“Cứu DN, trước hết cần phải đơn giản hóa thủ tục “khai tử” cho DN. DN nào phải giải thể, phá sản vì những lý do chủ quan thì phải để họ “được chết”. Đó mới là cách nhanh chóng trả lại nguồn lực cho những DN khỏe mạnh”- TS Nguyễn Quang A trả lời phỏng vấn xung quanh câu chuyện cứu DN.
PV: Xin chào TS Nguyễn Quang A, liên quan đến chủ đề “cứu DN” để câu chuyện không quá xa vời thì câu hỏi đầu tiên dành cho ông là: Sự khó khăn của DN và nền kinh tế đang ảnh hưởng như thế nào đến đời sống người dân? TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ mỗi người dân đều có thể tự trả lời. Trước đây họ chi tiêu thế nào và bây giờ ra sao là có thể cảm nhận được mức độ khó khăn “ngay trên da của mình”. Việc các Doanh nghiệp (DN) chất đống hàng hóa đang là một biểu hiện cho thấy người dân đang cắt giảm mạnh chi tiêu. Điều cũng dễ nhận ra là thu nhập suy giảm và nếu như trong 2-3 năm qua, người ta nói có tới hàng trăm ngàn DN phải giải thể, phá sản hay ngưng hoạt động thì cũng phải có nghĩa có hàng triệu người mất việc làm. PV: Tuần rồi, Bộ Công thương tiếp tục chuẩn bị dự thảo về một đề án cứu DN, trước đó là của Bộ Tài chính, rồi của Chính phủ, trong khi đó con số mới nhất cho thấy có thêm 30 ngàn DN thực ra là chết? TS Nguyễn Quang A: DN sinh ra và DN “chết đi” theo tôi đáng lẽ phải coi là chuyện hết sức bình thường. Khi “phản biện” về chính sách giãn, giảm, thuế mà Chính phủ đang áp dụng, có ý kiến cho rằng như thế chỉ cứu được DN còn sống, còn thu, còn đóng thuế, nhưng các DN lẽ ra nên cứu thì không được cứu. Nói như vậy đúng 1/3, sai tới 2/3. Đúng là vì có các DN lâm vào khó khăn, hoặc gần chết oan, thì nên tìm cách để cứu. Nhưng vấn đề đặt ra là biết DN nào là oan! Và như thế sẽ lại phải đặt vấn đề đánh giá, phân biệt đối xử khi nguồn lực để cứu là có hạn. 2/3 sai là do không thể biết, hoặc khó biết DN nào do khách quan mà lâm vào khó khăn, DN nào do chủ quan, do chiến lược sai, sản phẩm sai, đầu tư sai… Đối với những DN do chủ quan thì không nên cứu họ, hãy để DN đó chết đi. Bởi họ đáng phải gánh chịu những hậu quả của sai lầm của chính họ và sự khốc liệt của thị trường. Thật khó để giải thích tại sao người dân phải đóng thuế để cứu những DN như vậy. Còn có thêm một cái 100% sai là DN đã chết rồi thì cứu gì nữa. PV: Như thế là việc cứu DN này cũng đồng nghĩa phải để DN khác được chết, thưa Tiến sĩ? TS Nguyễn Quang A: Ở Việt Nam, tôi thấy có một hiện tượng kỳ lạ. Đó là DN thì sinh ra hàng ngày, hàng giờ. Rất nhiều. Nhưng con số “chết” thì rất ít. Điều đó là vô cùng bất bình thường và trái với tự nhiên. Nói có vẻ ngược nhưng muốn cứu DN, việc đầu tiên là Nhà nước (NN) cần nhanh chóng sửa đổi luật phá sản để DN “có quyền” được phá sản, được chết. Cứu DN, trước hết phải đơn giản hóa thủ tục khai tử cho DN, ngành tư pháp phải giải quyết nhanh các tranh chấp kinh tế. Đó mới là cách nhanh chóng trả lại nguồn lực cho những DN khỏe mạnh. Chỉ tiếc nhiều người cho điều này là nhẫn tâm nên tránh nói, không làm và cho thế là “nhân đạo”, trong khi thực tế cái có vẻ nhân đạo ấy làm hại cho cộng đồng DN và nền kinh tế rất nhiều. Ngoài câu chuyện để DN “được chết” thì vấn đề đặt ra là cứu ai. Chẳng hạn như câu chuyện tồn kho. Liệu người dân đóng thuế và từng phải mua nhà giá cao sẽ chấp nhận chuyện cứu các DN ngành thép, ngành BĐS đang tồn kho? Trong khi thép là ngành tiêu tốn quá nhiều năng lượng, gây ô nhiễm. Hay BĐS từng là ngành “một vốn bốn lời”. Sự thất bại của họ hôm nay là do lỗi chủ quan khi suốt 1 thời gian dài đã chạy theo và là tác nhân gây bong bóng BDS. Nhà nước rõ ràng có thể khuyến khích người dân mua nhà nhằm tạo cầu cho BĐS, sắt thép, xi măng, chứ không thể bỏ tiền ra cứu DN loại này được. Trên bình diện chung, Chính phủ có thể làm nhiều việc, ngoại trừ việc mang tiền cho DN, bởi nếu biện pháp đó có thể cứu được một vài DN thì cũng làm méo mó nền kinh tế. Theo tôi cách đặt vấn đề hiện nay chính xác phải là DN phải tự cứu mình rồi sau đó NN xem có thể làm gì để hỗ trợ quá trình DN tự cứu. PV: Thưa tiến sĩ, Ông bình luận thế nào về chính sách miễn, giảm, hoãn thuế mà Chính phủ đang áp dụng, song song với chính sách cào bằng lãi suất (LS) 15% cho các khoản vay cũ? TS Nguyễn Quang A: Tôi tán thành với chính sách miễn giảm thuế. Đó là chính sách đúng, dễ áp dụng, không phân biệt đối xử. Đó chính là một cách cứu DN thường được dùng. Song song với nó cần phải làm việc trước mắt nhưng có tác động lâu dài đó là cải thiện hệ thống quản lý nền kinh tế. Đấy là việc NN có thể làm và phải làm. Phải tạo ra môi trường để DN hoạt động hiệu quả, còn cứu bằng tiền sẽ khó tránh tiêu cực như không đủ nguồn lực, phân biệt đối xử, tham nhũng và dành cho các DN cánh hẩu dựa vào các mối quan hệ. Riêng việc can thiệp hành chính về lãi suất, tôi cho đó không phải là việc của nhà nước. Việc ép hạ lãi suất đối với những khoản vay cũ, bất chấp đó là khoản vay gì, thời hạn bao lâu, về cùng mức 15%- là việc cực chẳng đã. Can thiệp bằng những biện pháp hành chính là việc tối kỵ, không được phép làm. Bởi vì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thể can thiệp như vậy vào việc của ngân hàng thương mại. Việc ép buộc như hiện nay là sai. Bất kể 1 quyết định, 1 chính sách gì đều có những hệ quả không lường trước được, thậm chí ngược với ý định tốt đẹp ban đầu. Hậu quả của việc quy định trần LS, tôi nghĩ không khó nhận ra khi các NH buộc phải sống, buộc phải lách. Liệu có gì phi lý bằng LS không kỳ hạn bằng LS kỳ hạn 1 tháng, và kỳ hạn 12 tháng?! Thống đốc đáng được thông cảm khi cùng lúc phải chịu quá nhiều sức ép và bây giờ phải đưa ra chuyện khống chế trần lãi suất cho vay. Nhưng vẫn phải nói thật, đây chính là việc buộc các NH phải nói dối. Và qua đó, thông tin méo mó, tính thượng tôn pháp luật của xã hội bị xói mòn mà có khi 20 vẫn không khắc phục được. PV: Cùng với các đề án giải cứu DN, Chính phủ cũng đã thực hiện tái cơ cấu trên quy mô lớn Tập đoàn, TCTy nhà nước và cả hệ thống ngân hàng. Việc DN chết la liệt trong khi DNNN được tái cơ cấu dường như có vẻ không công bằng? TS Nguyễn Quang A: NN sẽ cứu ai. Cứu DNNN. Người ta phải cứu con cái mình trước khi cứu hàng xóm. Thực tế NN đã cứu bằng việc bơm vốn, khoanh giãn nợ thậm chí yêu cầu NH thương mại làm vậy. Chẳng hạn chuyện giãn nợ, xóa nợ cho Vinashin. Chính đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến xóa sổ HaBuBank. Ngân hàng này, với vốn khoảng 4000 tỷ, đã cho Vinashin vay tới 3000 tỷ, trong khi quy định NN là không được cho khách hàng nào vay quá 15% vốn tự có. Và theo tôi, chính việc cứu VNS đã làm rất nhiều DN khác chết khi Vinashin kéo theo nợ xấu ở hàng chục ngân hàng. Chính cái “cục máu đông” đó đã làm ảnh hưởng đến những DN còn lại. Không có gì đảm bảo rằng việc cứu sẽ không tiếp tục xảy ra với Sông Đà, các DNNN khác, hoặc thậm chí DN tư nhân có quan hệ. Đây là sự bất bình đẳng được thể chế hóa. Bắt đầu bằng việc coi nó là nòng cốt, coi là công cụ điều tiết. Riêng đối với hệ thống NH, đáng lẽ NH nào đáng chết cũng nên khai tử, tuy việc khai tử một NH phức tạp hơn so với 1 DN vì 1 NH kiểu gì cũng có thể ảnh hưởng tới hệ thống. NHNN có kinh nghiệm xử lý NH yếu kém, thí dụ đưa chúng vào kiểm soát đặc biệt, bắt chúng huy động tiết kiệm dưới danh nghĩa NH khác, và buộc chúng thu nợ và trả dần cho dân những khoản tiền gửi. Khi trả xong cho dân thì rút giấy pháp. Lẽ ra đã phải làm như vậy với vài ngân hàng yếu và vi phạm quy chế, thì đã không xảy ra cuộc cạnh tranh vô độ đẩy lãi suất lên cao, đã không phải dùng biện pháp hành chính rất xấu là quy định trần lãi suất và nhất là đã không gây ra khó khăn cho DN như hiện nay và đã chẳng cần cứu ai cả. Không giữ nghiêm kỷ luật trong hệ thống NH là một nguyên nhân không nhỏ gây ra khó khăn hiện nay. PV: Trở lại với việc cứu DN. Điều các DN hiện nay đang kêu ca nhiều nhất là việc thiếu vốn? TS Nguyễn Quang A: Cần xem lại lời kêu ca của DN. Nói DN Việt Nam không tiếp cận được vốn là không chính xác. DN nên nhìn lại chính mình trước đã. Những con số thống kê sau bác bỏ sự kêu ca thiếu vốn. Mười năm trước, 2001, tổng tín dụng chỉ bằng 39,7% của GDP lúc đó, đến 2010 tổng tín dụng đã lên mức 135,8% GDP. Do GDP cũng tăng nên lượng tín dụng còn tăng nhanh hơn nhiều. Nói cách khác vốn tín dụng đổ vào nền kinh tế quá nhiều chứ không thể nói là thiếu (và đấy là một nguyên nhân gây ra khó khăn hiện nay). Cái thiếu là sự hoạt động hiệu quả của DN, chứ không phải tín dung! Nhất là các DNNN, chẳng hạn nếu EVN giảm được thất thoát, cải thiện quản trị và tiết kiệm được, thí dụ 2% tổng chi phí, thì sẽ có tác động cải thiện rất lớn đến nền KT. Hiệu quả hoạt động đầu tư NN và các DNNN là 1 căn bệnh trầm kha cần chữa ngay. Tôi cho rằng đây là vấn đề NN làm được, vấn đề có làm hay không mà thôi. PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn TS Nguyễn Quang A
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét