Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Quan Làm Báo và cuộc chiến thông tin

Tôn Tử. Ảnh: Internet

Trong cuộc chiến vùng Vịnh (1990-1991), do làm chủ hoàn toàn thông tin trên chiến trường nên Hoa Kỳ đã khuất phục được Iraq một cách chớp nhoáng.

Khi đó, Trung Quốc nhận ra vai trò to lớn của mặt trận không tiếng súng nên đã đầu tư khá nhiều tiền của cho mục đích này. Chiến lược của họ khá đơn giản, chỉ cần thành thạo 36 kế sách của Tôn Tử binh pháp, có thể đối đầu với Hoa Kỳ hùng mạnh.

Báo cáo Quốc hội Mỹ năm 2007 đã nói rõ, nhiều cuộc tấn công qua mạng vào Bộ Quốc phòng, chính phủ, các bộ, các ngành…có dấu vết từ Trung Quốc.

Thay vì dùng vũ lực chiếm Đài Loan, các nhà chiến lược quân đội Trung Quốc định dùng thông tin gây nhiễu trên mạng máy tính của đảo quốc này. Trong lúc đó, mạng của quân đội tìm cách trì hoãn mọi lệnh trợ giúp từ Hoa Kỳ để Đài Loan hiểu rằng, cần đầu hàng trước khi Mỹ tới. Chiến thắng không cần súng đạn.

Chỉ cần vài ví dụ nhỏ trên cũng đủ biết chiến tranh thông tin trong thời đại internet là vô cùng lợi hại và nguy hiểm cho những ai không hiểu rõ.

Đối phương ngồi ở một nơi nào đó, với cái máy tính xách tay, modem 4G xuất xứ từ Trung Quốc, và ly café Highland ngay tại Hà Nội, vẫn có thể lũng đoạn cả một quốc gia, thông qua các tin gây rối loạn cho dân chúng, các nhà lãnh đạo dễ đưa đến các quyết định sai lầm.

Mấy ngày gần đây, trang Quanlambao (QLB) bỗng người ra kẻ vào đông nghịt, lúc nào cũng vài nghìn người truy cập. Trong vòng hai tháng xuất hiện đã có tới 15 triệu hít, một con số khổng lồ.

Tin blog cá nhân mà gây tò mò cao độ ở một xứ mọi thông tin đều mù mờ. Việc người đọc tìm đến một nơi có nhiều thông tin thâm cung bí xử là hoàn toàn có thể hiểu được.

QLB đã đoán trúng tâm lý người Việt đang đói thông tin nghiêm trọng. 700 tờ báo đưa tin theo hiệu lệnh, người đọc đã quá quen chuyện này rồi, nên đã không tìm đến nguồn tin chính thống.

Tin vỉa hè lên ngôi là do sự cấm đoán thông tin và dễ gây ra hiểu lầm. Có thể ai đó đã cố vấn rằng, để bảo vệ chế độ, cần hạn chế thông tin. Nhưng đó là cách làm mất lòng tin của dân chúng vào nhà cầm quyền. Kẻ lên kế hoạch chiến tranh chỉ đợi có thế.

Sự trùng lặp đến không thể tin nổi là vụ bắt bầu Kiên do QLB “đánh” mấy tháng trời. Thông tin về số liệu ngân hàng, của các đại gia khá chính xác.

Nó lại đúng vào thời điểm phê và tự phê của BCT. Sự đồn đoán về đấu tranh phe phái hoàn toàn có thể hiểu được, vì dân chúng bức xúc về tham nhũng, đạo đức xuống cấp, kinh tế mong manh, dễ đổ vỡ. Người ta thì thào về tài sản của người này người kia, do đâu mà có, ai đó chuyển ra nước ngoài hàng tỷ đô la.

Ảnh hưởng của QLB mạnh tới mức mà Thủ tướng NT Dũng phải nói gián tiếp, chính ông chỉ đạo bắt bầu Kiên và sau đó được trưởng ban chuyên án, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, nhắc đi nhắc lại mấy lần trên báo chí.

Quan Làm báo bị tấn công 28-8-2012. Ảnh: HM

Tin đồn đoán về người này bị bắt, người kia bị câu lưu, phần đông là sai, người bị ảnh hưởng phải thanh minh, thanh nga, và hàng triệu người đọc được vài ngày hả hê.

QLB đã gây ảnh hưởng không nhỏ trong dư luận. Trong một đêm, TTCK Việt Nam bốc hơi 4 tỷ đô la. Độc giả có cảm giác rằng, đang có cuộc đấu tranh nội bộ một mất một còn giữa giới chóp bu, và blog này có vẻ được sự bao che của một phái nên mới có nguồn tin nóng như thế.

Nhưng một blog cả triệu người truy nhập lại dùng ngôn từ thô thiển, viết rất ẩu, thông tin nhiễu loạn, lúc đúng, lúc sai. Tâm lý người đọc hoang mang và mất phương hướng, biết đọc gì, tin gì trong lúc này.

Rõ ràng, QLB là một bộ máy của chiến tranh thông tin đã được khởi động, dù khó đoán được do ai đưa ra. Nhưng mục đích thì rất rõ: gây chia rẽ nội bộ, phá hoại hệ thống kinh tế, ngân hàng vốn yếu kém của Việt Nam, người dân không còn tin vào lãnh đạo và đất nước chìm vào rối loạn thông tin.

Muốn nói gì thì nói, QLB đã giúp chúng ta mở mắt ra rất nhiều. Hiện nay, QLB đang bị đánh phá, giao diện bị mất, dù có bị xóa thì hậu quả để lại đã vô cùng tai hại.

Khó ai có thể tin nếu QLB tìm cách hạ bệ Obama tại nước Mỹ bằng cách làm nghiệp dư này. Bởi đơn giản, hàng thế kỷ qua, người dân Mỹ đã quen với nhưng thông tin chính thống, kịp thời, chính xác, và minh bạch từ nhà cầm quyền.

Tổng thống có tài sản giá trị bao nhiêu, sức khỏe ra sao, thậm chí đi chữa răng cũng được cả nước biết đến.

Lạm phát, kinh tế chao đảo hay tín hiệu tốt lành, phần trăm người thất nghiệp, số lính chết trận hay chi tiêu quân sự… họ chỉ tin vào số liệu của FED, của Bộ Lao Động, Tổng cục Thống kê hay Lầu Năm Góc đưa ra.

Để đấu lại với cuộc chiến thông tin trong một thế giới toàn cầu hóa đầy cơ hội, thách thức và chửa đựng cả hiểm họa, những nhà quản lý thông tin, truyền thông của Việt Nam cần có một tư duy khác về đa chiều, về báo chí mở, minh bạch trong chính phủ và dân chủ thông tin.

Một khi còn để dân chúng tìm tin vỉa hè như trang QLB để đọc thì chúng ta sẽ thua trong cuộc chiến thông tin ngay cả khi nó chưa bắt đầu.

HM. 28-08-2012

Không có nhận xét nào: