Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Công nhận bắt buộc và thừa nhận tự nguyện





Vật và ảnh qua lăng kính.


Lúc trước, một anh bạn viết thư khoe, “anh vừa tìm đượcc việc làm, lương tháng 4K USD” Lúa nói “chúc mừng anh” nhưng trong lòng có một chút ganh tị…Ông này chuyên môn sắc bén kinh lắm, có điều vì một lần hút thuốc, rồi bỏ ra ngoài nấu cháo điện thoại, “bà hỏa” đã ghé thăm bất tử và liếm mất của anh một góc lớn tấm bằng Ph.D quý giá cùng tấm drap trải giường. Bằng này bên các nước tư bản không bao giờ cấp lại, nếu chẳng may bị mất, bạn chỉ có thể xin được giấy chứng nhận hoàn thành khóa học mà thôi. “May mà dập kịp chứ bọn cảnh sát tới thì phiền phức to”. “Còn tấm bằng”, Lúa băn khoăn hỏi, anh cười khì…”kiến thức của một Ph.D đã là của anh rồi, ai mà ăn cắp được, bọn tư bản chứ không như ở nhà mình đâu, xin việc đâu ai bắt nộp bằng….”


Lúa vẫn chẳng tin điều anh nói, vì làm sao như thế được. Hôm nay anh lại thông báo, tìm trên mạng trang Nature Job có một công việc khá “ngon” hơn, lương 60K/năm và thêm một khoản phụ cấp, ngon quá đi chứ nhất là trong hoàn cảnh “thóc ít bồ câu nhiều”, dân bản xứ còn thất nghiệp đầy…. Dù chẳng có cái bằng Ph.D, anh vẫn tung hòanh…thật là bản lĩnh.


Nếu ai đã từng tìm kiếm thông tin việc làm trên mạng, chắc sẽ không ngạc nhiên. Ở những loại hình đỉnh cao như ứng viên tiến sĩ/sau tiến sĩ/trợ giảng/chủ nhiệm đề án/ trợ lý giáo sư/giáo sư….tùy công việc chuyên môn, nhưng thông thường họ thường yêu cầu gửi đơn xin việc làm, bản lý lịch (CV), trong đó nêu ra những bằng cấp ứng viên đã đạt được, những công trình khoa học công bố trên các tạp chí chuyên ngành, kinh nghiệm bản thân, định hướng cho dự án sắp tới cho vị trí mà ứng viên nộp đơn và thường kèm theo địa chỉ liên hệ cụ thể của 2-3 người giới thiệu (Referee). Nhà tuyển dụng sẽ quyết định có liên lạc với người giới thiệu hay không để biết những thông tin về ứng viên. Tuyệt đại đa số không ai yêu cầu phải nộp kèm bản photo bằng cấp. Đơn giản là vậy vì những thông tin này nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể kiểm tra trên internet. Nếu bạn được chọn vào danh sách short-list (key list) rồi thì bước cuối cùng sẽ là bước oral interview, tức là họ xem xét bản lĩnh của ứng viên. Một điều rất lạ là, dù chưa bao giờ họ đòi xem bằng cấp, bản sao hay bản gốc nhưng chưa có cuộc tuyển chọn nào như thế trên thế giới mà sau một thời gian nhà tuyển dụng la làng lên “tiến sĩ A/giáo sư B có bằng giả” cả. Mặc nhiên họ thừa nhận chuyện bằng cấp của bạn thông qua cuộc phỏng vấn bởi các chuyên gia kỳ cựu của chuyên ngành hẹp đó. Vậy thử hỏi, một kẻ không có kiến thức thực sự, học giả bằng thật, thậm chí học thật bằng thật mà còn “yếu cơ/ non gan” liệu có qua được vòng thử lửa này không?


Ngẫm lại ở xứ mình, chuyện bằng cấp luôn là rất quan trọng. Trong bất kỳ cuộc tuyển chọn nhân viên nào, bằng cấp luôn là tài liệu đòi hỏi đầu tiên. Nhà tuyển dụng yêu cầu nộp bản photo, đôi khi phải đem bản gốc để họ được mục sở thị, “bắt tận tay day tận trán” thì mới tin. Bất kỳ một cơ quan nào cũng có hẳn một phòng chuyên quản lý bằng cấp thông tin của nhân viên, thậm chí còn buồn cười ở chỗ, nhiều công ty muốn giữ chân nhân viên của mình, khi xin việc họ yêu cầu nộp bằng gốc và sau đó…không chịu trả lại nếu nhân viên muốn nghỉ việc mà không chịu “bồi thường”. Đó là một hành động vi phạm pháp luật, bằng cấp là tài sản cá nhân của công dân mà không ai có quyền chiếm giữ, nó không được dùng để cầm cố cũng như thế chấp. Thế nhưng, bất chấp tất cả những phương pháp quản lý, bằng giả vẫn đầy rẫy, từ cấp thấp nhất là bằng công nhân kỹ thuật hay cao nhất là bằng tiến sĩ, len lỏi vào mọi kiến trúc hạ tầng cũng như thượng tầng của xã hội, ngay cả những vị ngồi ở vị trí ngất ngưởng cũng có “nghi án bằng giả”.


Vì nó quý nên nhiều người dù năng lực và trình độ có hạn cũng cố gắng bằng cách này hay cách khác để có được nó. Tuy nhiên do “tầm” thấp, nên rõ ràng như “năm với năm là mười”, họ là cử nhân đấy, kỹ sư đấy thậm chí là tiến sĩ đấy nhưng cũng không tránh khỏi sự nghi ngờ, chất vấn, hoài nghi của những người xung quanh. Khi đó bằng cấp giống như một phương tiện buộc người khác phải công nhận, buộc đoàn thể cơ quan phải trả lương/quyền lợi của anh ta như một người có bằng cấp thực sự. Còn bản thân anh ta không hề có được sự thừa nhận một cách tự nguyện từ những người xung quanh. Sự thừa nhận này đo lường giá trị thực của con người về tài năng và nhân cách mà người đó sỡ hữu.
“Công nhận” đôi khi là do bắt buộc. Tôi không công nhận nhưng vì một lý do nào đó, tôi buộc phải công nhận anh. Còn thừa nhận thì hoàn toàn do tự nguyện.
Nếu một xã hội, các giá trị về đạo đức pháp luật, văn hóa,…càng đi dần đến sự tự nguyện, thừa nhận của mọi người thì xã hội đó càng tốt đẹp. Có những điều, người ta phải công nhận một cách miễn cưỡng, dù trong lòng không thích, không phục nhưng họ vẫn phải làm hay phải nói theo. Điều đó gây ra sự phản cảm thậm chí lố bịch mà những người trong cuộc hiện tại hay vào một giai đoạn nào đó họ im lặng không dám lên tiếng. Con người giống như những ảnh thật, qua lăng kính xã hội, nếu có sự giống hoặc gần giống giữa vật và ảnh thật thì đó là một xã hội tốt đẹp, một xã hội dân chủ thực sự, còn ảnh và vật khác nhau một trời một vực từ xấu thành đẹp hoặc ngược lại, khi đó xã hội (đóng vai trò như một tấm gương hay một lăng kính) là một xã hội tồi tệ, đầy rẫy bất công và nhiều nghịch lý. Thế nhưng, lịch sử thì công bằng, lịch sử sẽ lên tiếng thay họ.



Nhớ lại một câu truyện ngụ ngôn của Christian Andersen “Bộ quần áo mới của Hoàng đế”, Hoàng đế vẫn cởi truồng, thực tế là không mặc gì cả nhưng với tội “khi quân phạm thượng” treo lơ lửng trên đầu, nên Hoàng đế của họ được tất cả các quan lại trong triều tung hô “ngài đang mặc một bộ quần áo đẹp nhất thế gian”. Chân lý lại được phát hiện bởi một cậu bé, người “không biết sợ” tội khi quân, dám la toáng lên rằng “Hoàng đế ở truồng”. Khi xã hội lũng đoạn, sa đọa, xuống cấp, chân lý và lẽ phải bao giờ cũng được khai sáng, được lên tiếng bởi những người “không biết sợ”. Có lẽ nào nhận xét này là duy lý trí không?
Và cuối cùng, chính những “người không biết sợ” dám vì cái đúng, vì cái hiển nhiên mà lên tiếng, họ luôn luôn được thừa nhận bởi công chúng, được thừa nhận một cách tự nguyện rằng, họ đích thực là những người hùng.
 

http://hailuablog.wordpress.com/

Không có nhận xét nào: