Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

canh rau đắng, gỏi càng cua

Rau càng cua, giống như rau đắng, thân phận nó là ở sau hè, thậm chí hẩm hiu hơn, vì nó chưa từng được “nổi tiếng” như rau đắng nhờ lời ca tiếng nhạc[1]. Nhờ “nổi tiếng” trong mấy năm gần đây mà rau đắng bắt đầu có vị trí trong mấy quầy rau ở chợ, và có lúc trở thành món thời thượng trong các nhà hàng. Do vậy rau đắng trở thành sản phẩm nông nghiệp, được trồng đàng hoàng, có chăm bón tưới tiêu. Cọng rau đắng trở nên mập mạp hơn, bớt đắng đi một chút (như vậy hợp khẩu vị thực khách thị thành hơn), và được đóng gói trong bao bì có nhãn, để có thể tìm chỗ đứng trong siêu thị, ngoài các chợ quê. Chứ ngày xưa, ai mà bán mua gì mớ rau đắng đất!
Rau càng cua cũng như rau đắng ngày xưa đó, là thức ăn đỡ. Nhớ xưa bà ngoại tôi khi đặt dĩa rau càng cua bóp giấm lên bàn ăn thừơng nói vậy: “ăn đỡ”. Ăn tạm, ăn cầm chừng, ăn khai vị, appetizers, trong khi chờ dọn lên món khác ngon bổ hơn. Như con cá đồng mà bự mập thì ngoại chặt đầu nấu canh chua, mình cá xắt ra năm bảy khứa kho nước màu, là món chính trong bữa cơm chiều. Còn con cá bà bắt dưới mương nhỏ chút nị, đã ít thịt nhiều xương mà rất tanh. Cá đó chỉ có nước nấu canh rau đắng, để mùi rau át đi mùi cá, và vị đắng của rau làm đằm vị ngọt tô canh.
Rau càng cua tự mọc mình ên đâu đó sau hè, trổ bông nhỏ li ti rồi tàn lụi không ai hay. Đám hột li ti rơi vãi trên mặt đất bị nước mưa cuốn đi, có hột kẹt trong hốc đá, kẻ gạch tàu, rễ cây, hay khe tường nứt, khi điều kiện thời tíêt thuận lợi, ẩm và mát, thì nảy mầm để bắt đầu lại một vòng đời mới. Nhớ có lần về ngoại, tôi ra vườn, tìm tới chỗ năm ngoái đã theo ngoại xách rỗ đi cắt rau càng cua, thì chưng hửng vì chẳng thấy cọng rau nào cả. Tôi tiếc “Sao ngoại hổng trồng rau càng cua nữa?” Ngoại cười: “Ai mà trồng rau càng cua? Rau trời cho, cho chỗ nào chỗ đó mọc.” Rồi ngoại dẫn tôi đi vòng vòng khu vườn để bất ngờ gặp ở đây một đám rau càng cua mới mọc lưa thưa xanh non mơn mởn, ở kia một giề rau càng cua dầy đặc đang trổ bông.
Rau càng cua non màu xanh ngọc nõn nà, nhìn là thèm. Nhưng phải đi khắp vườn, hái về cả rỗ đầy vun, mới làm được một dĩa gỏi vừa đủ “ăn đỡ” một bữa. Nếu có sẵn bầu bí mướp dưa cải thì người ta không mất công đi hái rau càng cua. Nhưng đôi khi, sau vài trận mưa, đất im im trời mát mát, tình cờ nhìn thấy đám rau càng cua mọc xanh um bên hè, bỗng thấy thèm vị the cay của cọng rau trộn giấm chua chua rắc đậu phộng giã bùi bùi. Mùi vị đó dễ bắt thèm, và “dễ nuốt cơm” như bà ngoại nói.
Người ta có thể trộn thêm tôm khô hay thịt heo xắt mỏng, cho có thêm vị beo béo, mằn mẳn, dòn dòn, dai dai. Nhưng mà, với bà ngoại tôi, rau càng cua là món “ăn đỡ” thì làm gì có tôm khô và thịt heo. Sau này có nhà hàng trương bảng món ăn dân dã, quảng cáo món gỏi rau càng cua trộn thịt bò. Nghe nói cũng ngon lắm. Nhưng có khác gì thịt bò trộn cần tây hay hành tây? Hương vị the the thanh thanh của rau càng cua chịu sao nổi mùi thịt bò? Vả lại gỏi rau càng cua là cơn ngẫu hứng ẩm thực của những ngày thong dong ở quê nhà, nó ngon cái thanh đạm chỉ vì người ta thực sự sống đời thanh đạm.
Đôi khi tôi thấy bà ngoại hái rau càng cua rửa sạch rồi để trong rỗ như rau sống, khi ăn ngoại gắp một dúm rau càng cua tươi rói ấy chấm nước cá kho mà lùa cơm. Ấy là những ngày cuối mùa khô, các thứ bầu bí đã héo dây, các thứ rau cải khác đã già khô hoặc chưa kịp mọc lứa mới, đất đồng nứt nẻ, đất vườn cũng khô queo, chỉ có khoảnh đất quanh cái lu nước, cạnh cái giàn chén, là còn ẩm mát vì ngoại hay tạt nước rửa chén ra đó. Và ở đó thường mọc xanh tốt quanh năm một đám rau càng cua.
Nhà ngoại xa chợ, cuối mùa khô rau cải hiếm, rau càng cua có sẵn bên hè trở thành nguồn cung cấp chất tươi chính yếu cho bữa cơm. Ngoại ăn trầu, cái vị the cay đặc biệt của rau càng cua tươi không thấm thía gì so với vị cay của lá trầu, nhưng với tôi thì hơi tê lưỡi, ăn vài lần mới quen. Quen rồi mới biết nó ngon.
Tôi lớn lên, bà ngoại mất, gỏi rau càng cua trở thành một hoài niệm. Xem trên bản đồ “sinh sống” của rau càng cua thì thấy nó mọc khắp thế giới, nhưng dọc theo đường xích đạo và vùng nhiệt đới. Nước Mỹ cũng có rau càng cua, hay rau cùng họ với nó, mọc ở mấy tiểu bang phía nam như Florida, Alabama, Louisiana, và Hawaii. Miền biên ải Tây bắc Mỹ nơi tôi trôi giạt đến không phải là đất dung thân của loài thực vật ưa ẩm chịu nóng như càng cua. Tôi trồng hoài mà nó không thèm mọc. Chợ Việt ở đây cũng không bán rau càng cua, mặc dù có đủ loại rau Việt khác. Tôi đi một vòng chợ, mua hột vịt lộn và rau răm, mua cá lăng và rau thì là, cảm thấy thiếu thiếu, ra khỏi chợ nhìn quanh quất mấy góc khuất coi có bà già nào ngồi chồm hỗm với rỗ rau càng cua đặt trước mặt, hy vọng bán cho người hoài hương nào đó “kiếm đỡ” mấy đồng bạc ăn trầu. Chỉ thấy một người vô gia cư ngồi thừ với đôi mắt đờ đẫn lạc hồn.


[1] Bài ca “Còn thương rau đắng sau hè” của nhạc sĩ Nguyễn Bắc Sơn.

Không có nhận xét nào: