Điểm éo le trong tiến trình đốt cháy chất đường chính là vì cơ thể phản ứng quá nhạy cảm. Mỗi lần lượng đường trong máu tăng cao thì tụy tạng đối phó bằng cách phóng thích nội tiết tố insulin làm hạ đường huyết. Phản ứng đúng là cần thiết nhưng thường không chính xác về cường độ. Lượng đường trong máu càng tăng nhanh đột biến, như trong trường hợp ăn quá ngọt, lại thêm gặp chất ngọt thứ dữ từ bánh kẹo, thì tuỵ tạng càng có khuynh hướng cung cấp một lượng insulin cao hơn nhu cầu trong thực tế. Lượng đường trong máu khi đó sẽ tụt xuống thấp. Gia chủ lại thấy đói bụng và thèm ngọt. Ăn ngọt vào thì khỏe ngay, dù là tụy tạng mệt thở không ra hơi vì lại phải làm việc ngoài giờ. Ngày nào cơ thể còn bù trừ nổi thì không sao, nhưng sớm muộn cũng phải có ngày tụy tạng hết sực chịu đựng. Khi đó bệnh tiểu đường mới lộ diện. Nhưng điều đó không có nghĩa là bệnh mới phát. Trên thực tế đó là hình ảnh suy sụp của tụy tạng đã kiệt lực từ lâu do gia chủ chẳng những không giúp cho cơ quan này có điều kiện nghỉ ngơi mà thậm chí đã nhiều lần đánh bồi ngọn đòn chí tử qua thói quen ăn quá ngọt, hay tệ hơn nữa, ăn ngọt quá thường.
Nói thế không nhằm bài bác món ăn ngọt. Nếu phải bỏ chè, bỏ mứt, bỏ trái cây… thì cuộc sống còn gì là thú vị. Điểm muốn nói ở đây chính là cách dùng món ngọt. -Về phẩm, nên tìm cách giới hạn tối đa các loại đường công nghệ. Không nhất thiết phải bỏ cả chục muỗng đường cát thì nồi canh mới ngọt. -Về lượng, nên tránh cho tụy tạng phải dốc toàn lực nhiều lần trong ngày. Thí dụ: đừng ăn tráng miệng bằng món ngọt liền ngay sau bữa ăn thịnh soạn nhằm tránh vắt kiệt tụy tạng đến giọt cuối cùng. Chọn chi món mì xào với ly nước ngọt có ga cho khổ tụy tạng! Cứ giữ dĩa mì xào, nhưng thay nước ngọt bằng nước trà thì đã góp phần ngừa bệnh tiểu đường khi tuổi trung niên bước gần đến ngỏ. Cứ nhâm nhi lý cà-phê đá nhiều lần trong ngày nhưng đừng nêm đường đến độ ngọt hơn chè. Nấu chè mà không bỏ đường thà đừng nấu. Nhưng nếu còn thương cho tụy tạng thì đừng ăn chè ngay sau bữa ăn, cũng đừng thưởng thức nhân lúc “trà dư tữu hậu”, khi còn no bụng, để lượng đường trong chén chè không thừa nước đục thả câu mà đánh lén tụy tạng. . .
Dùng chất ngọt trong thực phẩm không khác gì thuật dùng người. Biết cách dùng đường thì đường không thể là chất độc. Chất đường, cũng như cholesterol, đang bị buộc tội một cách oan uổng trong khi thủ phạm bình chân như vại. Ăn ngọt không thể có hại nếu ăn lúc đường huyết xuống thấp, càng thấp càng tốt. Khéo hơn nữa là tìm cách vận động sau bữa ăn để mượn bắp thịt đốt hết lượng đường thừa. Quá ngọt thì món ăn dễ mất ngon, ngay cả khi nấu chè! Vụng về hơn nữa là khi không chỉ món ăn mà đến dòng máu cũng quá ngọt. Khi đó không lạ gì nếu đời sớm hết… ngon!
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.
Mượn đậu nuôi sức đề kháng
Vào thời buổi “hại điện” với thuốc men tràn ngập dược phòng quả thật bệnh nhân khó tin thầy thuốc nếu nhà điều trị khuyên người bệnh nên ăn đậu để tăng sức kháng bệnh. Tiếc ghê, vì nhóm thực phẩm một thời được đặt tên là “món ăn của người nghèo” ở châu Âu, đã lột xác thành thuốc!, nhờ kết quả của nhiều công trình nghiên cứu gần đây về thành phần phong phú và tác dụng bảo vệ sức khỏe đa dạng của đậu, dù là đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh, đậu ván hay đậu ngự. Chuyên gia ngành dinh dưỡng đã không quá lời khi khen đậu, vì 100g đậu chứa không đến 0,5g chất béo, trong số đó chỉ 1% là chất béo gây hại cho cơ thể. Ngược lại, 100g thịt bò có đến gần 20g chất béo với 15% là chất làm xơ vữa mạch máu!
Không kể đến các loại acid amin cần thiết tiến trình kiến tạo trong cơ thể con người, cho dù có bỏ qua nhiều loại sinh tố và khoáng tố, đậu đúng là thuốc tốt vì các loại đậu đều có công năng phòng ngừa ung thư nhờ chứa nhiều hoạt chất sinh học. Theo bác sĩ Cohen của Hiệp Hội Dinh Dưỡng ở CHLB Đức, đậu là thực phẩm chống ung thư nên được lưu tâm hàng đầu, vì đậu là món ăn nên thuốc rẻ tiền chứa nhiều hợp chất, như isoflavon, saponine…, có tác dụng vừa thủ vừa công, vừa ngăn cản sự tăng trưởng của ung bướu, vừa giúp thực bào nhân diện tế bào ung thư trên đường truy lùng.
Theo Geil, chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng ở Đức, có thể giảm đến 30% lượng cholesterol trong máu mà không cần dùng thuốc nếu chịu khó mỗi ngày ăn 250g đậu nấu chín, loại nào cũng được, trong vòng 6 tuần lễ. Khảo sát ở đại học Kentucky, Hoa Kỳ, cho thấy chế độ dinh dưỡng với 200g đậu mỗi ngày trong 3 tuần liên tục không những có tác dụng hạ mỡ trong máu mà còn giảm thiểu nguy cơ nhồi máu cơ tim ở người đã bị thiểu năng mạch vành. Ngay cả món đậu ván nấu với sốt cà, như thường thấy trong các phim cao bồi, cũng có tác dụng tốt cho tim mạch nhờ hạ cholesterol, nhất là Triglyceride, chất gây tắc mạch. Có lẽ nhờ thế mà cao bồi cưỡi ngựa chăn bò suốt ngày không biết mệt!
Đậu tuy cũng ngang hàng với khoai về mặt bình dân, nhưng có giá về mặt dược lý hơn khoai. Với người muốn nhịn ăn làm ốm thì đậu có lợi hơn khoai nhờ đậu gây cảm giác no dai hơn khoai. Cũng theo nhận xét của Geil, rất nhiều bệnh nhân tiểu đường không biết đậu là món ăn giúp vừa no, vừa ổn định lượng đường trong máu nhờ thành phần chất ngọt trong đậu được biến dưỡng một cách hòa hoãn, nếu so với các loại tinh bột khác. Thêm vào đó, chất xơ trong đậu và nhất là chất màu trong vỏ đậu, giúp tăng cường hoạt tính của insulin. Người bệnh tiểu đường vì thế nên ăn đậu không đải vỏ. Khi so sánh lượng đường trong máu của hai nhóm thử nghiệm, nhóm thì ăn đậu, nhóm chọn bánh mì, thì lượng đường trong máu sau bữa ăn của nhóm ăn đậu chỉ bằng phân nửa của nhóm đối chứng. Nhờ tác dụng kép trên chất đường và chất béo, đậu là thành phần không nên thiếu trong bữa ăn của người bị tiểu đường để bệnh nhân nhờ đó bớt thèm cơm. Bên cạnh đó, nhờ thành phần kalium trong đậu mà huyết áp của người ăn đậu ít dao động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét