Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Ghé thăm các blogs: 20/09/2012




BLOG NGƯỜI LÓT GẠCH
THỨ HAI, NGÀY 17 THÁNG CHÍN NĂM 2012


Tô Văn Trường

Theo Luật Nhân quyền trên thế giới có thể tạm định nghĩa buôn người là một dạng thương mại bất hợp pháp nhằm mục đích thu lợi bất chính. Nạn nhân của tội buôn người thường là phụ nữ và trẻ em bị lạm dụng tình dục hay lao động cưỡng bức, một dạng nô lệ thời hiện đại. Đây là "ngành công nghiệp" tội ác có mức độ phát triển nhanh nhất trên thế giới, cùng với buôn lậu vũ khí đứng hàng thứ hai về quy mô, chỉ sau buôn bán ma túy.

Các đối tượng bị bắt giữ trong đường dây buôn người

Chuyện buôn người (human trafficking) là vấn nạn của các nước nghèo, dân trí thấp, luật pháp kém, quyền con người không được đảm bảo. Nạn buôn phụ nữ, trẻ em ở đâu cũng có nhưng ở Việt Nam lại khá phổ biến. Cảm tưởng như bọn giang hồ đang hoạt động ở chốn không người. Những gia đình ở các vùng cao, là vùng có nhiều em xinh xắn, thường là những nơi các em ít được học hành, là nơi thuộc tầm ngắm của bọn buôn người, hay nói đúng hơn là bọn cướp người, các vụ mất tích xảy ra nhiều lắm. Điều vô lương tâm đó thậm chí còn xảy ra từ trong các gia đình khi cha mẹ sẵn sàng bán con mình. Cần hiểu rằng khi đứa trẻ sinh ra đã là một công dân của xã hội và xã hội phải có trách nhiệm với đứa trẻ chứ không phải chỉ phó thác riêng cho các gia đình.

Có rất nhiều đường dây có tính cạm bẫy đang dăng ra chờ sẵn những con mồi không chỉ là trẻ em, mà còn là phụ nữ từ những gia đình yếu thế, dễ bị tổn thương do ( nghèo đói, nhận thức thấp). Đối tượng là phụ nữ trong đường dây môi giới hôn nhân bất hợp pháp. Tình trạng hôn nhân không tình yêu hoặc là một thứ tự bán mình, thể hiện sự tuyệt vọng của “một bộ phận không nhỏ” chị em ta, khá phổ biến như ở miền Tây Nam bộ. Chừng nào còn việc phụ nữ phải đi tự “bán mình” như vậy thì hai chữ “độc lập” của đất nước cần phải xem lại, vì đó là một thể loại khác của thân phận nô lệ.


Một đối tượng buôn người qua biên giới bị đồn BP Cửa khẩu Tân Thanh, BĐBP Lạng Sơn bắt giữ tháng 7-2009. Ảnh: Báo Biên phòng


Ở các nước tiên tiến, khi có những vụ việc gây tổn thất về con người là giới cầm quyền có ngay những biện pháp ứng phó. Nhiều lần đến Úc và các nước phương Tây, tôi đã được chứng kiến, nghe các câu chuyện có thực, các bé gái từ khi đi mẫu giáo đã được các cô bảo mẫu dạy dỗ những kỹ năng phòng tránh tình huống bị dụ dỗ như là không lên xe người lạ, không nhận kẹo, nhận quà của người lạ, không đi theo người lạ, đại loại như thế. Trẻ em được dạy các kỹ năng an toàn, kỹ năng sống từ khi mới khoảng ba tuổi. Đứa trẻ nào cũng phải thuộc bài học “dừng lại, nhìn, lắng nghe và suy nghĩ ” trước khi qua đường. Ba tuổi đã có cảnh sát đến trường mẫu giáo giảng dạy về an toàn, thuộc số điện thoại của cảnh sát (ở Úc là 000, ở Mỹ là 911). Trẻ em dưới sáu tuổi bao giờ cũng có người lớn ở bên cạnh dù ở bất cứ đâu. Trẻ em dưới 12 tuổi luôn phải trong tầm mắt của người lớn. Chỉ cần thấy trẻ em bị bỏ một mình, sẽ có người qua đường tự giác đến hỏi han, giúp đỡ. Bố mẹ để trẻ em ở nhà, hoặc để trẻ em nhỏ trên ô tô một mình có thể bị báo cảnh sát và bị phạt rất nặng. Chính vì vậy, tai nạn cho trẻ em rất hiếm khi xảy ra. Càng ít việc xâm hại tình dục đối với trẻ em.


Ở Thái Lan đã có luật mở cho vấn đề hành nghề gái mại dâm, điều đó cũng dẫn đến hậu quả là nạn buôn người. Để làm hạn chế điều xấu của một quyết sách về kinh tế, họ đã áp dụng " Luật tình dục " và vấn đề buôn người đã chuyển sang một hướng khác và trở thành một công việc thương mại thuần túy, đòi hỏi sự tự nguyện hơn là bắt buộc phải làm!


Lực lượng trinh sát Đồn BP Bắc Sơn , BĐBP Quảng Ninh bắt giữ đối tượng lừa bán phụ nữ qua biên giới. Ảnh: H.A


Vấn nạn buôn người ở nước ta đã và đang xảy ra, nhưng chúng ta đã làm gì để giúp các em gái tuổi teen tránh nguy cơ là nạn nhân?  Bản thân các em học sinh, gia đình và cộng đồng nên có nhận thức đầy đủ về vấn đề này để tạo ra môi trường sống và học tập lành mạnh, phòng chống sự tấn công tinh vi của các đường dây tội phạm.  Cần có biện pháp xây dựng giải pháp lâu dài thông qua giáo dục phổ cập tại nhà trường và gia đình để con em tránh những hậu quả khôn lường của vấn nạn trên. Đối với những kẻ yếu thế, xã hội cũng không bỏ rơi nếu khi họ gặp vấn đề khốn khổ về mất cân bằng trong giáo dưỡng và thiếu thốn vật chất một cách trầm trọng. Vấn đề là giải quyết công ăn việc làm tại các miền quê nghèo đói ra sao để bọn lưu manh không có cơ hội lộng hành?


Các nhà báo không nên dừng lại ở khía cạnh thương tâm, ly kỳ của nạn nhân mà phải phân tích sâu hơn, đánh thức xã hội về các hành vi gây ra trong hoạt động buôn người và hệ lụy của nó cũng như khởi nguồn của tội ác. Cần nói tới trách nhiệm của các cơ quan chức năng (như lao động thương binh & xã hội), và cơ quan chống tội phạm còn quá mờ nhạt trong việc phòng chống vấn nạn buôn người.


TVT



BLOG HOÀNG HẢI VÂN
THỨ BA, NGÀY 18 THÁNG CHÍN NĂM 2012

Thằng Bim và con Tu-ti nhà tôi hàng ngày ra chơi ở công viên phía trước từ lúc 3 tháng tuổi. Khi ấy mỗi khi muốn đái, cả hai đứa đều nhún hai chân sau xuống, tè tại chỗ, nhìn phát rầu. Nhưng lên 7 tháng tuổi, trong khi con Tu-ti vẫn tè theo kiểu cũ thì thằng Bim lại đổi khác, nó đến một gốc cây ghếch chân lên, rồi mới tè, trông rất khí phách.

Từ đây cái chuyện đi đái của hai con chó bắt đầu “khác nhau về bản chất”. Con Tu-ti đái vì buồn tè, còn thằng Bim đái không hẳn vì buồn tè. Nó ghếch chân đái vào tất cả những gốc cây nó đi qua, có hôm chỉ 30 phút nó đã ghếch vào 10 gốc. Đến nay 11 tháng tuổi, nó đã để lại dấu nước đái vào khoảng 50 gốc cây lớn nhỏ. Đây là khu vực vui chơi của hai đứa và số gốc cây sẽ không dừng lại ở đó.


Cái ghếch chân hiên ngang như cố tình cho thiên hạ thấy ta đây là Bim, ta đã đến đây và ta đang đái chỗ này đây ! Các nhà động vật học bảo con chó làm dấu lãnh địa của nó như vậy đó. Hôm qua con Bim chạy sang bên kia đường, ghếch chân đái vào một bức tường, định mở rộng lãnh địa đa dạng hóa lãnh thổ.


Bim và Tu-ti là chó Phú Quốc, không cắn bậy. Các chú chó khác, dù lớn dù nhỏ, có thể đến chơi trong “lãnh địa” của nó, được đón tiếp thân thiện, nhưng chú nào tỏ ra hung hăng có ý định tấn công, chó nhỏ thì Bim cho qua không chấp, còn chó to thì nó “bụp” liền, dù đó là con chó to gấp đôi nó.


Suy cho cùng biên giới quốc gia của con người không khác bao nhiêu với lãnh địa của con chó. Trái đất của con người cũng giống như công viên của con chó, ai đến trước vạch quần đái một bãi làm dấu, nối các vệt nước đái lại làm một vòng, thành lãnh địa, thành quốc gia.


Tất nhiên sự vụ không đơn giản là vòng cho được một vòng nước đái, mà giá trị của cái vòng nước đái còn phụ thuộc vào hai yếu tố tối quan trọng : phải hiên ngang ghếch chân cho thiên hạ biết là ta đang đái, ta đã đái trước ở nơi này, và đủ sức mạnh để “bụp” những kẻ hung hăng làm càn, dù kẻ đó to và dữ đến đâu. Không đủ sức mạnh để "bụp" những kẻ xâm lấn, ghếch chân đái chỗ nào cũng chỉ đái chơi thôi, không thành được lãnh địa.


Cái vòng nước đái đó con chó sẽ ghi nhớ mãi mãi bằng khứu giác, còn con người do khứu giác kém thua 10 ngàn lần con chó nên phải ghi nhớ bằng cái gọi là lịch sử.


Hơn 4000 năm qua tổ tiên ta đã đái từ Móng Cái đến Cà Mau và ra Biển Đông đái vào Hoàng Sa, Trường Sa cùng hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ, làm nên đất nước Việt Nam. Những vệt nước đái còn ghi rõ trong sử sách.


Khi ông Nguyễn Hoàng ra vạch quần đái ở Hoàng Sa, Trường Sa, người Trung Quốc chưa hề biết đến hai quần đảo này. Suốt mấy trăm năm, ngay cả việc vác cu đến đái họ cũng không dám, nói gì đến việc hung hăng làm càn, bởi nhà Nguyễn đủ sức mạnh sẵn sàng “bụp” cho té khói. Sức mạnh đó chính là thuyền chiến, là hải quân, là binh hùng dân mạnh. Hải quân nước ta từ thời các chúa Nguyễn, đặc biệt từ thời vua Gia Long, mạnh nhất châu Á và không hề thua kém những nước có lực lượng hải quân hùng mạnh nhất châu Âu.


Ngày nay, không thể dùng những lời hô hào yêu nước rỗng tuếch để lấy lại Hoàng Sa, để giữ gìn và lấy lại những gì đã mất ở Trường Sa, mà nhất thiết phải có một tuyến phòng thủ biển vững chắc, một tiềm lực hải quân hùng mạnh nổi trội so với xung quanh như cha ông ta đã từng có.


Nhưng tổ tiên ta không chỉ đã đái trên hình chữ S và hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ trên Biển Đông. Nhìn trên bản đồ, hãy nhớ rằng tổ tiên ta từng đái từ Hồ Động Đình (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ngày nay) đái xuống. Đó là nước Văn Lang của các vua Hùng “bắc tới Hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tây giáp Ba Thục, đông giáp biển Đông Hải”, là vùng Lĩnh Nam mà sau này Hai Bà Trưng lấy làm quốc hiệu. Vòng nước đái đó của người Việt ta chính Trung Quốc cũng phải thừa nhận, bằng chứng là nó cũng được ghi trong Đại Việt sử lược, mà Đại Việt sử lược là cuốn sách do Trung Quốc ấn hành được lưu giữ trong Tứ khố toàn thư. Trên lĩnh vực nhận biết, phải thừa nhận khứu giác lịch sử của người cầm quyền Trung Quốc xưa tương đối lành mạnh hơn khứu giác lịch sử của người cầm quyền Trung Quốc ngày nay.


Lịch sử trải qua nhiều dâu bể, tổ tiên ta từ lâu đã không thèm “hồi tố” đòi lại đất Lĩnh Nam. Nhưng đời đời không được phép quên. Bởi thế mà sau khi Lê Hoàn phá giặc Tống, buộc nhà Tống phải công nhận nền độc lập của Đại Cồ Việt, vua Tống đã cử sứ giả sang “hỏi tội” ông vì cớ gì mà còn đem quân đánh sang trấn Như Hồng thuộc địa phận Khâm Châu của Trung Quốc (vào năm 995), Lê Hoàn ngạo nghễ trả lời rằng ông đâu có thèm đánh, nếu có đánh thì đầu tiên phải đánh vào Phiên Ngung (Quảng Châu ngày nay), thứ đến đánh Mân Việt (Phúc Kiến ngày nay), há chỉ dừng lại ở trấn Như Hồng mà thôi đâu ! Đọc lịch sử đến chỗ đó nghe quá đã !


BLOG NGƯỜI LÓT GẠCH
17 tháng chín 2012
Bình lựng thời sự: điểm cộng và điểm trừ...

Bình lựng thời sự



Tuần qua có 2 chuyện nổi bật của lãnh đạo xứ ta.

-TBT đi Sing. TBT đi thăm Singapour. Có người trách rằng, tình hình đất nước đang rối ren, nông dân nhiều nơi nổi dậy đòi đất, bọn xấu thì cướp của giết người, công an đây đó thì đánh chết dân, Việt kiều bị chết cháy, ngân hàng, tài chánh đang lao đao…,bên ngoài thì giặc thù đe dọa. Thế mà, TBT lại đi thăm thú, xem hoa lan, thưởng ngoạn đền đài dinh thự. Nói như vậy là oan ! TBT đi làm ngoại giao, kết nối chiến lược, quan sát và học tập cái hay của người, rất đáng hoan nghênh.  Singapour, một đảo quốc nhỏ bé mà phồn vinh, sạch đẹp, tự chủ và dân chủ. Mấy thập niên qua là điểm thu hút thanh niên ta sang du học, vì có nền giáo dục tốt. TBT cất bước sang thăm là hợp lý. Ngạn ngữ VN có câu : “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Vậy nên hoan hô TBT và ghi điểm cộng (+). Dân chúng theo dõi bước đi của ngài Tổng, mừng rơn vì không nghe bài diễn văn quan trọng như dạo nọ ở Cuba. TBT cam kết với ông Lý (Hiển Long) rằng sang năm 2013 quan hệ VN-Sing sẽ được nâng lên tầm đối tác chiến lược mặc dù  chế độ chính trị hoàn toàn khác nhau ? Hơn thế nữa,  trong cuộc nói chuyện tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu có tiêu đề “Vì một Đông Nam Á hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển”  có điều hơi lạ là ngài TBT không hề đề cập một chữ đến vấn đề chủ quyền của VN đang bị TQ chiếm đóng bằng vũ lực vào năm 1974 đối với quần đảo Hoàng Sa và một phần của quần đảo Trường Sa vào năm 1988, xem như “tạm quên” vì nhạy cảm chăng hay vì một lý do nào khác ? Lẽ nào biển đông đối với VN chỉ có vấn đề quyền  chủ quyền trong vùng 200 hải lý  thuộc thềm lục địa (EEZ) theo UNCLOS và tự do hàng hải là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế ? Trong những phát biểu của TBT khi sang thăm Singapour , về quan hệ với TQ, ngài cũng có tuyên bố rằng “giải quyết vấn đề biển giữa Việt Nam và Trung Quốc” theo thỏa thuận giữa cấp cao hai nước Việt-Trung vậy xin hỏi  “Vấn đề biển..” này mang một nội hàm như thế nào, cách nói úp mở như thế liệu người dân Sing và lãnh đạo Sing có hiểu không trong khi ngài TBT mong muốn được họ “chia sẻ”?  


--Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra chiêu bằng chỉ thị siết mồm báo mạng phản động, cấm mọi người – cán bộ, đảng viên,dân chúng - xem và lưu truyền những tin tức xuyên tạc, bôi đen chế độ…, cụ thể 3 mạng : quanlambao, danlambao, biendong. Nhưng có đôi điểu khuất tất : danlambao chống “đa chiều”, quanlambao thì có chống Đảng (cụ thể TT Nguyễn tấn Dũng), có chống Chính phủ (cụ thể T T Nguyễn tấn Dũng). Nhưng Biển Đông thì chẳng chống ai, là hồ sơ khá phong phú về Biển Đông và chỉ chống Bành Trướng BK, sao lại ghép chung vào một giuộc “phản động” ? Phản ứng : mạng biendong, xem chỉ thị như chuyện gió thổi mây bay, phớt lờ không quan tâm. Mạng danlambao, quanlambao thì thách thức, đương đầu. Cuộc chiến bằng mồm bỗng nặng nề bạo lực. Mệnh lệnh hành chánh đi cùng bạo lực, xem chừng thay thế vai trò ngòi bút. Nói như ông Phạm Viết Đào, là Thủ Tướng hơi thiếu bình tĩnh, nóng giận rồi đấy. Thủ tướng bảo cán bộ không được xem, loan truyền phổ biến thông tin trên các mạng phản động (**) nhưng hình như ông quên nói rõ là làm sao kiểm soát và khống chế việc họ lên mạng đọc thông tin lề trái? Phải tìm mua con chip “mã độc”(*) bắt buộc gắn vào các máy tính hay laptop của cán bộ công viên chức, máy sẽ tự động báo cho trung tâm theo dõi những IP  nào thường vào đọc để có biện pháp chế tài mới mong hiệu quả!


Túm lại ngòi bút phải liệu chừng.


Có một câu nói có thể phù hợp hoàn cảnh nầy : “Khi chỉ có cái búa trên tay, người ta thấy mọi vật đều giống cây đinh”.


"Người vỉa hè" ghi mấy điểm trừ (-) cho TT tuần qua./.



BLOG TRƯƠNG DUY NHẤT
THỨ NĂM, NGÀY 20 THÁNG CHÍN NĂM 2012

Lại một tuần lễ quá nhiều sự thể nóng, quá nhiều chuyện bất an. Đợt tắm rửa với kỳ vọng làm sạch đảng vẫn chưa tìm ra con sâu đáng kể nào trong “một bầy sâu”, cho dù đó là “bộ phận không nhỏ”.
          Ban cán sự đảng chính phủ cũng vừa tự kiểm điểm xong sau một phiên kéo dài 5 ngày được loan báo là “nghiêm túc, cầu thị, thẳng thắn, trách nhiệm”. Những hạn chế, yếu kém được đánh giá thống nhất là: “Chưa thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước. Năng lực tư duy, tổ chức triển khai còn hạn chế. Thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của đảng có mặt còn chậm, chưa sát thực tiễn. Hiệu lực, hiệu quả điều hành chưa cao, kinh tế, xã hội còn nhiều mặt yếu kém. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chưa đạt được mục tiêu đã đề ra là ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Một số lãnh đạo tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về kinh tế và bức xúc trong xã hội” (nguồn: website chính phủ )
          Dương Chí Dũng được loan báo là đã bị bắt, nhưng chưa thấy thêm bất kỳ thông tin gì, cho dù chỉ là một bức ảnh.
          Sau một tháng bị bắt giam, ông trùm tài phiệt Nguyễn Đức Kiên được cơ quan điều tra loan báo là sẽ khởi tố 2 tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 139 và 165 bộ luật hình sự- Hai khung tội đều có mức cao nhất đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
          Ở một động thái khác, cơ quan điều tra quyết định bắt giam thêm 2 thuộc cấp của bầu Kiên: giám đốc và kế toán trưởng công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội Trần Ngọc Thanh- Nguyễn Thị Hải Yến.
          “Cú sút” bầu Kiên cùng sự kiện ACB thêm một kịch tính khi hôm qua 19/9, ngân hàng thương mại cổ phần Á châu ACB loan tin: cả Chủ tịch và 2 Phó chủ tịch HĐQT ACB đồng loạt từ nhiệm. Ông Trần Xuân Giá, Chủ tịch ACB (cựu Bộ trưởng Kế hoạch- đầu tư) được cho là “vì lý do sức khỏe”. 2 Phó chủ tịch Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang được loan báo là “vì lý do cá nhân”.
          Cùng lúc, Phó chủ tịch ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), ông Phạm Trung Cang, cũng được loan báo là có đơn từ nhiệm vì “lý do cá nhân”. Tuy nhiên theo lời ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank thì ông Cang từ nhiệm “do liên quan đến trách nhiệm điều hành khi còn làm việc tại ACB".
          Ông Phạm Trung Cang nguyên là Phó chủ tịch HĐQT ACB được cử sang làm đại diện của nhóm ACB tại Eximbank và được bầu làm Phó HĐQT Eximbank vào tháng 4/2010. Đến 1/1/2011, theo quy định của ngân hàng nhà nước một cá nhân không được làm thành viên HĐQT của hai doanh nghiệp, ông Cang đã thôi Phó chủ tịch ACB để chỉ làm Phó chủ tịch Eximbank.
          Trước đó, Tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải cũng được loan báo là “từ nhiệm vì lý do cá nhân”, nhưng sau đó vài ngày bị bắt.
          Trên một “trận chiến” khác, báo chí được một tuần rầm rộ tổng tấn công đả phá 2 trang blog phản động mang tên “Quan làm báo” và “Dân làm báo”, sau một lệnh của Thủ tướng được phát ra từ công văn hỏa tốc của văn phòng chính phủ cho rằng những trang blog này đã “đăng tải thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống đảng và nhà nước ta, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội. Đây là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch” và nghiêm cấm “cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải trên các mạng phản động” này (nguồn:website chính phủ )
          Ở một động thái khác, trước đó, Trưởng văn phòng đại diện công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn (SGI), ông Nguyễn Duy Hưng đã bị bắt vì hành vi được loan báo là “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. SGI là công ty của đại biểu quốc hội giàu có tiếng tăm Đặng Thành Tâm.
          Cùng lúc đó, thêm một nhân vật nữa bị bắt giữ vì tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”: bà Nguyễn Thị Bích Trang, nhân viên công ty cổ phần đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (ITACO). Đây là doanh nghiệp của bà chủ Đặng Thị Hoàng Yến, chị ruột ông Đặng Thành Tâm, cựu đại biểu quốc hội vừa bị phế truất.
          Không nghe bà Yến lên tiếng. Nhưng ông Đặng Thành Tâm đã có văn bản, được gọi là “đơn kêu cứu” gửi Bộ Chính trị. Đơn của ông Tâm đồng thời được gửi cho nhiều vị đại biểu quốc hội đương nhiệm và cơ quan báo chí. Trong suốt mấy ngày qua, điện thoại của ông Tâm không liên lạc được. Còn bà Yến chị ông Tâm, nghe nói đang ở Mỹ.
          Nhiều lúc, nhiều người cũng chỉ muốn an phận, thôi thì mặc, như ai đó từng bảo “mọi việc đã có đảng và nhà nước lo”. Nhưng nhiều sự thể liên tiếp, dồn dập đến mức người điềm tĩnh nhất cũng phải nhổm dậy hỏi: đó là cái gì?


FACEBOOK TRỊNH KIM KIM

Đau đầu vì tiền, vì đâu?
by Trinh Kim Kim on Monday, September 17, 2012 at 4:25am 

Dạo gần đây, tôi thường hay bị “phê bình” là người thực tế quá, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tiền. Mở mắt ra đã nghĩ đến tiền, trước khi đi ngủ cũng nhắc đến tiền. Đồng ý rằng tiền là phương tiện để sống chứ không phải sống vì tiền. Nhưng không có phương tiện ấy thì con người sống thế nào đây nhất là ở thời buổi lạm phát gia tăng, mọi loại thuế má, mọi loại chi tiêu – tất cả đều cần đến tiền.

Nói chi xa, nạn đói ở Thanh Hóa ngay hồi năm ngoái, người dân nghèo không có đủ nổi tiền mua gạo ăn, khiến hơn 24.000 người dân chịu đói. Đâu phải ai cũng biết đến điều đó và thường thường thì họ sẽ thốt lên “Ủa thời này rồi mà còn có người chết đói ở Việt Nam  nữa à?”. Người thành phố thường không biết đến nạn đói, nạn mù chữ ở các tỉnh vì trước đây các tin thuộc dạng này ít được đăng tải trên các trang báo chính thống. Và nếu có thì mấy người quan tâm để ý đến, khi cuộc sống mưu sinh cơm áo gạo tiền  cũng đang đè nặng lên chính đôi vai họ.


Ba ngày thì giá xăng tăng, bốn ngày thì giá gas lên, năm  ngày thì đến lượt giá điện, giá nước… Gạo, mắm muối, cá, rau, thịt… cứ thế cũng tăng theo. Gía cả cứ nối đuôi nhau tăng một cách tự nhiên và không chịu đi xuống. Người dân chỉ biết kêu ca than vãn mà không biết nguyên nhân  nằm ở đâu? Cái điệp từ tiền- tiền- tiền nó ngấm vào máu hầu hết người dân thường Việt Nam.


Cơ chế quản lý yếu kém, nạn tham nhũng bao trùm thì việc lạm phát là điều tất yếu xảy ra nhưng người dân nước tôi rất lạc quan mà nói với nhau rằng “Chúng nó tham nhũng thì kệ m chúng nó, hơi đâu mà đi lo việc chúng nó bây giờ, việc của mình là lo mà làm ăn kiếm tiền cho đủ sống”. Người khác lại cười hì hì “Thôi, hơi đâu mà phản đối,  thấp cổ bé họng thì phải chịu, có phải một mình mình đâu, tăng là tăng chung, đứa nào cũng phải chấp nhận hết. Nhiều khi nghĩ lại những phản ứng của nhiều người mà tôi vừa thấy buồn lại vừa thấy buồn cười.


Mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm chúng ta đều phải đối mặt với các loại thuế, thuế nhà, thuế đất, thuế tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, thuế giá trị gia tăng… Mỗi loại thuế tính riêng nhìn vào cũng không nhiều, nhưng gộp chung lại thì nó lại là một con số khủng đối với túi tiền, với thu nhập của người dân.


Nhiều khi người ta được nhận từ chính những đồng tiền mình đóng ra mà không hay biết. Các cụ già khác luôn hăm hở, vui vẻ chờ có dịp gì đó để được hội của phường tặng 100- 200 ngàn, bà tôi cũng vậy nhưng họ không biết được rằng, số tiền đó được trích ra từ đâu? – Từ tiền thuế của chúng ta cả đấy.


Dường như chưa đủ đau đầu với các loại thuế, loaị phí, người dân còn phải gánh thêm một loại phí mới được gắn nhãn “quyên góp, ủng hộ”.


Hôm trước đang ở công ty làm việc, người của bên đoàn phường đến kỳ kèo, đòi công ty phải mua ủng hộ đoàn thanh niên hộp bút bi với giá 150k đắt hơn nhiều so với thị trường. Công ty đang đông khách mà người này cứ năn nỉ, bắt không ra bắt, mà xin không ra xin, ép người ta phải mua. Nghĩ về mấy bạn thanh niên, ở tỉnh lên thành phố ăn học, không có tiền trang trải, tôi đồng ý mua hộp bút bi. Sau đó thì tôi đã hối hận vì điều này. Dù không đáng bao nhiêu nhưng thật bức xúc khi mà sử dụng không được bao nhiêu thì chiếc bút bi đã hết mực, một cảm giác thật khó chịu, cảm thấy tôi như đang bị lừa gạt.


Hôm nay đọc được cái stastus của một người bạn làm cùng ở Sài Gòn, nói về việc tổ dân phố đến đòi thu tiền phòng chống lũ lụt, 5000đ/1 người và cô ấy cảm thấy vô lý quá nên không đóng. Nếu là tôi lúc trước, chắc tôi cũng nghĩ là đóng cho xong, có 5000đ/1 người. Nhưng suy nghĩ của tôi đã khác đi khi nhìn nhận lại, đúng là 5000đ/ 1người không đáng bao nhiêu, nhưng nhân lên với số cư dân trong thành phố thì nó lại là con số  không hề nhỏ. Năm nào cũng kêu gọi đóng góp, ủng hộ bằng hình thức thu phí như vậy mà lũ lụt vẫn ngang nhiên đe dọa tính mạng và tài sản người dân. Nguy cơ thủy điện Sông Tranh lù lù thấy rõ trước mắt trước những dư chấn của động đất mà người ta còn không quan tâm chặt chẽ thì phòng tránh lũ lụt ra sao? Người dân Quảng Nam đang mỗi ngày phải sống trong sự hoang mang lo sợ trước những lời khẳng định an toàn của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cùng các cơ quan chức năng – những người không sống cùng, không bám trụ, không trải sinh mạng mình ra đánh cược với đập thủy điện Sông Tranh.


Khi lũ lụt xảy ra, nhìn vào những năm qua có được bao nhiêu người nhận được cứu trợ? Hầu hết người dân miền lũ đều trắng tay sau mỗi trận bão càn quét. Số tiền ủng hộ lũ lụt cũng đâu còn là 5000đ/ 1người nữa, mà có khi còn là 50000đ, 100000đ/ người, vậy thì số tiền đó đã đi về đâu? Nó có thực sự được sử dụng đúng với mục đích “ ủng hộ” của nó hay không?


Từ “ ủng hộ” đã bị lạm dụng rất nhiều lần với đủ các loại hoạt động của phường xã. Lúc thì ủng hộ hội phụ nữ, khi thì ủng hộ quỹ thể thao phường…Dần dần người dân cũng không còn muốn biết đó là loại quỹ gì, đóng góp cái gì, đóng góp cho ai, chỉ biết bảo đóng là đóng.


Thiết nghĩ việc ủng hộ là phải từ tâm, người dân Việt luôn có truyền thống yêu nước thương nòi, cũng không thiếu những người có tấm lòng.


Nếu như sự đóng góp mà thu được gía trị và ý nghĩa tích cực thực sự thì tôi nghĩ ai cũng sẽ không tiếc gì mà ủng hộ hết mình, nhưng nếu quá lạm dụng việc “ ủng hộ” và “quyên góp” để ép buộc người dân phải đóng tiền, không rõ ràng trong việc thu chi trong các khoản quỹ thì đó là sự vô lý, bất minh.


Giả dụ như việc đóng tiền quỹ bảo vệ an ninh khu phố cũng vậy, năm nào cũng đóng tiền  mà trộm vẫn ngang nhiên vào khoắng sạch đồ trong nhà. Trình báo công an bị mất trộm vẫn không thể tìm lại được tài sản thì tự khắc số tiền đóng góp đó dù ít cũng không ai muốn bỏ ra, đóng loại quỹ vô ích nữa.


Qúa nhiều khoản tiền mà không kể sao cho hết. Thật là khó cho các bà vợ khi không nghĩ đến tiền. Trách là trách ngươi dân quá lạc quan và thỏa hiệp với những sai trái bất công. Chỉ khi nào có đủ cái ăn, cái mặc thì có lẽ lúc đó đồng tiền mới thực sự được coi là phương tiện sống.



http://www.diendantheky.net/2012/09/ghe-tham-cac-blogs-20092012.html

Không có nhận xét nào: