Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

NHỮNG “MÔ HÌNH GIÁO SƯ” Ở VIỆT NAM



Tác giả: Nhái Bén

Image

Ảnh Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trao chức danh GS, PGS cho các nhà giáo, nhà nghiên cứu (Theo http://us.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc)


Theo từ điển Vdict.com, nghĩa của từ “mô hình” như sau

“Vật cùng hình dạng nhưng làm thu nhỏ lại nhiều, mô phỏng cấu tạo và hoạt động của một vật khác để trình bày, nghiên cứu”

Ví dụ như chúng ta có “mô hình máy bay”, “mô hình nhà ở”.

Khái niệm trên theo Nhái Bén cũng chưa hòan thiện, trong cuộc sống hiện nay chúng ta có rất nhiều những mô hình mà có khi kích thước bằng vật thật, cũng màu sắc và hình dạng giống vật thật như hai giọt nước. Nếu ai đã từng ghé các gian hàng bán những thiết bị điện tử chắc cũng không ngạc nhiên với nhận xét của Nhái Bén. Ví dụ, một gian hàng bán điện thoại Iphone, họ có những mô hình điện thoại giống không khác gì hàng thật, khách hàng có thể xem, sờ mó thoải mái, nếu có nhu cầu tìm hiểu và mua thì lúc đó nhân viên sẽ xuất hiện và cho thử trên sản phẩm thật. Cách trưng bày mô hình như thế giúp nhà cung cấp giảm chi phí nhân viên bán hàng, hạn chế hiện tượng bị mất cắp. Như vậy mô hình là những thứ “giống y như thật” chỉ có khác một điều duy nhất là chúng hoàn toàn không có chức năng, không thể sử dụng, chỉ dùng để trưng bày, xem cho đẹp mắt mà thôi.

Cách đây hai hôm, tờ báo điện tử của chính phủ có bài về “quy định mới về tiêu chuẩn PGS/GS”, đọc mấy tiêu chuẩn nghe thì….hợp lý lắm nhưng thực tế thì sao đây?

Tiêu chuẩn đầu tiên “Ứng viên được xét đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư phải thành thạo một  trong năm ngoại ngữ: Anh, Đức, Nga, Pháp, Trung”

Thành thạo là thành thạo ở mức nào? Giao tiếp thông thường, đọc hiểu những công bố khoa học chuyên ngành, hay phải viết được báo cáo chuyên ngành ứng với ngoại ngữ mà ứng viên đó đăng ký?

Ngôn ngữ Việt Nam có nhiều cái khá lờ mờ. Chúng ta phải công nhận với nhau một điều này, đã là một giáo sư của một chuyên ngành mà không hề có một công bố khoa học quốc tế (dù rằng mức độ ảnh hưởng như chỉ số trích dẫn, impact factor,….thấp) thì thật nực cười. Điều “quan trọng” hơn nữa là các trường ĐH đã được “cởi trói” và hoàn toàn có quyền công nhận chức danh PGS/GS cho các ứng viên trong nhà trường của mình, điều đó không thể tránh khỏi sự không đồng đều, “lôm côm” trong trình độ cũng như “đẳng cấp” của người được công nhận chức danh PGS/GS.

Một câu chuyện có thật mà bản thân Nhái Bén đã gặp phải. Một ông GSTS làm về một chuyên ngành khoa học kỹ thuật của một trường ĐH lớn ở Hà Nội, chức vụ trưởng khoa. Khi có kế hoạch làm việc với đối tác, vì là người VN ở tại khoa nên Nhái Bén phải là người liên lạc bất đắc dĩ.
Ông GS của phía đối tác xem  xong cái tên của vị GSTS đáng kính của VN rồi gọi Nhái vào và bảo “này, ông này làm về cái gì thế, sao tao tìm không có profile của ông ấy, chúng mày có nhầm không đấy?”. Nhái giải thích “VN không giống như các nước khác, công trình công bố trong nước cũng được chấp nhận” ông ta tròn mắt “nhưng ít nhất thì cũng có báo trên tạp chí chứ, không có công trình vẫn được làm giáo sư à? Thế ông ấy hướng dẫn tiến sĩ làm sao, thật là nguy hiểm”. Đến khi vị GSTS của chúng ta sang (kèm thêm khoảng 8 vị khác), họ nói tiếng Anh mà toàn phải có người dịch lại. Đến lúc họ mời bữa cơm thân mật, họ lên phát biểu, thế nhưng vị GSTS của chúng ta không “hồi đáp” để cảm ơn họ, chỉ…cười cười rất duyên. Cuối cùng là nói tiếng Việt và có người dịch lại. Đúng là…Nhái Bén chỉ muốn chui xuống đất mà trốn đi cho xong.

Theo bài của GS Nguyễn Văn Tuấn “số liệu của Bộ GD-ĐT, hiện nay Việt Nam có 77.500 giảng viên CĐ và ĐH; trong số này chỉ có 2.930 GS và PGS (tức chỉ 3,7%)”. So với con số VN có khoảng 9000 PGS/GS hiện nay, vậy hóa ra chỉ khoảng 1/3 số lượng này tham gia vào công tác nghiên cứu giảng dạy, còn 2/3 tức khoảng 6000 PGS/GS là tham gia “công tác khác”. Nhìn vào các chính trị gia của VN, chắc đưa ra con số thống kê thì tất cả các nước kể cả Mỹ phải “chóang” vì chúng ta có một lực lượng khủng PGS/GS tham gia vào công tác quản lý nhà nước mà đã “đoạn tuyệt” với nghiên cứu khoa học. Giáo sư là một chức danh mà người ta dùng để tôn vinh những người đang tham gia nghiên cứu khoa học và giảng dạy, đồng thời có những đóng góp (khá quan trọng) cho kiến thức chuyên ngành mà vị giáo sư đó tham gia. Một nhà nghiên cứu có thể họ có rất nhiều công trình có giá trị nhưng họ khác giáo sư ở chỗ là họ không đào tại sinh viên. Tương tự, một giảng viên có thể giảng dạy rất nhiều giờ nhưng thiếu mảng nghiên cứu thì cũng không thể xưng danh là “PGS/GS” được. Khi một người dù đã được phong hàm PGS/GS nhưng không còn làm việc  ở một trong hai mảng học thuật kia thì chức danh PGS/GS cũng không còn.

Ở các nước Âu, Mỹ; giáo sư không phải là một học hàm hay một chức danh khoa học mà là một “chức vụ“ giảng dạy, thường do các trường đại học tự chọn lựa và quyết định. Ai cũng biết ông tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama, ông từng là GS luật của trường đại học danh tiếng và là chủ nhiệm của tờ Harvard Law Review, tuy nhiên khi tham gia vào chính trường, ông được giới thiệu với câu tôn kính “Tổng thống nước Mỹ, ông Barack Obama”, không ai giới thiệu là “Tổng thống nước Mỹ, Giáo sư Barack Obama”. Một ví dụ khác như bà cựu ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice, bà từng làm giáo sư và chủ nhiệm khoa Khoa Học chính trị của đại học danh tiếng Stanford, nói lưu loát năm thứ tiếng, là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới (bầu chọn năm 2004) và là người quyền lực thứ tư trong chính quyền của ông Bush. Thế nhưng khi tham gia vào chính trường, người ta cũng chỉ giới thiệu “Bà Condoleezza Rice, ngọai trưởng Mỹ” mà không ai nói “giáo sư Condolezza Rice, ngoại trưởng Mỹ” vì khi đó bà hoàn toàn từ bỏ việc nghiên cứu và giảng dạy.

Còn Việt Nam chúng ta,…thôi Nhái Bén xin miễn bàn.

Hay chúng ta có những “tiêu chuẩn riêng” cứ công nhận, cứ phong hàm theo những “tiêu chuẩn nghiêm túc” của chúng ta, đương nhiên khi đi công du xứ người, đối tác dù muốn hay không cũng phải gọi họ là “giáo sư”.

Chúng ta cứ nói mãi về hội nhập, về đại học quốc tế, đẳng cấp quốc tế mà…cứ mãi dùng “cây nhà lá vườn” để quẳng vào một “sân khấu” có những tiêu chí ngặt nghèo với những bằng chứng, luận cứ khoa học thuyết phục thì có nên không? Thực sự chúng ta cần chất lượng hay số lượng? Hay hóa ra chúng ta đang cần những “mô hình giáo sư” để cho thiên hạ chiêm ngưỡng hay sao?

Tác giả Nhái Bén gửi trực tiếp cho hailuablog

Tài liệu tham khảo

http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Quy-dinh-moi-ve-tieu-chuan-Giao-su-Pho-Giao-su/20129/148832.vgp

http://nld.com.vn/20120915105537137p0c1002/bo-nhiem-gs-pgs-co-hoi-de-cai-cach.htm

http://us.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/se-lam-phat-giao-su-pho-giao-su-c216a483557.html

http://en.wikipedia.org/wiki/Condoleezza_Rice

Không có nhận xét nào: