thượng của người viết sử: Tôn trọng sự thật lịch sử. Ông nói: “Một số sự thật có thể chưa nói được, nhưng đã nói, đã viết là phải tôn trọng sự thật. Đó là nguyên tắc tối thượng của sử học xưa nay, nhưng thực hiện được đến đâu còn tùy vào trình độ, khả năng của nhà sử học, vào cơ sở sử liệu được thu thập và giám định, đặc biệt là trách nhiệm và nhân cách của người viết sử. Tất nhiên từ sự thật lịch sử được xác minh, nhà sử học còn phải đặt trong từng bối cảnh không gian và thời gian cụ thể để phân tích, đánh giá, đưa ra nhận định”. Như vậy, người làm sử phải có tâm, có tầm chứ không phải chỉ ghi chép, lượm lặt một cách giản đơn, thiếu cơ sở, thiếu phương pháp khoa học mà có thể gọi là “làm sử”. Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS Bùi Đình Thanh, nguyên Phó viện trưởng Viện Xã hội học, nguyên Trưởng ban nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện đại của Viện Sử học cho rằng: “Để bảo vệ một lợi ích nào đó, đôi khi người ta dám xuyên tạc sự thật. Nhưng cũng có nhiều nhận định chưa đúng chỉ vì họ thiếu thông tin. Như tại hội thảo quốc tế “30 năm ký kết Hiệp định Pa-ri”, có luận điểm rằng cuộc chiến tranh Việt Nam chỉ là một cuộc chiến “huynh đệ tương tàn”, chúng tôi đã dùng chính câu đại sứ Bân-cơ trả lời các nhà báo “Việt Nam hóa chiến tranh” là “thay màu da trên xác chết” (“xác chết” ở đây ý nói quân Mỹ). Vậy thì sao có thể coi đó là cuộc chiến huynh đệ tương tàn? Ý kiến đó đã giúp giải tỏa thắc mắc của bè bạn. Bây giờ, đi lại dễ dàng hơn, phương tiện truyền thông nhiều hơn, nhanh hơn, có internet nữa thì làm sử phải tốt hơn, trung thực hơn chứ không thể bóp méo hay dựa vào những thông tin trôi nổi”. Ngay trên các diễn đàn internet, đã có nhiều ý kiến phản biện lối làm sử tùy tiện. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức thu thập những tư liệu chính xác, khách quan đòi hỏi có những nhân chứng và những tư liệu đủ tin cậy song ở đây rất thiếu. “Quan điểm của tôi sử chép thế nào thì chép, mình hiểu thế nào là do trình độ nhận thức của mình. Những gì mình phản đối hay ủng hộ phải có bằng chứng, chứng cứ cụ thể và đầy đủ tính khoa học. Con cháu mai sau sẽ có nhiều chứng cứ và tài liệu hơn để soạn sử, việc của ta hiện nay là lưu lại các tài liệu và chứng cứ đáng tin cậy cho con cháu”- một ý kiến trên diễn đàn viết. Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin được dẫn lời ông Trần Văn Chánh, một chuyên gia Hán học ở Thành phố Hồ Chí Minh, người từng có nhiều bài luận sâu sắc về nghiên cứu lịch sử: “Viết sử là loại công việc công phu tốn nhiều thời gian, ngoài tôn trọng sự thật trên cơ sở bám sát sử liệu còn đòi hỏi phải có sự nghiền ngẫm sâu xa, nêu lên được những bài học tham khảo cho các thế hệ hiện tại và tương lai, góp phần vun đắp nhân bản, nên không thể có sự tùy tiện, định kiến, gán ghép bóp méo sự thật, buồn vui yêu ghét thất thường, nay vầy mai khác…”. NGUYỄN VĂN MINH
https://vietsuky.wordpress.com/2012/08/13/148-chep-su-trung-thuc-hay-mot-kieu-dot-den/
Bài này cũng được đăng trên blog của Thiếu tá quân đội Nguyễn Văn Minh.

Không có nhận xét nào: