(Dân trí) - Sau vụ bắt giữ “bầu” Kiên hồi tuần trước, hai hãng hãng đánh giá tín nhiệm lớn là Moody’s Investors Service và Fitch Ratings đồng loạt có những động thái thay đổi đánh giá đối với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu (ACB).
Trong đó, Moody’s hạ một bậc điểm tín nhiệm của ACB, còn Fitch thì đưa ngân hàng này vào diện xem xét có thể cắt giảm điểm tín nhiệm.
Moody’s hạ điểm tín nhiệm ACB
Vào hôm 24/8, tức thứ Sáu vừa rồi, Moody’s hạ một bậc xuống B2 từ B1 trước đó đối với các xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ và tiền gửi nội tệ của ACB. Đánh giá sức mạnh tại chính độc lập của ACB được Moody’s duy trì ở mức E+, xếp hạng tín nhiệm tiền gửi ngoại tệ duy trì mức B2.
Tất cả các mức đánh giá tín nhiệm này đều bị Moody’s đặt trong diện có thể bị cắt giảm thêm trong thời gian tới.
Thông báo của Moody’s cho biết, quyết định hạ điểm tín nhiệm và xem xét tiếp tục cắt giảm điểm tín nhiệm đối với ACB xuất phát từ hai diễn biến tiêu cực liên quan tới ACB, bao gồm vụ bắt giữ nhà đồng sáng lập Nguyễn Đức Kiên, và vụ từ chức và bắt giữ sau đó đối với Giám đốc điều hành Lý Xuân Hải của ngân hàng này.
“Dù ACB đã tuyên bố cả hai vụ bắt giữ trên không có liên quan tới ngân hàng này, Moody’s lo ngại rằng, những diễn biến này đã gây áp lực lên thanh khoản và có thể tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực dài hạn tới giá trị kinh doanh của ACB”, thông báo của Moody’s có đoạn viết.
Theo Moody’s, ACB bước vào giai đoạn khó khăn hiện nay với một vị thế thanh khoản tốt, nhưng tình hình vốn tương đối yếu và chất lượng tài sản suy giảm. Với định hạng tín nhiệm B1 trước khi bị cắt giảm lần này, ACB có mức đánh giá tín nhiệm cao hơn một số ngân hàng khác ở Việt Nam. Tuy nhiên, mức điểm số này, theo Moody’s, là không còn phù hợp với ACB xét tới những áp lực về thanh khoản hiện tại và môi trường trở nên khó khăn hơn mà ngân hàng này phải đối diện trong vấn đề huy động vốn.
Moody’s dẫn số liệu cho thấy, tỷ lệ giữa tổng vốn vay của khác hàng/tiền gửi của khách hàng tại ACB là 70% tính đến cuối tháng 6/2012, từ mức 72% vào cuối năm 2011, trong khi tỷ lệ tài sản có độ thanh khoản cao so với tổng tài sản là 39%. Tỷ lệ vốn cấp 1 của ACB tính đến cuối tháng 6/2012 là 6,6%, thấp hơn mức trung bình của các ngân hàng khác trên toàn cầu có cùng mức đánh giá tín nhiệm.
Tỷ lệ nợ xấu của ACB tiếp tục tăng lên 1,5% tính đến cuối tháng 6 từ mức 0,9% tính đến cuối năm ngoái, trong khi tỷ lệ tổng các khoản vay có vấn đề (bao gồm các khoản vay đặc biệt) đã tăng gấp đôi lên 2,4% vào cuối tháng 6 từ mức 1,2% vào cuối năm 2011.
Moody’s cho biết, động thái của tổ chức này đặt điểm tín nhiệm của ACB vào trạng thái xem xét có thể cắt giảm trong thời gian tới phản ánh những áp lực duy trì từ phía thị trường và người gửi tiền đối với ngân hàng này, cũng như rủi ro rằng, áp lực này có thể dẫn tới những ảnh hưởng bất lợi tiếp theo đối với các yếu tố tín nhiệm nền tảng của ACB.
Moody’s đánh giá, sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước trong vụ việc vừa xảy ra mang bản chất là hành động của một người cho vay cuối cùng. Tổ chức đánh giá tín nhiệm này cho biết, nếu họ nhận thấy ACB cần tới sự hỗ trợ lớn bất thường mang tính hệ thống để tránh đổ vỡ, thì họ có thể sẽ lại hạ đánh giá tình trạng tín dụng độc lập của ACB.
Fitch đưa ACB vào diện xem xét hạ điểm tín nhiệm
Tuy không hạ điểm tín nhiệm đối với ACB, nhưng Fitch đã đưa ra cảnh báo về khả năng cắt giảm điểm tín nhiệm ngân hàng này trong tương lai.
Trong thông báo đưa ra cùng ngày 24/8, Fitch tuyên bố đưa các định hạng tín nhiệm ‘B’ đối với đánh giá tín nhiệm nàh phát hành nợ dài hạn và ngắn hạn (IDRs), ‘b’ đối với xếp hạng sức mạnh độc lập (Viability Rating - VR) vào diện xem xét tiêu cực (RWN). Fitch cũng cho biết, quyết định này được đưa ra sau vụ bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên và vụ từ chức ông Lý Xuân Hải.
“Động thái này phản ánh ảnh hưởng bất lợi có thể xảy ra từ những diễn biến trên đối với niềm tin của người gửi tiền vào ACB và hồ sơ tín nhiệm của ngân hàng này”, Fitch cho biết. Tuy nhiên, Fitch nhấn mạnh, ACB có một bảng cân đối kế toán mang tính thanh khoản cao, trong đó tỷ lệ dư nợ/tiền gửi ở mức 70% trong thời gian từ 2008-2011.
Fitch cho biết sẽ loại ACB ra khỏi danh sách cần theo dõi nếu như tổ chức đánh giá tín nhiệm này có thể làm sáng tỏ những ảnh hưởng của vụ bắt giữ “bầu” Kiên và ông Hải đối với năng lực tài chính độc lập của ACB, đặc biệt là các yếu tố như khả năng huy động vốn, tình hình thanh khoản và các khoản lỗ tiềm năng, nếu có.
Fitch tuyên bố sẽ giữ nguyên xếp hạng của ACB nếu như Ficht cho rằng, những ảnh việc của vụ điều tra không gây nên đổ vỡ hoặc những thiệt hại tài chính lớn cho hoạt động kinh doanh của ACB. Ngược lại, Fitch sẽ hạ bậc xếp hạng của ACB nếu vụ điều tra khiến tính thanh khoản cũng như danh tiếng của ACB bị suy yếu kéo dài và phát hiện ra bất cứ vấn đề khác nào ảnh hưởng lớn đến hồ sơ tín nhiệm của ACB.
Fitch nhấn mạnh, ACB là ngân hàng lớn thứ 5 ở Việt Nam với tổng tài sản 264 nghìn tỷ đồng tính đến hết tháng 3/2012. Ngân hàng Standard Chartered hiện đang nắm giữ cổ phần 15% trong ACB.
Phương Anh
http://www.baomoi.com/Fitch-va-Moodys-len-tieng-ve-ACB/126/9207887.epi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét