Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Thời chộn rộn




Gặp người bà con nơi đất khách, tôi hỏi thăm tình hình làng xóm, cậu nói: đất đai chộn rộn lắm. Hỏi chộn rộn là sao, cậu nói: chộn rộn quá biết sao mà nói. Tôi tự tra từ điển vậy. Tự điển Việt Nam của Hội Khai Trí Tiến Đức ghi chộn-rộn là rộn rịp, thí dụ “chộn rộn nhiều việc.” Vậy là đất đai ở quê mình rộn rịp lắm. Nhưng hiểu vậy cũng bằng không.

Tra từ trên internet, chộn rộn được phân loại là tính từ, có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhứt: (phương ngữ) nhốn nháo, lộn xộn. Nghĩa thứ hai: rộn ràng, hối hả. Còn từ rộn rịp thì tự điển online này ghi chú là (từ cũ) và bảo xem nhộn nhịp. Xem tới  nhộn nhịp thì thấy định nghĩa: từ gợi tả không khí động vui tấp nập, do có nhiều người qua lại hoặc cùng tham gia hoạt động. Thí dụ “không khí nhộn nhịp ngày khai trường.” Nếu thay nhộn nhịp bằng chộn rộn, “không khí chộn rộn ngày khai trường” người đọc có cảm nhận ý nghĩa hai câu thí dụ đó như nhau không?

 Tiếng Việt trong hơn nửa thế kỷ qua đã có biết bao biến hóa có thể nói là kỳ ảo, khiến cho nhiều  tiếng Việt của hội Khai Trí Tiến Đức bị liệt vô từ  cổ, hoặc nghĩa cổ không còn thông dụng nữa. Chuyện này bình thường đối với mọi ngôn ngữ, tuy có khi nghe hơi bi hài. Thí dụ như ông cụ hàng xóm không thể hiểu đứa cháu nói gì, bảo nó: con làm ơn nói tiếng Việt cho ông hiểu. Đứa cháu trợn tròn mắt nói: Con nói tiếng Việt mà! Con nói lại nè: con mít ảnh trên net, sau vài lần chat thì  ópcà phê Nai. May mà nhờ có internet, tôi có thể thường xuyên đọc các website tiếng Việt để cập nhật hóa ngôn ngữ của mình.

Tôi hay đọc blog hay truyện của những người viết trẻ - họ là những người sáng tạo và vận dụng hữu hiệu ngôn ngữ đương thời. Trong truyện ngắn “Chắc là suốt đời” của Hải Miên, nhân vật chính sau mấy năm đổ vỡ cuộc chung sống với bạn tình vẫn không hiểu tại sao cô gái ấy lại bỏ mình ra đi. Anh chàng trải qua vài ba mối tình nữa, và người tình mới nhứt cũng bỏ anh đi vì “Em thấy anh cứ chộn rộn không yên, suốt mấy năm nay không yên” Cụm từ  “chộn rộn không yên” được lập đi lập lại đến kết thúc câu chuyện. Cái chộn rộn của anh chàng này là “rộn rịp”  hay “nhốn nháo, lộn xộn”, hay “rộn ràng, hối hả”? Đọc lại câu chuyện chỉ thấy anh chàng này là người ích kỷ, thực dụng, và sau khi người tình bỏ đi anh ta sốc (như trong phần lớn những cuộc tình tan vỡ). Có phải cái trạng thái sốc này là chộn rộn không yên?

Trong blog của otkhongcay8x có một bài tựa là “Ngày chộn rộn…”, tác giả viết “Là mình luôn điên tiết lên như thế, luôn hay nổi cáu vô cớ như thế vì một ý nghĩ cứ ám ảnh trong đầu óc suốt từ thơ bé đến giờ rằng, mình luôn bị bỏ lại giữa một dòng người đang kéo nhau đi tìm chuyến tàu hạnh phúc. Và mình tự dưng thấy lòng chộn rộn, tự dưng thấy tim dập thình thịch và tự dưng muốn làm cái gì đó cho khuây khỏa.” Tôi nghĩ mình từng trải nghiệm cái tâm trạng này, từng điên tiết, nổi cáu, bị một ý nghĩ ám ảnh, từng nghe tim đập thình thịch và muốn làm cái gì đó, cuối cùng giải tỏa bằng cách viết. Như vậy là tôi cũng … chộn rộn. Nhưng cái chộn rộn này không thể là nhốn nháo lộn xộn hay rộn ràng hối hả. Có lẽ đó là cái mà Harold Bloom gọi là anxiety , nhưng anxiety dịch ra tiếng Việt lại là lo âu, khắc khoải, khát khao, ao ước… Chà, rắn mọc thêm đầu nữa đây.

Trên báo thì có vô số chộn rộn: nào là “Dự án chộn rộn đổi chủ”, “Chộn rộn xét tuyển bổ sung”, “Chộn rộn biếu tặng bánh trung thu”, “Teen chộn rộn ăn chơi 2/9”, “Chộn rộn khu đô thị mới”, “Chộn rộn đón khách Nga”, “USD lại chộn rộn vì lãi suất”,  “Chộn rộn đón mùa lũ đẹp”, “Tuần chộn rộn của vàng và chứng khoán”, rồi lại “Chộn rộn kén chồng” (hình như tên phim hay bài điểm phim – tôi google ra cái tựa này, chưa kịp đọc). Nhà báo tất nhiên biết lựa chọn từ phổ biến cho cái tít giựt gân hấp dẫn người đọc. Chộn rộn hẳn là  tiếng đương thời được ưa chuộng, có thể  hàm ý nghĩa không nói ra mà ai cũng hiểu. Nếu bị quở là những cái tựa đó vẽ ra một bức tranh Việt Nam ngày nay nhốn nháo lộn xộn,  thì người biên tập có thể dẫn tự điển mà thanh minh: chộn rộn là rộn ràng hối hả ấy mà. 

Nhớ hồi tôi còn là sinh viên, có lần bị kiểm điểm (trong một buổi họp xét … cảm tình đoàn viên) như vầy: Tôi ưa dùng chữ “vĩ đại” một cách nhạo báng, chẳng hạn tôi vừa cự nự nhỏ bạn “mày xích cái mông vĩ đại của mày ra dùm tao”. Khuyết điểm này thuộc loại … vĩ đại, vì trước 1975 người miền Nam ít dùng từ Hán Việt long trọng đó, sau 1975 tính từ đó luôn được dùng liền sau chữ lãnh tụ. Tôi không ngụ ý nhạo báng gì, nhưng từ đó ngôn ngữ của tôi trở nên phong phú, có thể dịch một chữ great trong tiếng Anh sang hai chục chữ tương đương trong tiếng Việt.  

Hôm rồi đang đọc thư  trên gmail chợt thấy nảy ra hộp “talk” và tên bà bạn đã kiểm điểm tôi hồi đó hiện ra kèm câu hỏi: Ê, khỏe không? Tôi đáp: khỏe. Và hỏi: Dạo này ra sao? Đáp: Vẫn chộn rộn.


http://lylan.blogspot.com/2012/09/thoi-chon-ron.html

Không có nhận xét nào: