Phạm Thị Hoài
Như những người không chịu an phận kiêm
một nhà văn (nữ), ngoài những lần thử hình dung mình là Hồ Xuân Hương,
là Virginia Woolf, là Simone de Beauvoir – nhưng chưa thử là E. L. James
– tôi đã qua khá nhiều hóa thân khác. Tất nhiên tôi đã là chị Dậu, là
Thị Nở, là Anna Karenina và Madame Bovary. Trong các loài vật, tôi thích
nhập vai cú mèo. Trong các đồ đạc, tôi đã nhiều lần độc thoại với tư
cách một chiếc bật lửa ga dùng xong là vứt. Tôi cũng đã lên kế hoạch để
là khúc xạ, là chân không, là quy luật vĩnh cửu và nhiều thứ hấp dẫn
khác. Song có vắt kiệt trí tưởng tượng tôi cũng chưa bao giờ bỗng thấy
mình là một chiếc túi Louis Vuitton.
Cho đến cách đây vài ngày. Một bài phỏng
vấn nhan đề “Phạm Thị Hoài phỏng vấn 03 nhà dân chủ trong nước” được
lan truyền qua email và đã để lại dấu vết trên mạng[1].
Theo đó, những người “trả lời phỏng vấn” là bà Lê Thị Công Nhân, ông
Nguyễn Khắc Toàn và ông Phạm Hồng Sơn, còn “nguồn” là blog pro&contra của tôi. Chưa cần đọc nội dung, chỉ riêng các đặc điểm hình thức đã tố giác đó là một sản phẩm giả mạo[2]. À, xem ra tôi đã là một thương hiệu đáng cho công nghệ fake phải vào cuộc. Tôi đã là một chiếc túi Louis Vuitton.
Kiến
thức của tôi về các thương hiệu xa xỉ đại khái cũng bằng kiến thức về
các đĩa bay. Ngoại lệ duy nhất là Prada, vì quá khứ ít nhiều avant-garde và cái gam understatement đặc trưng của nó trong thế giới thời trang cao cấp[3].
Nhưng túi Louis Vuitton thì dù không phải là Ngọc Trinh tôi cũng không
lạ. Nó treo đầy ở những chợ Việt Nam dọc biên giới Đức – Ba Lan và Đức –
Tiệp. Nó chất đống trên lề đường hay lủng lẳng cả chùm trên tay các
chàng châu Phi ngay trước mũi tiệm Louis Vuitton ở Milano. Ở Thượng Hải,
đường Nam Kinh Tây, bạn phải theo mối đi loanh quanh vào chỗ khuất mới
được sờ vào nó trong bao tải dứa. Nếu không là LV thì là những mẫu tự
khác lồng vào nhau trên nền nâu nâu vàng vàng tràn ngập thế giới của
khát khao và huyễn hoặc. Đúng hai mầu tôi ghét. Vụ hóa thân này chẳng
hứa hẹn gì ngoài khó chịu.
Vậy phải làm gì?
Kêu gọi sự lương thiện của những người
sản xuất hàng giả không khác gì chìa gương cho quan chức tham nhũng soi
và đề nghị họ hãy đỏ mặt. Lẽo đẽo chạy theo từng sản phẩm fake để
dọn dẹp hậu quả ư? Là việc vô nghĩa, cũng như 13000 vụ kiện hàng giả và
6000 cuộc khám xét của hãng Louis Vuitton chỉ riêng trong năm ngoái.
Tôi sẽ không làm gì hết. Ngược lại, nếu muốn người tiêu thụ khó phân
biệt hàng fake với hàng thật thì những kẻ gian đang giả danh tôi còn phải cố gắng phi thường.
Nhân đây xin nhắc lại một kỉ niệm. Lúc
12:26 và 12:28 giờ Berlin ngày 5-2-2010, kẻ gian đã mạo danh tôi, gửi
hai email với nội dung hoàn toàn bịa đặt từ hai địa chỉ thường dùng của
tôi đến nhiều nơi. Nhưng người nhận đã không khó đoán biết sự bất thường
trong cung cách gửi các email này và phần lớn đã không mở hồ sơ đính
kèm[4].
Kẻ gian có thể trăm lần, ngàn lần, vạn lần giả danh, giả dạng người
khác, với những thủ thuật sẽ còn đa dạng hơn nữa, nhưng điều duy nhất mà
kẻ gian không bao giờ giả mạo nổi là dấu vân tay tinh thần của người
khác. Tôi tin rằng bạn sẽ không nhầm các dấu vân tay.
[1] Theo Google, dấu vết đầu tiên là trên Diễn đàn X-Cafe, nay đã lan tới vài trang blog khác.
[2] Chẳng hạn, tôi không bao giờ dùng các dấu ngoặc kép như rải tờ rơi như vậy.
[3]
Có lẽ vì hai tính chất này mà Prada không được giới thượng lưu Việt Nam
ưa chuộng. Lựa chọn hàng đầu của của giới này, không có gì đáng ngạc
nhiên, là Hermès, Dior, Chanel, Gucci, Louis Vuitton.
[4]Ngay hôm đó Gs Nguyễn Văn Tuấn đã ghi nhanh trên blog của ông
về việc vì sao ông cho rằng có người giả danh Phạm Thị Hoài gửi virus.
Thứ nhất, vì ông và tôi không quen biết nhau. Thứ hai, vì ông không tin
rằng tôi lại “ngớ ngẩn đến nỗi viết không rành một câu tiếng Việt” như
trong email mà ông nhận được. Cả hai lí do này đều xác đáng. Tôi không
bao giờ đường đột gửi thư từ địa chỉ cá nhân cho người chưa quen mà
không có lời tự giới thiệu và xin phép làm quen. Còn câu tiếng Việt kia
là kết quả chép lại chính xác từ máy dịch của Google ngày hôm ấy. Đầu
tiên, kẻ gian nhờ Google dịch câu tiếng Việt “Xin các anh chị xem file
đính kèm” để thành câu tiếng Đức ngơ ngác là: “Bitte Brüder und
Schwestern sehen die Anlage”. Cú “lost in translation” trở nên hoàn hảo
khi câu tiếng Đức nói trên lại được dịch ngược thành câu tiếng Việt
khiến Gs Tuấn ngạc nhiên: “Xin Các anh xem file Chị Đinh kem”. Nhưng tôi
phải ghi nhận cố gắng liên tục của Google. Vài tháng sau trở lại để
kiểm tra, tôi được bản dịch ngược từ tiếng Đức về tiếng Việt là: “Vui
lòng xem file đính kèm anh chị em ruột”. Hôm nay khi viết những dòng
này, Google đề nghị một bản dịch ngược khác: “Xin anh chị em xem hệ
thống”. Google là một dịch giả đầy cầu thị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét