Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Bảo tàng Ig Nobel Việt Nam



Ig Nobel. Ảnh: internet

Ignoble trong tiếng Anh là ngớ ngẩn nhưng gần đồng âm với từ Nobel, một giải thưởng khoa học nổi tiếng thế giới.
Người Mỹ tưởng là thông minh nhất nhì thế giới nhưng đôi lúc họ cũng làm những chuyện ngược đời. Thay vì lập ra giải thưởng tầm cỡ như giải Nobel thì họ có giải Ig Nobel (Ignoble) hay còn gọi là giải Nobel ngớ ngẩn.


Ngày 22-9-2012 tới đây, tại Đại học Harvard (bang Massachusetts, Mỹ) sẽ công bố các giải Ig Nobel cho các nhà khoa học chuyên nghiên cứu chuyện tầm phào.


Mấy năm trước, giải hóa học thuộc về hai nhóm nghiên cứu Mỹ và Đài Loan cùng nghiên cứu về Coca-Cola. Phía Mỹ nói nước giải khát này có khả năng diệt tinh trùng trong khi phía Đài Loan chứng minh, uống nhiều Coca lại giúp cho “bọ gậy” phát triển nhanh hơn.
Các cụ Tây (Pháp) rỗi hơi chứng chứng minh bọ chét sống trên chó nhảy cao hơn bọ chét sống trên mèo.
Tại Mỹ, Dan Ariel, nhà kinh tế, kết luận thuốc giả đắt tiền trị bệnh hiệu quả hơn thuốc giả rẻ tiền.
Một nhóm khác lại còn đi xa hơn cố chứng minh, chu kỳ rụng trứng của các vũ nữ múa bụng có thể ảnh hưởng đến tiền boa. Nếu vũ nữ đang trong thời điểm cao nhất ở chu kỳ rụng trứng, khách sẽ cho tiền boa nhiều hơn.
Ig Nobel để giễu những kẻ rỗi hơi, nhưng họ cũng không làm tốn kém lắm tới tiền thuế của dân đóng góp.
Nhưng bên ta thì có những dự án khủng, tốn tiền khủng, hậu quả khủng, nhưng hiệu quả lại ngớ ngẩn một cách khủng khiếp.
Tin bên nhà cho hay, Bộ Xây dựng vừa có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (BTLSQG) tại khu đô thị mới Tây Hồ Tây (Từ Liêm, Hà Nội) với đề xuất tổng mức đầu tư  là 11.277 tỷ đồng (khoảng 550 triệu đô la) từ ngân sách nhà nước. Mới xây dựng tòa nhà, còn nội dung thì chưa hề tính đến.
Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Internet
Công nhận là nước mình rất giầu, tiền như đất mới có điều kiện xây dựng toàn những thứ hoành tráng như thế.
Nếu qua khu Mỹ Đình sẽ thấy một tòa nhà chông chênh gần giống kim tự tháp lộn ngược. Đó là Bảo tàng Hà Nội với tổng diện tích gần 54.000 m2, cao 30 m, 12.000 m2, diện tích sàn hơn 30.000m2, hiện có quy mô lớn nhất nước và tổng vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng.
Tin báo chí cho hay, từ năm 2010 đến nay Bảo tàng Hà Nội, sau hai năm hoạt đông, chỉ có khoảng 130.000 lượt khách. Trong khi đó riêng từ năm 2010 đến 2011 các bảo tàng quy mô nhỏ hơn tại Hà Nội như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thu được 500.000 lượt khách, Bảo tàng Lịch Sử Việt Nam là 73.000 lượt.
Bây giờ lại xây tiếp Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, không hiểu là để đối trọng với bảo tàng Hà Nội vừa mới xây đã xuống cấp và vắng như chùa Bà Đanh hay định thay cái bảo tàng Lịch sử trên đường Bát Cổ, có từ thời ông tây mũi lõ mắt xanh Louis Fino,t xây dựng năm 1926 và hoạt động vào năm 1932. Sau này mình lấy lại và biến thành Bảo tàng Lịch sử. Đây là quần thể kiến trúc tuyệt đẹp nhưng không được duy tu và bảo dưỡng.
Mình vào đây vài lần, thấy ở trong trống rỗng, vài cái trống đồng, thanh kiếm mốc meo, tủ kính bụi bẩn, khuôn viên kinh doanh bán hàng.
Tôi nhớ ra Nhà Hát lớn Hà Nội cũng gần đó, hiện nay đẹp như một viên ngọc. Đây là một trong những kiến trúc đẹp nhất còn lại của người Pháp xây từ năm 1901.
Bảo tàng Lịch sử. Ảnh: internet
Sau gần một thế kỷ, Nhà Hát lớn được trùng tu lại năm 1995 bởi kiến trúc sư nổi tiếng Hồ Thiệu Trị với giá khoảng 15 triệu đô la và hơn 100 nhân công.
Sau 15 năm, trượt giá, lạm phát leo cao và tham nhũng, pha phí không có chiều hướng thuyên giảm, thì hiện nay nếu cụ Hồ Thiệu Trị được giao, cũng bó tay, không thể trùng tu bất kỳ công trình nào với cái giá trên.
Thay vì xây Bảo tàng mới, Cua Times đề nghị dùng 550 triệu đô la, có tính đến chuyện thất thoát và tham nhũng từ 30-50%, cho những việc như sau:
1.      250 triệu đô la cho việc trùng tu hai bảo tàng lịch sử có từ thời Pháp tại Hà Nội và Sài Gòn. Đảm bảo sẽ đẹp như Nhà Hát lớn hiện nay.
2.      150 triệu đô cho việc sửa sang duy tu và mua thêm hiện vật các bảo tàng khác tại Hà Nội, Huế, Sài Gòn như bảo tàng HCM, Mỹ thuật, Dân tộc học, Phụ nữ…
3.      50 triệu đô dùng để xây công viên tại diện tích trên Hồ Tây mà dự định xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Cái Bảo tàng này hoàn toàn không cần thiết trong thời điểm hiện nay. Cứ làm công viên chiếm đất, sau này tính tiếp.
4.      10 triệu đô dùng cho phục chế chùa Trăm Gian có lịch sử 1000 năm vừa bị phá hủy.
5.      90 triệu đô còn lại dùng để phá cái bảo tàng Hà nội trông ngứa mắt. Lấy đó làm gara giữ xe và không phải dùng công viên Thống Nhất.
6.      Nếu không phá được thì xây dựng dự án Ig Nobel Việt nam và dùng ngay cái Bảo tàng Hà Nội làm trung tâm trưng bày những dự án, ý tưởng tiêu tốn tiền của, ngớ ngẩn và không hiện thực, những phát biểu ngây ngô hay quyết định của các quan lớn.
7.      Hàng năm cần chi phí cho hoạt động này như bên Harvard, tổ chức “vinh danh” đàng hoàng và truyền hình trực tiếp cho cả nước.
8.      Danh sách Ig Nobel Việt Nam có thể rất dài. Ví dụ. Mấy cá mập Vinashin, Vinalines nợ và lỗ 3-4 tỷ đô la xứng đáng có chỗ đứng trong bảo tàng. Dự án đường sắt Cao tốc 56 tỷ đô. Qui định thấp bé nhẹ cân, ngực lép không đi xe máy. CV của mấy ông nghị rau muống và lời phát biểu nổi tiếng của ông về kinh tế và mại dâm. Kể cả cái dự án 11.000 tỷ Bảo tàng LSQG đang nhăm nhe nuốt tiền này. Kể ra thì còn rất nhiều.

Bảo tàng 550 triệu đô la. Ảnh: internet

Ig Nobel Việt Nam so với Ig Nobel USA khác nhau ở chỗ là bên ta tạo ra những dự án không tưởng, vô dụng, nhưng vô cùng tốn kém, đôi khi ảnh hưởng đến hàng triệu người. Vì thế nó cần có chỗ đứng trong lịch sử để thế hệ sau cần tránh vết xe đổ.
HM. 16-09-2012

Không có nhận xét nào: