Tình “đồng chí” theo Lôi Phong (?!)
Lôi Phong tham gia Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc vào năm 1960. Ông (anh ta) qua đời vào tháng 8/1962 ở tuổi 22, sau khi một chiếc xe tải đâm phải cột điện, khiến nó đổ vào người ông. Sau khi Lôi Phong chết, từ Trung Quốc nổi lên phong trào học tập Lôi Phong. Thực ra, ở thời điểm đó và bối cảnh xã hội Trung Quốc lúc đó, người lính “binh bét” Lôi Phong cũng không có chiến công gì nổi bật, chỉ nổi lên 4 câu thơ sau đây, gọi nôm na là bài thơ “Tứ với”:
Với đồng chí ấm áp như mùa xuân
Với việc chung cháy nồng như nắng hạ
Với chủ nghĩa cá nhân gió mùa thu quét lá
Với quân thù như băng giá đêm đông.
Bối cảnh xã hội lúc đó ở Trung Quốc có nhiều vụ tham ô, lấy của công làm của tư. Trong nội bộ thì cũng hình thành phe phái, đối chát, chống nhau, khó đoàn kết. Trong khi đó, chiến tranh lạnh giữa hai phe XHCN và TBCN phân tuyến rõ nét. Mao Trạch Đông mượn 4 câu thơ Lôi Phong để mở cuộc vận động tuyên truyền sâu rộng về “tư tưởng Lôi Phong” nhất là trong giới trẻ. Học tập theo “tư tưởng Lôi Phong” lan sang Việt Nam. Thời đó, trong sổ tay của nhiều thanh niên, học sinh, sinh viên đều ghi 4 câu thơ đó lên đầu cuốn sỏ tay, coi là thơ gối đầu giường, thuộc lòng, là “kim chỉ nam cho đạo đức, lối sống”.
Khi Trung Quốc bung ra phát động phong trào học tập “tư tưởng” Lôi Phong thì người chiến sĩ ngoan hiền, siêng năng và thông minh, sống có đạo đức, lý tưởng ấy đã bị tai nạn và qua đời ở tuổi 22. Vì thế, có những nghi vấn đặt ra: Không biết có thật 4 câu thơ ấy của chiến sĩ Lôi Phong, hay là ông Mao bịa ra để rầm rộ một phong trào theo tư tưởng Mao Trạch Đông thời đó. Lôi Phong chết rối, ai mà cải chính?
Hiện nay, trước Đại hội Đảng thứ 18 của Đảng CS Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc phát động một phong trào nhằm khuếch trương tinh thần xả thân quên mình của người anh hùng Lôi Phong, người qua đời cách đây 50 năm. Để đánh dấu 5 thập kỷ kể từ khi Lôi Phong qua đời, Trung Quốc đã phát động chiến dịch quy mô lớn nhằm khuếch trương tấm gương của ông thông qua kênh báo chí chính thống, trong đó kêu gọi công dân Trung Quốc học tập theo gương Lôi Phong. Thường thấy Trung Quốc khi nào nội bộ có sựu lủng củng nhau, bè phái, ê-kíp khó gỡ, bí qua lại thấy lôi cổ, dựng Lôi Phong dậy...
Nhưng xem ra phong trào này đã không được người dân hưởng ứng nhiệt liệt như cái hồi cách đây hơn nửa thế kỷ trước và đã không thu được hiệu quả như mong đợi từ cộng đồng mạng ở nước này. Lúc đương thời, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã tuyên dương anh lính Lôi Phong làm điển hình tiên tiến vì tấm gương tận tụy, từ những việc nhỏ như siêng năng, biết quan tâm đến người khác, giặt quân phục cho đồng đội hay quyên góp tiền lương cho người khó khăn…
Ông Fang Guanlong, 63 tuổi, một công nhân đã nghỉ hưu, rất tôn thờ Lôi Phong và đã tập hợp hơn 3.000 hiện vật, từ huy hiệu tới những chiếc tem mang hình ảnh người lính trẻ, ở nhà ông. "Tôi hy vọng tinh thần Lôi Phong sẽ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và sẽ giúp làm trong sạch đạo đức xã hội" - ông Fang nói. Nhưng trên các trang mạng lại đồng thanh nói: “Đừng hô hào người dân tiết kiệm và giúp nhau những chuyện vặt, xưa rồi. Dân nghèo, nhiều nơi không đủ ăn, lấy gì mà phải tiết kiệm. Quan tam đến người khác thì phải cho lãnh đạo học tập. Vì họ chỉ biết vung tiền xài sang, xả láng, đâu có tiết kiệm. Chính họ cũng chỉ biết cá nhân, không quan tâm đến ai, nhất là họ càng xa lăng lắc với nhân dân lao động nghèo khó.
So ra trong xã hội hiện nay, tư tưởng Lôi Phong thể hiện hai mặt: Mặt đi theo chiều thuận, là tư tưởng sống cho có đạo đức, liêm khiết, “mình vì mọi người”, không cá nhân chủ nghĩa, vì viecj chung của xã hội, vì đất nước dân tộc, phải phân biệt rạch ròi địch-ta.
Nhưng, mặt chiều nghịch xem ra cũng đang khá phổ biến, và hầu như người ta đang tận dụng mặt “nghịch” này của tư tưởng Lôi Phong làm mục đích sống, làm phương pháp xử lý các tình huông thời cuộc và những vấn đề chung cuộc.
Thử phân tích từng câu thơ của Lôi Phong: “Với đồng chí ấm áp như mùa xuân”. Lời thề thứ 7 trong 10 Lời thề của Quân đội nhân dân Việt Nam trước đây có sự tu chỉnh, tu từ học của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là: “Trong tình thương yêu giai cấp, hết lòng thương yêu đồng đội, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau lúc thường cũng như lúc chiến đấu”. Đó là lời thề về tình đồng chí, tình đồng đội trong tình yêu giai cấp. Lời thề cũng ghi rõ là “đoàn kết giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc chiến đấu”, không hề nói đến sự “đoàn kết, giúp đỡ” khi đã mắc khuyết điểm, vi phạm kỷ luật, khi đã bị suy thoái, biến chất. Quan hệ tình đồng chí phải đặt trong “tình thương yêu giai cấp”, lấy giai cấp làm cơ sở, nền tảng. Có giúp thì giúp lúc thường và trong chiến đấu, còn anh không “bình thường” mà vi phạm pháp luật, vi phạm điều lệnh, kỷ luật thì giúp sao được? Nhưng không hiểu sao, nay Lời thề thứ 7 lại được sửa lại là: “Xin thề: Đoàn kết chặt chẽ với nhau như ruột thịt trên tình thương yêu giai cấp; hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận; thực hiện toàn quân một ý chí”. Quân đội là đội quân công chiến đấu, một đội quân công tác. Cho nên, từ “chiến đấu” ở Lời thề gốc bao hàm nghĩa rộng, sao nay lại đổi là “lúc ra trận”? Thế khi không có giặc để ra trận thì quân đội chẳng có vai trò gì trong xây dựng kinh tế-xã hội, tham gia chống thói hư, tật xấu, chống nghèo nàn lạc hậu, tham ô, tham nhũng hay sao?
Còn cái chỗ sửa lịa: “Như ruột thịt” thì không rộng nghĩa và sâu sắc như lời thề “vốn có”. Kỷ luạt, điều lệnh, lễ tiết, tác phong, xưng hô, báo cáo của quân đội phải rõ, ngắn gọn mà đanh thép, chỉ được xưng hô tôi và đồng chí, anh với tôi (“Quê hương anh nước mặn đồng chua, làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đa…”). Nay không biết ai sáng tạo sửa lại văn Bác, văn Cụ Giáp, đưa ruột thịt vào, nên xưng hô cũng bớt chữ đồng chí, anh, tôi – mà chuyển sang anh em, chú cháu, bố con, thậm chí cũng bắt chước phim Tàu xưng hô với nhau “đại ca, ní, nị, muội”…Lại còn “trên tình giai cấp”, không phải “trong” nữa, không chịu đặt mình vào trong, mà phải đứng lên trên giai cấp (?!).
Phát biểu khai mạc Hội nghị TW 4, TBT Nguyễn Phú Trọng nêu lên tính cấp bách, trầm trọng sự suy thoái trong Đảng, thực trạng mất uy tín với nhân dân: “Về xu hướng là diễn biến phức tạp, chưa ngăn chặn, đẩy lùi được. Về hậu quả, là làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; làm suy giảm vị trí, vai trò, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng; làm tổn hại tới uy tín, thanh danh của Đảng, Nhà nước. Những khuyết điểm đó nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ ta”.
Trong Đảng nay gọi là cuộc đấu tranh tự phê bình, phê bình, phải làm kiên quyết, nghiêm khác, không khoan nhượng, không bao che, nể nang, nhưng lại tắc, vướng ở chỗ “nèo” thêm câu như là gì thì gí nhưng nhớ đừng quên “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Do có sự chỉ đạo như vậy mà dễ sinh ra “dĩ hòa vi quý”, giơ cao đánh khẽ, hòa cả làng. Khuyết điểm tày đình, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thậm chí tham ô, tham nhũng, tư túi gây thiệt hại tài sản Nhà nước rất nghiêm trọng, lấy của công cả trăm tì, nghìn tỉ mà vẫn coi như còn xứng đáng là đảng viên, không dám khai trừ ra khỏi đội ngũ “tiên phong”, kỷ luật thì nhẹ thôi, cảnh cáo, khiển trách là cùng. Đấu tranh thường là đúng, sai, phải trái cần rất rõ ràng, mà “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Ai chả biết sống với nhau phải có nghĩa có tình, nhưng một khi người kia đã cạn tình, bất nghĩa thì cái đồng chí kiểu “ruột thịt” nêu trên lại là cái cớ trở thành đoiú xử, xử lý theo kiểu gia đình trị rồi, thế mới “ấm áp’, làm sao dám nghiêm khắc như nghị quyết TW4 đã nêu. Vậy nên, phải làm theo Lôi Phong, phải “ấm áp như mùa xuân”, có gì “vỗ vai vuốt vế nhau”, cứ thế cái đã, việc đâu còn đó, mọi sự tính sau. Nước nghèo, dân chịu thiệt, còn ta - Ừ, không sao, ta với nhau cả mà!
Không biết cái sự kiên quyết, dứt khoát, mạnh tay, làm cho kỳ được như đã đề ra rất kêu, rất vang dạo đầu năm, với 3 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp và hàng loạt biện pháp nay sẽ đạt hiệu quả triền khai quán triệt, thực hiện như thế nào? Mọi sự lại phải có thời gian, mỗi ngày một ít, như đọc “Tam quốc diễn nghĩa” - hồi sau sẽ rõ!
Bùi Văn Bồng
http://buivanbong.blogspot.com/2012/08/tinh-ong-chi-theo-loi-phong.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét