Lần đầu bay giá rẻ. Phần vì nghỉ báo rồi chả còn ai thanh toán vé cho. Phần vì tò mò muốn xem mặt mũi cái “thằng” Vietjet Air tư nhân này ra sao so với ông chủ quốc gia Vietnam Airlines sau sự cố và hiệu ứng nụ cười bikini gây nhiều bàn cãi trái ngược vừa qua.
Ấn tượng đầu tiên là chẳng phải đợi chờ. Tự làm thủ tục, tự chọn ghế ngồi trong vòng… 1 phút. Lên máy bay, những nữ tiếp viên mũ ca lô quần soóc trông xinh trẻ và dễ cảm. Thú thật, tôi thích phong cách trẻ trung này hơn những chiếc áo dài màu bã trầu tròng thêm cái tạp dề to tướng trước ngực của mấy nàng Vietnam Airlines.
Đặc biệt là những nụ cười, điều gần như khó thấy được ở Vietnam Airlines.. Máy bay nhỏ, khoang không rộng lắm, nhưng những chiếc ghế da thì có vẻ sạch sang hơn.
Rất đúng giờ. Không lệch 1 phút. Bảng giá thực đơn sẵn ngay ghế trước. Ai dùng thứ gì tự mua, chứ không phải theo cái nếp ăn hay không, thích hay không cứ ấn cho mỗi người một hộp như nhau. Bay nội địa, vèo phát một tiếng đến nơi thì ăn uống gì cho phí.
Tiếc, vì không còn được xem “màn trình diễn vũ điệu Hawaii nóng bỏng”. Vietjet Air bị Cục hàng không thổi còi vì màn biểu diễn này. Cho dù đó là màn trình diễn khiến đa phần hành khách ngạc nhiên đến thú vị. Ban đầu người ta bảo như thế là ảnh hưởng an toàn bay. Đến khi phía Vietjet Air đưa ra luận cứ rằng “màn biểu diễn chỉ diễn ra trong vòng 3 phút khi máy bay đạt độ cao an toàn (bay bằng)” thì thiên hạ mới ngã ngửa: hóa ra ngay cả quan chức Cục hàng không quốc gia cũng hiểu biết rất sai lệch về an toàn bay. Rồi bảo việc hành khách sử dụng điện thoại để quay phim chụp ảnh người mẫu biểu diễn bikini làm ảnh hưởng an toàn bay cũng sai. Bởi khi máy bay đã lấy được độ cao, ổn định thăng bằng, điện thoại không đặt ở chế độ kết nối liên lạc hay thu phát sóng thì sẽ chẳng ảnh hưởng gì.
Dù vậy, cuối cùng Vietjet Air vẫn bị phạt với một lỗi rất vô lý và vớ vẩn: tổ chức biểu diễn nhằm mục đích marketing trên máy bay nhưng không xin phép.
Ngẫm lại, thấy kỳ lạ và vô lối khi phạt rồi chỉ trích những nụ cười bikini của hãng bay Vietjet Air. Tại sao lại phạt và ngăn cấm một hành vi đẹp với những nụ cười làm vui lòng hành khách?
Hơn thế, một làn sóng “nhân danh văn hóa” phê chửi Vietjet Air thậm tệ. Đến mức có người lớn tiếng bảo như thế là “thiếu giáo dục, vô văn hóa”. Thậm chí so sánh với việc kinh doanh tiếp thị “vú mông” ở Thái Lan để nói rằng “người Thái không vác sexy show ra diễn ở Hoàng cung”.
Khi mắng Vietjet Air như vậy, họ đã rất sai lầm bởi “cung đình hóa” một phương tiện vận chuyển mà người ta quen gọi là “taxi hàng không”. Những chiếc “taxi hàng không” giá rẻ kia không phải là Hoàng cung. Càng không phải là hội trường quốc hội hoặc buổi lễ động thổ- khởi công- khánh thành gì để bắt ai cũng phải vét tông cà vạt, áo dài.
Buồn cười khi nói rằng việc biểu diễn bikini trên máy bay là phản cảm và không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt. Đâu phải cứ khăn đóng áo dài mới là “thuần phong mỹ tục”. Đâu phải cứ tròng mấy cái hình quốc hoa với trống đồng lên tạp dề mới là “biểu trưng văn hóa”. Chẳng lẽ những khuôn mặt đăm đăm cau có của Vietnam Airlines lại là biểu trưng cho “thuần phong mỹ tục của người Việt”, lại văn hóa hơn những nụ cười bikini của Vietjet Air?
Âu đây cũng là cái lỗi chính, sai lệch căn cơ trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh và văn hóa quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét