Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

Vua Trần Nhân Tông với thiền phái Trúc Lâm

Trần Nhân Tông Academy xin trích đăng chương IX “Vua Trần Nhân Tông với thiền phái Trúc Lâm” từ cuốn sách “Trần Nhân Tông – Con người và tác phẩm” của Thiền sư Lê Mạnh Thát.

Thiền phái Trúc Lâm lâu nay trong các sách lịch sử đều ghi nhận là do vua Trần Nhân Tông thành lập. Đến nửa cuối thế kỷ thứ 18 khi Tính Quảng và Hải Lượng tập hợp các tư liệu để cho ra đời tác phẩm Tam tổ thực lục, thì từ đó cho đến ngày nay, người ta thường cho rằng phái thiền này chỉ truyền được ba đời là chấm dứt. Nhất là sau ba vị này, người ta quan niệm dòng thiền Trúc Lâm không có người kế thừa kiệt xuất nữa. Và có người đã coi như hết một thời thịnh vượng của Phật giáo, trong đó tất nhiên có dòng thiền Trúc Lâm. Sự thật, ta đã thấy, sau cái chết của thiền sư Huyền Quang năm 1334, Phật giáo vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ và còn có nhiều nhân vật xuất sắc kế thừa dòng thiền này, mà ta sẽ gặp dưới đây. Cho nên, đúng ra vấn đề vua Trần Nhân Tông với dòng thiền Trúc Lâm không đáng để bàn cãi trong tác phẩm này. Nhưng vì những ngộ nhận vừa nêu, nên phải nói sơ một ít về dòng thiền Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông thành lập. Ta đã bàn về một số vấn đề tư tưởng của vua Trần Nhân Tông, đặc biệt là tư tưởng Cư trần lạc đạo với chủ trương:

Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết sức, Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thật khá đồ công

Và coi chủ trương này là cột trụ của học thuyết thiền Trúc Lâm. Vì thế, việc trình bày thiền phái Trúc Lâm như một dòng thiền của các thiền sư, nhất là các thiền sư xuất gia, mà trước đây các nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam thường hay làm, phải chăng đã thỏa đáng. Tất nhiên, trong quá khứ cũng có những người đã trình bày lại lịch sử thiền phái này như một dòng tu không phân biệt tại gia hay xuất gia. Cụ thể là tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thời Nhiệm trong phần mở đầu của tác phẩm ấy. Tuy nhiên, cách trình bày của Ngô Thời Nhiệm vẫn chưa được tiếp thu và phổ biến rộng rãi. Thậm chí có người coi cách trình bày của Ngô Thời Nhiệm là không phản ảnh đúng truyền thống Phật giáo, thậm chí là một xuyên tạc.

Tuy vậy, những trình bày của Ngô Thời Nhiệm không phải là không có cơ sở, nhất là khi ta đã trình bày giai đoạn vua Trần Nhân Tông xuất gia là một giai đoạn đầy những hoạt động chính trị và quân sự, trong đó gồm cả việc tiếp các phái bộ ngoại giao Trung Quốc, việc chỉ đạo quan hệ với Chiêm Thành và mở mang bờ cõi về phương Nam cũng như việc cầm quân bình định nước Ai Lao quấy rối biên giới phía Tây Bắc. Giai đoạn xuất gia của cuộc đời vua Trần Nhân Tông, do thế, không phải là một giai đoạn tĩnh tu, như nhiều người còn quan niệm và đã mô tả. Ngược lại, đó là một giai đoạn đầy ắp những công việc của dân của nước. Vì vậy, không phải không có lý do và cơ sở cho việc trình bày “hành trạng của ba tổ” Trúc Lâm theo hướng mà Ngô Thời Nhiệm đã đưa ra.

Phải nói đây là một hướng trình bày đúng, dù rằng ngày nay do nhận thức lệch lạc ở cả giới tăng sĩ Phật giáo cũng như giới nghiên cứu, sự đúng đắn của lối trình bày vừa nói đã không được thừa nhận và phát huy. Người ta cứ quan niệm vua xuất gia đi tu là rũ bỏ hết mọi việc liên quan với đời, để dồn tâm dồn sức cho việc tu đạo. Nếu vậy, thì làm gì có chuyện gả công chúa Huyền Trân và sáp nhập hai châu Ô Mã và Việt Lý vào bản đồ Đại Việt ? Nếu vậy, thì làm gì có việc vua Trần Nhân Tông đã ngăn việc phong tước quá nhiều của vua Trần Anh Tông? Nhìn vào cuộc đời vua Trần Nhân Tông trong những năm tháng xuất gia, chưa bao giờ ta thấy nhà vua lơi là việc nước việc dân, chưa bao giờ nhà vua không quan tâm đến các hoạt động của chính quyền do con mình là vua Anh Tông điều khiển.

Tuy nhiên, từ lâu trong giới xuất gia của Phật giáo đã hình thành một quan niệm là khi vua Trần Nhân Tông xuất gia cũng là lúc nhà vua “bỏ ngôi báu, vào cửa thiền, quên mình vì đạo, vừa khi cơ thiền đáp ứng, thì quả nhiên gương sáng chẳng nhọc”, như Diệu Trạm đã viết trong lời tựa in lại Tam tổ thực lục tờ 1a5-6 vào năm Thành Thái thứ 9 (1897). Quan điểm nhìn nhận vua Trần Nhân Tông như thế, sau này, đã được các sách sử tiếp tục lặp lại, coi giai đoạn xuất gia của nhà vua là một giai đoạn dồn hết tâm lực cho việc đạo. Có người đã viết:

“Nhưng thắng giặc không lâu, Nhân Tông nhường ngôi cho Anh Tông để đi tìm một cuộc sống tĩnh tại trong cảnh tu hành, trở thành ông tổ thứ nhất của phái Trúc Lâm và gửi hơi thở cuối cùng ở am Ngọa Vân trên núi Yên Tử tĩnh mịch, lúc mới 51 tuổi”. Không chỉ viết vua Trần Nhân Tông xuất gia là để tìm một cuộc sống tĩnh tại, họ còn nói: “Ông muốn dứt bỏ những bận rộn thường tình của xã hội để đi tìm lẽ huyền vi chi phối cuộc sống con người”1.

Rõ ràng một quan điểm nhìn nhận như thế là không thỏa đáng và phù hợp với sự thật lịch sử, mà ta đã biết về cuộc đời vua Trần Nhân Tông, như sử sách ghi lại, cụ thể là ĐVSKTT và Thánh đăng ngữ lục. Hơn thế nữa, nếu phân tích buổi lễ trao truyền vị thế kế thừa dòng thiền Trúc Lâm cho Pháp Loa, như chính văn bia của Pháp Loa ghi lại trong Tam tổ thực lục tờ 18b3 -19a8, ta thấy nổi bật một sự kiện rất khác thường, không tìm thấy ở bất cứ một trường hợp truyền trao nào khác dù ở Trung Quốc hay Việt Nam. Bài văn bia này cho ta biết trước hết “vào tháng 5 Điều Ngự lên ở am tại đỉnh núi Ngọa Vân. Ngày rằm bố tát xong, đuổi tả hữu ra, đem y bát và viết tâm kệ giao cho sư, bảo phải giữ gìn. Ngày mồng một tháng giêng năm Mậu Thân Hưng Long thứ 16 (1308), sư vâng lệnh làm trụ trì nối dòng pháp ở Cam Lộ đường chùa Siêu Loại. Để khai đường và làm lễ trao truyền, vua cho đặt bài vị của liệt tổ, tấu Đại nhạc, đốt hương thơm. Điều Ngự dẫn sư lên lễ tổ đường xong. Sau khi ăn cháo, sai tấu nhạc, đánh trống pháp, tập hợp đại chúng lên pháp đường. Bấy giờ Anh Tông xa giá đến chùa. Sau khi đặt ngôi chủ khách xong, vua Anh Tông vì là đại thí chủ của Phật pháp đứng vào ngôi khách ở pháp đường, thượng tể đem bá quan đứng ở dưới sân.

Điều Ngự lên tòa thuyết pháp. Giảng xong, bèn đi xuống, đỡ sư lên tòa. Điều Ngự đứng đối diện chắp tay hỏi han. Sư đáp lễ xong, nhận pháp y mặc vào. Điều Ngự bèn bước sang một bên, ngồi trên giường khúc lục, nghe sư thuyết pháp.

Đem chùa Siêu Loại của sơn môn Yên Tử sai sư kế thế trụ trì làm đời thứ hai của dòng Trúc Lâm. Lại đem ngoại thư kinh sử 100 hộp và Đại Tạng 20 hộp nhỏ chép bằng máu chích ra, để mở rộng việc học nội và ngoại điển”.

Căn cứ vào lời thuật của văn bia về việc truyền y bát cho Pháp Loa, ta thấy có mấy điểm đáng chú ý. Thứ nhất, vào tháng 5 năm Hưng Long thứ 15 (1307), Pháp Loa đã được gọi lên am Ngọa Vân ở núi Kỳ Đặc để được trao y bát và tâm kệ. Bài kệ này ngày nay đã mất, nên ta không biết có nội dung gì. Tuy nhiên, bảy tháng sau, vào ngày mồng một tết năm Mậu Thân Hưng Long thứ 16 (1308) vua Trần Nhân Tông đã chính thức hóa việc truyền y ở Cam Lộ đường của chùa Siêu Loại thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay với sự chứng kiến của chính vua Trần Anh Tông và thượng tể Trần Quốc Trấn. Thứ hai, tại buổi lễ này, sau việc trao y và nghe Pháp Loa thuyết pháp, vua Trần Nhân Tông còn đem ngoài 20 hộp nhỏ kinh điển Phật giáo, còn đem 100 hộp “kinh sử ngoại thư” giao cho Pháp Loa và dặn dò “mở rộng việc học bên trong và bên ngoài”.

Chỉ một việc giao sách kinh sử ngoại thư này thôi trong buổi lễ truyền y bát chính thức tại Cam Lộ đường của chùa Siêu Loại, ta thấy phản ảnh rất rõ mẫu người Phật GIÁO lý tưởng, mà vua Trần Nhân Tông nhằm tới trong Cư trần lạc đạo phú:

Sạch giới lòng, dồi giới tướng, nội ngoại nên bồ tát trang nghiêm. Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu

Thế rõ ràng con người trượng phu và con người bồ tát phải kết hợp với nhau để thành một con người Phật giáo của thiền Trúc Lâm. Học Phật giáo không loại bỏ những cái học bên ngoài Phật giáo. Và những môn học bên ngoài Phật giáo không loại bỏ cái học Phật giáo. Dĩ nhiên, quan điểm giáo dục này đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ta biết nó hiện diện tối thiểu là từ thời Mâu Tử (160 -220 ?) và Khương Tăng Hội (?-280), rồi vẫn được kế thừa một cách mạnh mẽ sau thời Trần Nhân Tông với những tên tuổi lẫy lừng như Hương Chân Pháp Tính (1470-1550?), Minh Châu Hương Hải (1628 -1715) và đặc biệt là Hải Lượng Ngô Thời Nhiệm (1746 -1803) v.v..

Mẫu người lý tưởng của thiền phái Trúc Lâm như thế rất khác xa những mẫu người của Phật giáo thiền Trung Quốc.

Trước khi trao truyền y bát, Pháp Loa cũng trãi qua một tiến trình tham vấn có vẻ giống như bất cứ thiền sinh nào trong các thiền viện Trung Quốc, như văn bia của sư đã chép lại trong Tam tổ thực lục tờ 17b1 -8:

“Một hôm sư từ chỗ Tín Giác trở về tham yết, gặp lúc Điều Ngự đang thuyết pháp, nêu lên bài tụng ‘Thái dương ô kê’. Sư như có tỉnh ngộ. Điều Ngự biết điều đó, bèn sai theo hấu hai bên. Một đêm nhân khi trình bài tụng Tam yếu, bị Điều Ngự một bút sổ toẹt. Sư bốn lần thỉnh ích. Điều Ngự chỉ dạỵ nên tự tham cứu. Bèn vào phòng trong lòng rất xao xuyến. Đến nửa đêm, nhân thấy hoa đèn rơi, bỗng nhiên đại ngộ, bèn đem điều sở ngộ trình lên Điều Ngự. Điều Ngự rất bằng lòng. Từ đó sư thề tu hạnh 12 đầu đà”.

Quá trình tham cứu để giác ngộ của thiền Trúc Lâm như vậy có những nét trông có vẻ như tương tự với quá trình giác ngộ của các thiền sinh ở Trung Quốc cũng như Việt Nam trước thời Trần Nhân Tông. Và thực tế các bài giảng của vua Trần Nhân Tông tại chùa Sùng Nghiêm năm Hưng Long thứ 7 (1299) do Thánh đăng ngữ lục tờ 18b6 -20b8 ghi lại và tại viện Kỳ Lân của chùa này do Tam tổ thực lục tờ 36a2 -39b6 trích chép đã một phần nào cho thấy cách diễn giảng về thiền của nước ta vào thời vua Trần Nhân Tông. Chúng có những nét giống hao hao với những buổi giảng thiền tại các thiền viện Trung Quốc và Việt Nam trước đó, mà ta có dịp đọc qua ở Cảnh đức truyền đăng lục hay Thiền uyển tập anh.

Tuy nhiên, qua buổi lễ truyền trao của ngày mồng một tết của năm Mậu Thân Hưng Long thứ 16 (1308), ta thấy một sự trao truyền tinh thần Phật giáo hoàn toàn khác. Việc trao cho Pháp Loa 100 hộp sách kinh sử ngoại thư cùng với 20 hộp kinh Đại Tạng chép bằng máu và dặn dò Pháp Loa “phải mở rộng cái học bên trong và bên ngoài” không chỉ thể hiện quan điểm giáo dục của vua Trần Nhân Tông và của Phật giáo Việt Nam mà ta đã nói tới. Nó còn thể hiện chủ trương “giáo lý của đức Phật ta phải nhở tiên thánh mà truyền lại cho đời” do vua Trần Thái Tông nêu lên trong Thiền tông chỉ nam tự. Và chủ trương này chắc chắn đã được vua Lý Thánh Tông thực hiện, khi vua vừa cho thành lập thiền phái Thảo Đường, lại vừa mở ngôi trường đại học đầu tiên của quốc gia Đại Việt qua việc xây dựng Văn miếu vào năm 1070, rồi tiếp theo thiết lập Quốc tử giám.

Mẫu người Phật giáo lý tưởng này như vậy phải là một mẫu người được giáo dục toàn diện, không cho bất cứ nguồn tri thức nào là xa lạ với nguồn tri thức Phật giáo. Không phải học kinh sử của nhà nho là chối bỏ Phật giáo, thậm chí chống lại Phật giáo, như nhiều sách vở đã từng rao giảng một cách vô bằng. Nho giáo trong lịch sử Việt Nam chưa bao giờ chiếm ưu thế, chứ khoan nói chi tới chuyện độc tôn. Có thể nói có bao nhiêu nhà nho là có bấy nhiêu Phật tử, dù rằng đôi khi vì lý do này hay lý do khác đã xảy ra những phê phán một dạng Phật giáo này, một dạng Phật giáo khác, xuất phát từ những người đã trải qua các kỳ thi nho. Và sự tình này có đầu dây mối dợ của nó. Đó là Nho giáo tồn tại ở Việt Nam thông qua mẫu hình Phật giáo.

Khi vua Trần Thái Tông viết “giáo lý của đức Phật ta phải nhờ tiên thánh mà truyền lại cho đời”, thì đấy không phải là một lời nói suông buông ra từ cửa miệng một vị sư hay một người trí thức nào đó. Ngược lại, nó xuất phát từ một vị vua, một lãnh tụ quốc gia, tất nhiên nó sẽ được phản ảnh trong chính sách văn hóa giáo dục của chính quyền do vị lãnh tụ ấy đề xuất. Chính sách nhà nước của triều Trần đối với Nho giáo như thế là một chính sách dùng Nho giáo như một công cụ phục vụ cho lợi ích của Phật giáo. Phải nhận rõ điều này ta mới thấy trong thời đại Lê sơ, đặc biệt là thời vua Lê Thánh Tông và trở về sau, thường được cho một cách sai lầm là thời kỳ “Nho giáo độc tôn”, tại sao đã có những đề thi đình trong đó có nhiều câu hỏi liên quan đến Phật giáo, nhất là Phật giáo Trúc Lâm. Cụ thể là đề thi năm 1502, mà người đỗ đầu là trạng nguyên Lê Ích Mộc (1459 -?). Cũng may nhờ sự bảo lưu được những đề thi này, ta mới biết chút ít về nội dung học và thi của nền giáo dục Lê sơ, và từ đó đánh bạt được những ngoa truyền về “Nho giáo độc tôn”.

Phật hoàng Trần Nhân Tông

Truyền thống giáo dục của Việt Nam từ đó là một nền giáo dục tổng hợp. Học Nho giáo là để phục vụ cho những lợi ích bên ngoài Nho giáo, tức lợi ích Phật giáo và dân tộc. Đây là một điểm, mà người ta thường không chú ý tới, khi viết về lịch sử giáo dục và khoa cử Việt Nam. Người ta quên rằng việc dựng nên Văn miếu vào năm 1069-1070 đã do một người Phật tử thực hiện. Và người Phật tử này đồng thời cũng là người thành lập dòng thiền Thảo Đường. Chỉ một việc này thôi cũng cho thấy vua Lý Thánh Tông đã có thái độ như thế nào đối với Nho giáo. Cho nên, ngày nay tuy không có một văn bản nào ghi lại quan điểm của vua Lý Thánh Tông, ta vẫn có thể chắc chắn chủ trương của vị vua này chính là chủ trương “giáo lý của đức Phật ta phải nhờ tiên thánh mà truyền lại cho đời”, như vua Trần Thái Tông đã phát biểu.

Vì thế, ta hoàn toàn không có gì ngạc nhiên trước việc vua Trần Nhân Tông đã trao cho Pháp Loa một trăm hộp “kinh sử ngoại thư” cùng với hai mươi hộp “Đại Tạng kinh Phật giáo” và dặn dò phải mở rộng việc học bên trong cũng như bên ngoài Phật giáo, lúc truyền y bát, để kế thừa làm vị tổ thứ hai của dòng thiền Trúc Lâm. Không những thế, điều này không có nghĩa vua Trần Nhân Tông đã nghiêng hẳn về giới xuất gia trong dòng thiền Trúc Lâm. Ta đã thấy Trần Nhân Tông nhấn mạnh đến “giới lòng” và “giới tướng” của những vị “bồ tát trang nghiê m”. Giới lòng là một Việt dịch của chữ tâm giới tiếng Trung Quốc. Và tâm giới là một tiếng gọi tắt của bồ đề tâm giới, hay cũng gọi là bồ tát giới. Đây là loại giới luật đặc biệt dùng chung cho cả người tại gia và người xuất gia.

Việc nhấn mạnh đến tâm giới, do đó, thể hiện quan điểm không phân biệt xuất gia và tại gia của chính vua Trần Nhân Tông. Và thực tế, nếu nghiêng về giới xuất gia và cho việc xuất gia như một quá trình rút ra khỏi cuộc đời thế tục và xa lánh cuộc đời này thì ngay khi truyền y bát cho Pháp Loa, vua đã không truyền thêm một trăm hộp “kinh sử ngọai thư”. Truyền kinh sử ngoại thư để làm gì, nếu không quan tâm đến cuộc đời, mà trong đó mỗi con người đang vươn lên tìm cho mình một chỗ đứng dưới ánh mặt trời. Và cũng lạ thật, nếu Pháp Loa chỉ với tư cách nhà tu, thì ôm lấy kinh sử ngoại thư để làm gì? Ta cần nhớ khi được truyền y bát để kế thừa dòng thiền Trúc Lâm, Pháp Loa còn rất trẻ, mới chỉ 24 tuổi.

Ở độ tuổi này, có thể Pháp Loa đã có một cơ sở học vấn tốt, nhưng chưa phải nắm hết mọi ngành học thuật của thời đại mình. Dù vào lúc ấy chưa có cuộc bùng nổ thông tin như thời đại chúng ta, nhưng chắc chắn nhiều ngành học thuật đã phát triển mạnh mẽ và đã tích lũy được một số lượng kiến thức phải nói là phong phú. Cả một loạt những xuất bản phẩm lần đầu tiên ra đời nhờ việc phổ biến nghề in bằng bản gỗ ở Trung Quốc cũng như nước ta mấy trăm năm trước đó. Vì thế, ta có lý do để nghĩ rằng việc vua Trần Nhân Tông giao các hộp sách Phật giáo và ngoài Phật giáo trên cho Pháp Loa là nhằm thể hiện mong muốn của bản thân vua. Nhà vua mong muốn Pháp Loa có đủ kiến thức trong và ngoài Phật giáo, để thực hiện mẫu người Phật giáo lý tưởng của mình một cách trọn vẹn, chứ không phải mong có một người kế thừa khư khư giữ lấy tư cách một nhà tu chỉ biết thiền định và giảng kinh cùng một số công việc tu trì khác.

Nói khác đi, vua Trần Nhân Tông mong có một người kế thừa gần giống mình. Ta đã thấy những năm tháng xuất gia của vua là những năm tháng đầy công việc đời cũng như đạo. Vua hy vọng Pháp Loa cũng có một cuộc sống ít nhiều sôi động kiểu ấy. Thế nhưng, trong 22 năm còn lại của cuộc đời mình, Pháp Loa chỉ giới hạn vào công việc Phật giáo là chính. Ngoài ra, ta không thấy có bất cứ dấu hiệu nào chứng tỏ có tham gia vào các hoạt động thế sự.

Phải chăng vì những hoạt động thuần túy này, mà văn bia Pháp Loa phải hơn 30 năm sau khi mất mới được khắc lên đá, tức vào năm Nhâm Dần Đại Trị thứ 5 (1362)?

Vấn đề quan hệ giữa Pháp Loa và vua Anh Tông theo Thánh đăng ngữ lục và Tam tổ thực lục là một quan hệ khắng khít tốt đẹp. Tuy nhiên, căn cứ ĐVSKTT 6 tờ 39b4-7, trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, vua Anh Tông đã từ chối gặp Pháp Loa. Rồi nhân việc Pháp Loa mất vào năm 1330, Thánh đăng ngữ lục tờ 35a2 -8 chép lúc Pháp Loa đau, vua Minh Tông đã tới thăm và khi mất, vua ban pháp hiệu cũng như làm thơ điếu và sai người đến gặp Huyền Quang nhờ viết lại ngữ lục và hành trạng của Pháp Loa để cho in. Trong lần in này, vua Minh Tông đã đề tựa. Tất cả điều này chứng tỏ Pháp Loa có một ảnh hưởng rất lớn đối với vua Minh Tông. Ta không biết tại sao sau khi vua Minh Tông mất, bản Niên phổ của Pháp Loa mới được khắc lên bia?

Dẫu sao, thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông thành lập đã có người kế thừa. Trong thời gian từ khi được truyền y bát cho đến lúc mất vào năm 1330, tất cả nỗ lực của Pháp Loa tập trung chủ yếu vào việc quy y và trao giới cho những người tại gia cũng như xuất gia, khai sơn chùa Quỳnh Lâm và chùa Tư Phúc cùng hơn 20 am chùa khác và đặc biệt cho tiến hành chép cũng như in Đại Tạng kinh. Bản thân Pháp Loa là tác giả của tối thiểu 9 tác phẩm, đó là Tham thiền kỷ yếu, Kim Cương tràng đà la ni kinh khoa chú, Niết Bàn đại kinh khoa sớ, Pháp Hoa kinh khoa sớ, Lăng già tứ quyển khoa sớ, Bát nhã tâm kinh khoa sớ, Hưng vương hộ quốc nghi quỷ, Pháp sự khoa văn và Độ môn trợ thành tập. Ngoài ra ông còn trực tiếp giảng dạy nhiều nơi, nhất là nhiều lần được mời giảng dạy kinh Hoa Nghiêm.

Đây là một chi tiết cần chú y,ữ vì thứ nhất, nó chứng tỏ thiền phái Trúc Lâm không từ bỏ kinh điển, càng không tập trung vào việc tham cứu công án hay thoại đầu. Việc học tập và diễn giải kinh điển được nâng lên thành một bộ phận trọng yếu của sinh hoạt thiền Phật giáo. Điều này có nét tương tự với thiền học Huệ Năng, trong đó các kinh điển vẫn được coi trọng và giải thích theo hướng mới của thiền. Tuy nhiên, nếu Huệ Năng chỉ quan tâm đến kinh Pháp Hoa hay Niết Bàn, thì dòng thiền Trúc Lâm từ vị tổ thứ nhất là vua Trần Nhân Tông trở đi, kinh Hoa Nghiêm đã có một vị thế tư tưởng xung yếu. Ta cần nhớ đến bài kệ trước lúc mất của vua Nhân Tông:

Nhất thiết pháp bất sanh Nhất thiết pháp bất diệt Nhược năng như thị giải Chư Phật thường hiện tiền Hà khứ lai chi hữu (Tất cả pháp không sinh Tất cả pháp không diệt Nếu hiểu được như vầy Chư Phật thường trước mặt Đi đến sao có đây)

là bài kệ, mà bốn câu đầu rút trực tiếp ra từ kinh Hoa Nghiêm.

Thứ hai, nội dung kinh Hoa Nghiêm trình bày quá trình đi tìm chân lý của từng con người, mà điển hình là đồng tử Thiện Tài với 53 cuộc tham vấn của mình. 53 cuộc tham vấn này được mô tả dưới nhiều dạng khác nhau, từ dạng thế tục nhất với những chi tiết nam nữ ân ái cho đến dạng siêu thoát nhất qua những tư tưởng chân xác về quan hệ giữa các sự vật với nhau, mà ngày nay mỗi khi đọc tới ta cảm thấy hết sức gần gũi. Tính phổ biến của kinh Hoa Nghiêm vào lúc ra đời của thiền phái Trúc Lâm này không phải là tình cờ ngẫu nhiên. Nó xuất hiện càng làm rõ thêm tư tưởng Cư trần lạc đạo và phù hợp với tư trào phát triển tư tưởng Cư trần lạc đạo thành một lối sống mới trong sinh hoạt Phật giáo Việt Nam.

Phải nói rằng sự xuất hiện hệ tư tưởng Hoa Nghiêm đã manh nha từ thời thiền sư Thường Chiếu (? -1203) với chủtrương tùy tục của vị thiền sư này. Căn cứ vào Thiền uyển tập anh, để trả lời câu hỏi “pháp thân hiện khắp mọi nơi là thế nào” của một thiền sinh, Thường Chiếu đã lấy hai đoạn văn từ phẩm Như Lai xuất hiện trong bản kinh Hoa Nghiêm 80 cuốn do Thật Xoa Nan Đà dịch.1 Ta cũng cần nhớ rằng Thường Chiếu là thầy của Thông Thiền (?-1228). Và Thông Thiền theo Lược dẫn thiền phái đồ trong Thượng sĩ ngữ lục tờ 5b6 -7b1 là người đã thành lập nên “tông môn” Trúc Lâm, mà ta có thể trình bày qua đồ hình sau:

Thông Thiền Tức Lự Ứng Thuận Tiêu Dao Tuệ Trung Vua Trần Nhân Tông Pháp Loa Huyền Quang

Tư tưởng kinh Hoa Nghiêm có thể nói là một loại lý thuyết hệ thống, trong đó mọi tồn tại chỉ tồn tại trong tương quan nào đó với các tồn tại khác. Không bao giờ có một sự tồn tại tự thân, độc lập bên ngoài các tồn tại khác. Dưới ảnh hưởng của một lý thuyết như thế, tất nhiên Thường Chiếu phải đặt mọi hoạt động của cuộc đời mình, mà cụ thể là các hoạt động Phật giáo, vào trong một hệ thống nhất định, một khung cảnh thời đại nhất định. Cho nên, ta không lạ gì khi Thường Chiếu đưa ra chủ trương tùy tục, trong khi trả lời câu hỏi của Thần Nghi (?-1216) về “hòa thượng cũng sống theo thế tục sao?”. Các dòng thiền Pháp Vân và Kiến Sơ đến cuối thời Lý cũng đã bắt đầu xuất hiện các gương mặt cư sĩ thiền sư, đặc biệt là dòng thiền Kiến Sơ với Thông Thiền. Thông Thiền, như đã biết, được Lược dẫn thiền phái đồ coi là người sáng lập ra tông môn Trúc Lâm Yên Tử. Bản thân Thông Thiền là một cư sĩ.

Đến Ứng Thuận cũng thế. Và đây rõ ràng là do tác động mạnh mẽ của tư tưởng kinh Hoa Nghiêm. Tuệ Trung Trần Quốc Tung trong các bài thơ của mình cũng đã nhắc đến kinh này. Thí dụ, bài Thị chúng, Tuệ Trung đã nói đến việc học tập theo gương Thiện Tài đồng tư,ý khi đối mặt với tiền nhân.

Thế gian nghi vọng bất nghi chân Chân vọng chi tâm diệc thị trần Yếu đắc nhất cao siêu bỉ ngạn Hảo tham Đồng Tử đối tiền nhân (Thế gian thích vọng chẳng ưa chân Chân vọng lòng kia cũng pháp trần Cốt được vượt cao qua bến ấy Khéo tham Đồng Tử gặp tiền nhân)

Chính xuất phát từ tư tưởng Hoa Nghiêm này, mà lần đầu tiên các phạm trù đối lập nhau trong tư tưởng nhân loại như có và không, thị và phi, phải và trái mới được giải quyết một cách căn bản. Có và không chỉ tồn tại trong một tương quan nào đó. Chẳng có cái có tuyệt đối cũng như chẳng có cái không tuyệt đối. Nếu nhìn dưới góc độ tư tưởng Hoa Nghiêm, có và không chỉ là hai mặt của một vấn đề. Chúng không đối lập loại trừ lẫn nhau. Cái có chỉ biết là có vì nó liên hệ với cái không có. Và cái không có cũng thế. Cho nên, vua Trần Nhân Tông trong buổi giảng tại chùa Sùng Nghiêm vào tháng 12 năm Giáp Thìn 1304, đã cho rằng: Vì người ta quên khái niệm có, không trong một liên hệ như thế, nên khi bàn luận thì giống như người chỉ nhìn thấy ngón tay mà không thấy mặt trăng, như kẻ ôm cây đợi thỏ, như người đi tìm ngựa mà dựa theo bản đồ:

Câu không câu có Chẳng có chẳng không Khắc thuyền tìm gươm Bản đồ kiếm ngựa Câu có câu không Đắp đổi hay không Nón tuyết giày bông Ôm cây đợi thỏ Câu có câu không Từ nay từ xưa Quên trăng giữ ngón Chết đuối trên bờ. (Hữu cú vô cú Phi hữu phi vô Khắc chu cầu kiếm Sách ký án đồ Hữu cú vô cú Hổ bất hội hổ Lạp tuyết hài hoa Thủ chu đãi thố Hữu cú vô cú Từ cổ từ kim Chấp chỉ vong nguyệt Bình địa lục trầm)

Kinh Hoa Nghiêm và tư tưởng Hoa Nghiêm như vậy đã trở thành một nguồn suối tư tưởng mới cho không chỉ Phật giáo Lý – Trần khai thác. Nó còn trở thành một lý thuyết phổ quát cho những người lãnh đạo quốc gia Đại Việt nhìn về đất nước cũng như xã hội mình trong tương quan với các đất nước, xã hội khác cùng thời, mà đỉnh cao là sự ra đời của chính dòng thiền Trúc Lâm. Ngày nay, mọi người đều đồng ý trong lịch sử dân tộc ta chưa bao giờ có một triều đại nào có chính sách thân dân như triều Trần, đặc biệt là của ba triều vua Thái Tông, Thánh Tông va Nhân Tông.

Ta có thể thấy nguồn gốc của tư tưởng thân dân này, ngoài truyền thống dân tộc, đã xuất phát từ chính hệ tư tưởng kinh Hoa Nghiêm. Và cũng có thể nói chưa bao giờ trong lịch sử Phật giáo Việt Nam kinh Hoa Nghiêm lại được diễn giải như ở thời đại từ vua Trần Nhân Tông trở về sau, khi phái thiền Trúc Lâm bắt đầu xuất hiện trên vũ đài văn hóa dân tộc.

Pháp Loa mất vào năm 1330. Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời Pháp Loa có sự hiện diện của Huyền Quang. Nhưng đến lúc ấy thì Huyền Quang cũng già lắm rồi, gần gấp đôi tuổi của Pháp Loa. Cho nên, dù về sau, nhất là khi Tam tổ thực lục ra đời do Tính Quảng và Ngô Thời Nhiệm tập hợp các tư liệu rời rạc để hình thành nên bộ sách viết về Trúc Lâm tam tổ, truyền thuyết về sự tồn tại của ba vị tổ dòng thiền Trúc Lâm được phổ biến rộng rãi, ta phải thấy dòng thiền này không chỉ giới hạn trong ba vị tổ ấy. Bên cạnh Huyền Quang mất vào năm 1334, tức chỉ sau Pháp Loa 4 năm và thọ đúng 80 tuổi, ta còn có những đệ tử khác của Pháp Loa như Cảnh Huy, Cảnh Ngung, Huệ Chúc và đặc biệt là Kim Sơn.

Còn tiếp

More From trannhantong network

Không có nhận xét nào: