Ngon
ngọt thường đi đôi, ngay cả trên đầu môi. Món ăn đúng là khó ngon nếu
thiếu ngọt. Bằng chứng là nào có lời khen theo kiểu “ngon chua” hay
“ngon mặn”, cho dù người Việt mình mấy ai quên nổi món canh chua hay bún
mắm!
Vị ngọt không vô cớ được thần kinh vị
giác ưu ái đến thế. Theo nhiều nhà nghiên cứu, thích ăn ngọt thuộc về
bản năng của con người vì những tế bào đầu tiên của phôi thai đã làm
quen với vị ngọt của nước bào thai ngay từ ngày đầu của cuộc sống. Chính
vì thế mà món ăn ngọt bao giờ cũng dành được vị trí ưu tiên về khẩu vị,
như một loại phản xạ vô thức xuất phát ký ức an bình của thuở chưa lọt
lòng. Cũng chính vì thế mà các chất phụ gia có vị ngọt, từ dạng thiên
nhiên như mật ong cho đến sản phẩm tinh chế qua công nghệ, như đường
cát, đã có mặt từ xa xưa trong nghệ thuật gia chánh trên khắp mặt địa
cầu.
Tiếc một điều là con đường thưởng thức
món ngọt, từ trái cây bước qua bánh kẹo, đang xuôi chèo mát máy chợt tắt
nghẽn như gặp ụ đào đường giữa ngã tư vì mối đe dọa của bệnh tiểu
đường. Tệ hơn nữa, món ngọt, sau khi phát hiện bệnh, bỗng trở thành cơn
ác mộng của người bệnh. Người đã vướng bệnh tiểu đường tất nhiên phải né
tránh mọi hình thức dinh dưỡng làm tăng chất đường trong máu. Nhưng nếu
vì thế mà phải kiêng hết chất ngọt theo kiểu kẻ thù không đội trời
chung thì SAI! Quan điểm sai lầm này hiện vẫn còn đè nặng tâm tư nhiều
người chưa bệnh chỉ vì không ít “người tiêu dùng” đang thiếu thông tin
đúng mức về mặt mạnh cũng như điểm yếu của chất đường.
Tuy gọi là đường nhưng chất ngọt, nghĩa
là tất cả hoạt chất sau khi biến dưỡng sẽ sinh ra chất đường trong máu,
không đồng nghĩa với đường cát! Bên cạnh đó, cho dù là chất đường trực
tiếp, như đường phèn, hay gián tiếp như tinh bột, đường trong trái cây,
đường trong sữa… chất đường không đồng nghĩa với chất độc. Ngược lại là
khác, chất đường rất hữu ích cho cơ thể mỗi khi có nhu cầu năng lượng
cấp bách nhờ đường được “đốt cháy” rất nhanh qua thành phần dưỡng khí
nằm ngay trong cấu trúc của chất đường. Phản ứng biến dưỡng chất đường
nhờ đó vừa cấp kỳ, vừa không gây gánh nặng cho nội tạng vì không làm
tiêu hao dưỡng khí trong cơ quan khác. Phản ứng sinh năng theo kiểu này,
nếu so sánh với quy trình biến dưỡng chất đạm hay chất béo, thậm chí an
toàn hơn cho cơ thể vì ít sản xuất chất oxy-hóa, nguyên nhân khiến cơ
thể mau già trước tuổi.
Kẹt chỉ ở chỗ không nên thiếu đường nhưng nếu quá thừa lại khổ trăm bề!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét