Hiển thị các bài đăng có nhãn chính trị xã hội. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn chính trị xã hội. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Lại thêm một người tự thiêu ở Tây Tạng


Một người Tây Tạng tự thiêu phản đối chính sách cai trị của Trung Quốc
RFA 14.10.2012
Thêm một người Tây Tạng tự thiêu chết để phản đối chính sách cai trị hà khắc của chính quyền Trung Quốc đối với người Tây Tạng tại Hoa Lục.
Hai tổ chức đấu tranh cho người Tây Tạng là Chiến dịch Quốc tế vì Tây Tạng và Tây Tạng Tự Do hôm qua cho biết người tự thiêu mới nhất có tên Tamdin Dorjee, 52 tuổi. Người này là ông của một tu sĩ Phật giáo Tây Tạng có tiếng, đó là vị Gungthang Rinpoche thứ 7.

clip_image001
Ông Tamdin Dorjee tự thiêu tại tu viện Tso, quận Kanlho ngày 13 tháng Mười năm 2012. [Tu sĩ và người xem đứng xung quanh cơ thể bị đốt cháy của ông]. Photo courtesy of a Tsoe resident

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Đơn xin ra khỏi Đảng – Như lời chia tay buồn một đi không trở lại


ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

ĐƠN XIN RA KHỎI ĐẢNG

Kính gửi : Đảng ủy XXX
Đồng kính gửi : Chi bộ XXX

Tôi tên là : Nguyễn Chí Đức
Sinh ngày : 13/09/1976
Ngày vào đảng : 28/12/2000 ; chính thức : 28/12/2001
Ngày viết đơn : 13/09/2012 ; ngày ra khỏi Đảng : ?
Nơi kết nạp : Đảng bộ trường Đại học Bách khoa Hà Nội ; Nơi ra khỏi đảng : ?


Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

William Choong - Việt Nam 'bủa lưới' Trung Quốc - Việt Nam 'bủa lưới' Trung Quốc



Trong cuốn sách mới nhất của Hugh White, "The China Choice: Why America Should Share Power" - "Lựa chọn Trung Quốc - Tại sao Hoa Kỳ Phải Chia sẻ Quyền lực", vị giáo sư Australia cho rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc phải chia nhau Châu Á nhằm giữ hòa bình trong khu vực.

Một vấn đề cụ thể là Hoa Kỳ phải nhường Đông Dương cho Trung Quốc, vị cựu quan chức quốc phòng nói thêm.

Gợi ý này đã làm cả vùng tức hộc máu, nhất là Việt Nam, nước có lịch sử sóng gió với Trung Quốc.

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Tham nhũng đã trở thành "giặc nội xâm"

Tại cuộc hội thảo có tên “Vai trò của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ QH tổ chức mới đây tại Quảnh Ninh , Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá: "Việt Nam thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọngnghiêm trọng hơn so với Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brunei, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia"...Đánh giá cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam thường được 2,6 - 2,7 điểm trong thang điểm 10 về chỉ số cảm nhận tham nhũng, mà theo đó mức dưới 3 điểm được coi là tham nhũng nghiêm trọng.
Kết quả đánh gía quốc tế này đã được Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng Lê Văn Lân và các đại biểu tham dự phía VN hoàn toàn tán thành. Các đại biểu cũng vạch rõ trước đây, tham nhũng chủ yếu chỉ xảy ra trong lĩnh vực kinh tế, nhưng nay đã lan sang các lĩnh vực vốn được coi trọng về đạo lý, như giáo dục, y tế, thực hiện chính sách xã hội, nhân đạo, từ thiện, phòng chống dịch bệnh... Thiết nghĩ, sự đánh giá như vậy là xác đáng, nhưng có lẽ chưa hoàn toàn đầy đủ nếu xét thêm đặc thù "tham nhũng tập thể" như "chấy rận" khá độc đáo có lẽ chỉ có ở VN nhưng chưa được phản ảnh trong các báo cáo và điều tra quốc tế.
Dù sao đánh giá về tình trạng tham nhũng của Việt Nam của Tổ chức Minh bạch Quốc tế là một tiếng chuông báo động tuy chậm nhưng trước khi quá muộn đối với VN. Chậm là vì nó VN đã đánh mất cơ hội phát triển, nhưng sẽ là quá muộn nếu nó khiến VN lại rơi vào tình trạng mất độc lập tự chủ một lần nữa. Người VN hẳn còn nhớ, sau đai thắng tháng 4/1975 kết thúc 30 năm chiến tranh và hoàn thành sứ mệnh giải phóng dân tộc, một nước Việt Nam thống nhất với hình chữ S đầy đủ trên bản đồ thế giới . Lúc đó không chỉ người VN mà thế giới đều tin đất nước và dân tộc anh hùng này sẽ làm nên một kỳ tích kinh tế giống như Nhật Bản đã làm được sau thế chiến II. Một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng sự tàn phá của chiến tranh là điều kiện thuận tiện để VN tiến thẳng lên công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nhưng niềm hy vọng đó đã dần lùi xa và và xa mãi. Không biết đến nay sau 42 năm có còn ai hy vọng? Có một điều đáng tiếc rằng cho đến gần đây, mỗi khi nói về nguyên nhân, không chỉ giới lãnh đạo mà người dân VN có xu hướng cho là "do hậu quả chiến tranh" hoặc "các thế lực thù địch", về phần mình nếu có chỉ là "sự yếu kém" chung chung của "cơ chế" và do kinh nghiệm..., trong khi coi nhẹ nguyên nhân tham nhũng, thậm chí có người còn coi là "chất bôi trơn cần thiết" (!?)
Tuy nhiên, cùng với thời gian, tham nhũng đã cho thấy sức tàn phá ghê gớm của nó. Nó không chỉ ngăn cản sự phát triển kinh tế mà còn làm mất lòng tin của nhân dân vào uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng và nhà nước. Hàng loạt các vụ tham nhũng quy mô lớn có sự câu kết xuyên quốc gia, thậm chí được chỉ đạo từ cấp cao nhất trong hệ thống công quyền, cho thấy tham nhũng giờ đây đã trở thành là "giặc nội xâm". Tình trạng này trùng hợp với nguy cơ "giặc ngoại xâm" đang đang lăm le với những thủ đoạn vô cùng trắng trợn và xảo quyệt. Hai kẻ thù này đang cùng lúc uy hiếp nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước./.

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Bóng tối

Phạm Thị Hoài

Điều gì sẽ xảy ra, nếu Di chúc Chính trị mà Lenin viết trên giường bệnh cuối năm 1922 và bổ sung lần cuối đầu năm 1923 về vấn đề nhân sự ở tầng cao nhất của ĐCS Liên Xô được tung lên mạng ngay tại thời điểm đó? Và chủ blog “Lenin Làm báo” không ai khác, chính là Varlam Šalamov [1]? Rất có thể toàn bộ lịch sử thế giới cận hiện đại sẽ thay đổi. Và lịch sử văn học cũng vậy, không có tác gia Varlam Šalamov, nhà văn Nga yêu thích nhất của tôi cạnh Maxim Gorky. Song không có gì chắc chắn là phong trào cộng sản quốc tế vì thế sẽ bớt tai họa hơn, bớt đẫm máu hơn. Bị đánh bật khỏi đế chế của Stalin, lý thuyết “Cách mạng thường trực” của Trotsky tìm được chỗ đứng nơi học thuyết của Mao Trạch Đông. Hậu quả của cuộc thanh trừng định mệnh ấy, không dân này thì dân kia gánh chịu. Trong hệ thống toàn trị, phe nào thắng nhân dân cũng bại.

Thanh trừng nội bộ là một trong những truyền thống lâu đời và khét tiếng nhất của các đảng cộng sản. Số phận những nạn nhân của nó không có gì đáng ghen tị. Các đồng chí của họ không bao giờ quên viết hàng chữ “kẻ phản bội” lên ngực họ trước khi đâm nhát dao kỉ luật của tổ chức vào đó, và điều chua chát là bi kịch được biểu quyết trong bóng tối của họ cũng khép lại trong bóng tối, nếu họ vẫn giữ lòng trung thành với cái tổ chức mà họ dường như đã phản bội. Cho đến khi qua đời, một người như ông Nguyễn Hữu Đang vẫn không hé răng về những oan khuất trong vụ án “gián điệp phản cách mạng” đã đày ải ông mười lăm năm trời. Một người từng thâu tóm mọi cương vị chủ chốt của hệ thống quyền lực vào mình như ông Hồ Chí Minh cũng lặng thinh diễn nốt vai biểu tượng khi đã bị vô hiệu hóa. Luật omertà, của Cosa Nostra Đỏ.

Những người đang nín thở xem vở tuồng nội chiến của Đảng Cộng sản Việt Nam được quảng cáo rầm rộ trên sân khấu ảo rồi sẽ rất bực mình. Màn một, với diễn viên nổi tiếng Nguyễn Đức Kiên trong một vai phụ, hứa hẹn kịch tính tiếp nối kịch tính, và công chúng đang đòi quyền được xả tất cả những bất mãn dồn nén với thực trạng xã hội của mình vào một hồi kết nếu không có đầu rơi máu chảy thì ít nhất cũng loảng xoảng tiếng gông cùm. Nhưng tôi tin rằng ngoài vài ba nhân vật phụ khác mà số lượng không thể nhiều hơn trong các vở lừng danh như Năm Cam, Minh Phụng, PMU 18, Vinashin, Vinalines…, sẽ không có cao trào ngoạn mục nào cống hiến cho sự chờ đợi của công chúng nữa. Để biểu dương sức mạnh đoàn kết của mình và củng cố ấn tượng về ổn định chính trị [2], Đảng sẵn sàng trả một cái giá cao hơn sự ấm ức của khán giả rất nhiều. Các vai chính sẽ chỉ ra sân khấu để trình diễn một kết thúc có hậu.

Tôi cũng tin rằng cuộc hỗn chiến thông tin trên mạng hiện tại với ngôi sao vụt hiện là Quan Làm báo và những blog bí ẩn khác như Tư Sang, Anh Ba Dũng… nằm ngoài dự liệu của tất cả các phe đang tham chiến. Điều mà những người đứng đầu chế độ này, bất kể phe nào, ít cần đến nhất là sự rò rỉ thông tin về cuộc thanh trừng trong bóng tối của họ, áp lực của dư luận và cảnh hỗn quân hỗn quan. Việc bộ máy an ninh Việt Nam không triệt hạ nổi những kênh thông tin này có thể có một nguyên nhân rất đơn giản: bất lực, cũng như toàn bộ hệ thống đang bất lực trước phần lớn những vấn đề hệ trọng của đất nước. Từ nhiều năm nay một mạng lưới cả trăm website giả danh các quan chức Đảng và Nhà nước Việt Nam từ cỡ Phó Bí thư Tỉnh ủy và Thứ trưởng trở lên đã ung dung tồn tại, được chăm sóc và cập nhật hàng ngày [3]. Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới có một chính quyền ma như vậy tháp tùng từng bước, với đầy đủ lệ bộ, đóng ngoài biên giới, ngoài tầm kiểm soát, mà chính quyền thật dường như cũng đành bó tay thây kệ.

Vậy ai là người thủ lợi trong cuộc hỗn chiến thông tin này?

Tôi không có hứng thú nào tham dự những phỏng đoán ngả nghiêng theo mỗi cơn bão tin tức thật giả lẫn lộn, đang gây nên một cơn cuồng tập thể cho những người Việt vốn đói sự thật dù không biết mặt mũi của nó và thiếu kinh nghiệm chọn lựa thông tin, vì xưa nay họ không có nhiều hơn một chọn lựa. Trong trường hợp đáng quan tâm nhất, khi người thổi nên trận cuồng phong này là một hay những thế lực đối lập với chính quyền cộng sản Việt Nam, với cái đích cuối cùng không phải là anh Ba hay anh Tư mà toàn bộ các anh đã được đánh số, thì tôi tin rằng một khởi đầu tử tế cho một xã hội sáng sủa hơn không thể đi từ sự lên ngôi của một quyền lực mờ ám. Lũng đoạn và mafia hóa thông tin không thể là công cụ cho một mục tiêu tốt đẹp.

Một người bạn rất thân của tôi lại cho rằng bóng tối chỉ có thể xua bằng bóng tối, rồi ánh sáng sẽ khắc đến. Tôi không mong rằng anh có lí.

© 2012 pro&contra



[1] Varlam Šalamov bị bắt khi đang in ronéo bản Di chúc này và bị kết án tù khổ sai 3 năm. Cùng với 5 năm tù lần thứ hai trong chiến dịch Đại Khủng bố của Stalin và 10 năm tù cải tạo tiếp theo vì đã tuyên bố rằng Ivan Bunin là nhà văn Nga kinh điển, ông đã trải qua tổng cộng 18 năm trong các Gulag Xô-viết. Các tác phẩm của ông chưa có trong bản dịch tiếng Việt.

[2] Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất hiện rất kịp thời với tư cách Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trái với dư luận rằng ông mất chức này vào tay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như thông tin về việc chính ông đã “chỉ đạo chặt chẽ” việc khởi tố và bắt giam bầu Kiên, là những tín hiệu rõ ràng về điều này.

[3] Nhân đây tôi cũng hi vọng bài viết này không bị tất cả các trang của chính quyền ma này đồng loạt đăng lại, như trường hợp bài “Báo quan” mới đây. Không thể tránh, nhưng tôi không mong có những đồng minh bất ngờ như thế.

Đáng chú ý là mặc dù không phải thành viên chính phủ hay lãnh đạo Đảng cao cấp, con gái Thủ tướng là cô Nguyễn Thanh Phượng, người đang ăn mì tôm trong bếp nhà tôi theo tin mật do Quan Làm báo tiết lộ, cũng được dành riêng một website giả danh như vậy.

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

Thời đại của những ván bài lật ngửa

Ngay lúc đang viết bài “Thiếu lãnh đạo”, tôi đã hình dung trước một lời phản biện: Không phải Việt Nam không có chính sách rõ ràng và nhất quán trong việc đối phó với Trung Quốc. Có. Nhưng người ta giấu. Lý do: Chuyện chính trị cần phải bí mật!

Với lời phản biện ấy, nếu có thật, câu trả lời của tôi là: Nói dối!

Một hiện tượng như vậy, cách đây mấy chục năm, nhất là thời thế giới chia thành hai khối, cộng sản và tư bản, có thể xảy ra. Bây giờ thì bất khả. Có nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là: khác với ngày xưa, thời đại chúng ta đang sống hiện nay là một thời đại, ở đó, hầu hết các ván cờ chính trị, nhất là chính trị đối ngoại, đặc biệt, liên quan đến các cuộc tranh chấp lớn, đều là những ván cờ ngửa. Mọi nước cờ đều công khai. Giữa thanh thiên bạch nhật.

Lý do thứ nhất: Đó là nguyên tắc dân chủ. Dĩ nhiên không phải chính phủ nào cũng muốn thực hiện đầy đủ các nguyên tắc dân chủ. Nhưng người ta lại không thể cấm dân chúng, nhất là giới truyền thông, thực hiện nguyên tắc ấy. Bằng nhiều cách khác nhau, với sự hỗ trợ của cả pháp lý lẫn kỹ thuật, giới truyền thông thường lật tẩy hầu hết những hoạt động mà chính phủ muốn nhận chìm vào bóng tối. Công việc này càng dễ thực hiện trong những vấn đề liên quan đến quốc tế vốn cần sự hợp tác và tham dự của nhiều người thuộc nhiều quốc gia khác nhau. Con số này càng lớn, các khe hở của các nguồn thông tin càng nhiều.

Thứ hai, trong quan hệ quốc tế, một nước có thể giấu thông tin đối với người dân nước mình nhưng lại không thể cấm việc dân chúng các nước khác biết thông tin về việc làm của chính phủ nước họ. Thành ra, thông tin nếu không bị xì ra ở nước này thì cũng bị xì ra ở nước khác.

Thứ ba, sự chuyển động của các chiến lược quốc phòng, trong quan hệ với quốc tế, là một sự chuyển động lớn không thể giấu giếm được. Tình báo thế giới hiện nay tinh vi đến độ người ta biết rõ nhau đến từng chiếc máy bay chiến đấu, từng đầu đạn nguyên tử, từng căn cứ đóng quân, từng hợp đồng quân sự…

Mỹ, chẳng hạn, về phương diện ngoại giao, luôn luôn tìm cách trấn an Trung Quốc là họ không xem Trung Quốc là kẻ thù. Là họ không hề có ý định tấn công Trung Quốc. Là họ chỉ muốn duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc và bảo vệ một thế giới hòa bình và ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế, người ta vẫn thấy rất rõ chính sách và chiến lược của họ trong việc đối phó với Trung Quốc, nguồn uy hiếp chính đối với vị thế siêu cường số một thế giới của họ trong tương lai. Thấy, vì Mỹ không thể giấu được. Có muốn cũng không được. Không thể giấu việc di chuyển các chiến hạm và tàu ngầm sang vùng châu Á Thái Bình Dương. Không thể giấu được việc ký kết các hiệp ước sử dụng bến cảng cho tàu thủy và tàu ngầm của Mỹ ở các nước khác. Không thể giấu được các căn cứ quân sự cho cả mấy ngàn quân trên lãnh thổ của nước khác.

Mỹ muốn giấu, các nước khác cũng không thể giấu. Úc không thể giấu việc cho lính Mỹ sử dụng hải cảng cũng như tập trận trên lãnh thổ của Úc.

Ngay cả những chuyện có thể giấu, người ta cũng không muốn giấu. Thứ nhất, giấu, người ta không thể tạo được sự tin tưởng ở các nước đồng minh hay đối tác chiến lược và chiến thuật. Mỹ, chẳng hạn, phải nói rõ và nói lớn tiếng về chính sách quay lại châu Á của mình; nếu không, không có nước châu Á nào có thể an tâm về sự cam kết của Mỹ cả. Trường hợp của Việt Nam đối với Mỹ cũng vậy: Sẽ không có người nào tin cậy quyết tâm đi với Mỹ của Việt Nam nếu Việt Nam chỉ dám hứa hẹn trên các bàn hội nghị nhưng lại phủ nhận hoặc tránh né ngoài công luận. Thứ hai, nếu việc giấu giếm ấy bị phát hiện, cái giá người ta phải trả trước sự phẫn nộ của dân chúng chắc chắn không nhỏ: Nguy cơ bị thất cử là điều hiển hiện trước mắt.

Nếu Việt Nam thực sự có một chiến lược đối phó với sự đe dọa của Trung Quốc, để có hiệu quả, chiến lược ấy phải được sự hỗ trợ của ít nhất hai yếu tố chính: thế và lực.

Lực chủ yếu đến từ hai nguồn: Kinh tế và quân sự. Cả hai nguồn ấy đều rất mỏng manh so với Trung Quốc. Về quân sự thì dù có mua thêm bao nhiêu tàu thủy hay bao nhiêu phi cơ, có tăng bao nhiêu quân số thì cũng chỉ là hạt cát so với Trung Quốc. Về kinh tế, Việt Nam không những nhỏ và yếu mà còn lệ thuộc hẳn vào Trung Quốc. Sự lệ thuộc ấy không phải chỉ ở quan hệ xuất nhập khẩu chính thức giữa hai nước mà còn, quan trọng hơn, ở sự thao túng của người Trung Quốc trên thị trường Việt Nam qua số dự án do Trung Quốc trúng thầu, số công nhân hợp pháp cũng như bất hợp pháp người Trung Quốc tràn lan ở Việt Nam, số hàng lậu không ngừng tràn vào Việt Nam trên mọi ngả đường biên giới, và số các công ty Trung Quốc trá hình dưới nhãn Việt Nam hiện diện ở khắp nơi.

Thua ở lực, Việt Nam chỉ còn một hy vọng duy nhất để xây dựng nền tảng cho một chiến lược hữu hiệu: Thế.

Có ba loại thế chính.

​​Thứ nhất là thế pháp lý. Chúng ta thường khoe với nhau là có nhiều bằng chứng lịch sử cho thấy chúng ta có chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đời. Tuy nhiên, ở đây, lại có hai vấn đề. Một, những bằng chứng ấy đã đủ chưa? Hai, những bằng chứng ấy có hiệu quả hay không? Về vấn đề thứ nhất, ai cũng thấy là Việt Nam còn cần nhiều hơn nữa mới có thể gọi được là đủ. Nhưng công việc ấy ai sẽ làm? Chắc chắn là giới nghiên cứu chứ không phải là các nhân viên hành chính hay các cán bộ tuyên huấn. Nhưng cho đến nay, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn không hề khuyến khích, thậm chí, còn ngăn cấm công cuộc tìm tòi ấy của giới nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu muốn tổ chức hội nghị về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa ư? – Cấm! Họ muốn nói chuyện về hai quần đảo ấy ư? – Cũng cấm! Vậy chính quyền sẽ tìm ở đâu ra thêm các bằng chứng lịch sử ủng hộ cho lập trường và quan điểm của mình? Về vấn đề thứ hai, ai cũng biết, cho dù cầm trong tay cả hàng ngàn hồ sơ chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã từng thuộc Việt Nam, Trung Quốc cũng sẽ chẳng xem điều đó ra gì cả. Tây Tạng cũng từng có chủ quyền trên đất nước họ, một chủ quyền với nhiều bằng chứng lịch sử kéo dài cả hàng ngàn năm, nhưng Trung Quốc vẫn cứ chiếm đoạt và chà đạp lên Tây Tạng như thường. Ai làm được gì họ? Bởi vậy, thế pháp lý chỉ là cái thế khởi đầu. Nhưng không phải là tất cả. Đó là chưa kể đảng Cộng sản Việt Nam từng tự làm suy yếu cái thế ấy bằng bức công hàm do Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai ngày 14 tháng 9 năm 1958 trong đó thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa.

​​Thứ hai là thế nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam từng nói: thế mạnh của họ là ở nhân dân. Tất cả các cuộc chiến tranh do họ lãnh đạo đều được gọi là chiến tranh nhân dân. Nhưng bây giờ, trong cuộc đương đầu với Trung Quốc, rõ ràng là họ không cần nhân dân. Cái gọi là không cần ấy thể hiện ở hai khía cạnh: Một, họ không thèm nói gì với nhân dân về các chiến lược của họ cả. Họ cứ bảo: Đó là việc của đảng và nhà nước, hãy để đảng và nhân dân lo. Nhân dân hoàn toàn trở thành những kẻ ngoại cuộc. Cuộc tranh chấp với Trung Quốc, trên thực tế, trở thành cuộc tranh chấp – nếu có – giữa đảng Cộng sản Việt Nam và cả nước Trung Quốc. Hai, không những không cần nhân dân, họ còn thẳng tay trấn áp và chà đạp lên bất cứ người dân nào muốn bày tỏ sự phẫn nộ đối với Trung Quốc. Biểu tình chống Trung Quốc? – Bị còng tay hay đạp vào mặt! Viết bài đả kích Trung Quốc? – Bị bắt và đẩy thẳng vào tù! Trên đài truyền hình, họ còn bịa đặt một cách trắng trợn là những người đi biểu tình chống Trung Quốc chỉ là đám côn đồ nhận tiền của ai đó để xuống đường! Nói cách khác, họ không những không cần nhân dân mà còn xem nhân dân là thù nghịch. Đem 90 triệu người Việt Nam đối đầu với hơn một tỉ người Trung Quốc đã là chuyện châu chấu đá xe. Đằng này, nhà cầm quyền Việt Nam lại không cần đến 90 triệu. Họ chỉ cần 3,6 triệu đảng viên. Mà họ cũng không cần đến 3,6 triệu đảng viên ấy. Bất cứ đảng viên nào cương quyết chống Trung Quốc cũng đều bị loại trừ. Nhiều đảng viên yêu nước bị mang ra tòa và bị nhốt vào tù với những lý do vu vơ như trốn thuế. Cuối cùng, họ còn lại bao nhiêu đảng viên để, nếu cần, đối diện với cuộc càn quét của Trung Quốc?

Thứ ba là thế quốc tế. Có thể nói từ giữa thế kỷ 20, chưa bao giờ Việt Nam bị cô thế như hiện nay. Ngày trước, sau lưng Việt Nam còn có khối xã hội chủ nghĩa, chủ yếu là Liên xô và Trung Quốc. Sau năm 1975, trong trận chiến giữa Việt Nam và Campuchia cũng như giữa Việt Nam và Trung Quốc, sau lưng Việt Nam còn có Liên xô và khối Đông Âu. Còn bây giờ? Chẳng có ai cả. Khối ASEAN ư? Hội nghị các ngoại trưởng của Khối ở Campuchia vừa rồi cho thấy rõ: Ngay cả với một nước thân cận nhất của Việt Nam là Campuchia, Việt Nam cũng không giữ nổi. Nói gì đến các nước khác. Sự hợp tác mà một số người trong giới lãnh đạo Việt Nam muốn tìm kiếm, như Ấn Độ, Nga và Mỹ, đều chỉ ở giai đoạn phôi thai. Trong số đó, trừ Mỹ, không có nước nào đủ sức để bảo vệ cho Việt Nam cả. Nhưng với Mỹ, Việt Nam còn có hai trở ngại chính: một, về tình cảm, chưa bên nào thực sự tin cậy bên nào; hai, về nguyên tắc, Việt Nam chưa đáp ứng được một yêu cầu cơ bản về phía Mỹ: tôn trọng nhân quyền.

Có thể phản biện: Việt Nam có thể tìm cách vượt qua hai trở ngại ấy một cách âm thầm, không ai biết được cả. Nhưng nói vậy là nói đùa. Khác với các nước độc tài, Mỹ không thể bất chấp dư luận của dân chúng nước họ. Thuyết phục chính phủ Mỹ, trừ phi có cả một mỏ dầu khổng lồ, người ta phải thuyết phục dân chúng Mỹ trước. Nếu phần đông dân chúng Mỹ vẫn thiếu tin cậy với Việt Nam và không nghĩ Việt Nam thực sự tôn trọng nhân quyền, không có chính phủ Mỹ nào dám đưa tay ra nắm chặt bàn tay đẫm máu của Việt Nam cả. Cuộc vận động chính phủ Mỹ, do đó, phần lớn sẽ là những cuộc vận động công khai. Chứ không thể len lén ở đâu đó được. Nếu có, đó chỉ là bước đầu. Chứ không thể là cơ sở cho một sự hợp tác mang tính chiến lược lâu dài.

Hơn nữa, thế quốc tế không phải chỉ gắn liền với Mỹ. Trên trận chiến pháp lý liên quan đến chủ quyền quốc gia, bất cứ sự ủng hộ của nước nào, dù nhỏ đến mấy, cũng cần thiết. Nhưng Việt Nam có đang tìm kiếm những sự ủng hộ ấy không? Cũng không. Việt Nam vẫn khăng khăng chống lại chủ trương đa phương hóa vấn đề Biển Đông. Philippines tìm cách đa phương hóa. Các nước khác tìm cách đa phương hóa. Việt Nam thì không.

Với chủ trương “để đảng và nhà nước lo”, nhà cầm quyền Việt Nam xua đuổi dân chúng; với chủ trương song phương hóa vấn đề Biển Đông, Việt Nam xua đuổi cả thế giới ra bên ngoài. Họ không những không cần thế nhân dân. Họ cũng không cần cả thế quốc tế.

Nếu không có dấu hiệu nào cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam đang xây dựng thế cho chiến lược đối phó với Trung Quốc của họ, liệu một chiến lược như vậy có thể hiện hữu hay không? Nếu hiện hữu, nó có thực sự nghiêm túc hay không?

Câu trả lời cho cả hai: Không.

Trong thời đại của những ván bài lật ngửa như hiện nay, người ta chỉ có thể xây dựng những chiến lược thỏa hiệp và đầu hàng một cách thầm lặng. Còn mọi chiến lược đương đầu đều để lại dấu vết. Không chỗ này thì chỗ nọ.

Nguồn: Blog Nguyễn Hưng Quốc (VOA)