Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Giải pháp nào cho an ninh Biển Đông?

(Petrotimes) - Việt Nam ngày càng có nhiều bằng chứng lịch sử có tính pháp lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Trước những hành động dồn dập và ngang nhiên vi phạm chủ quyền nước khác, rồi quân sự hóa Biển Đông… Trung Quốc có đáng bị đưa ra trước Tòa án Quốc tế? Một ASEAN bị chia rẽ cần phải làm gì để có được giải pháp hữu hiệu cho vấn đề Biển Đông?
Việt Nam nên làm gì vào lúc này?
Gần đây Việt Nam đã thu thập được nhiều cứ liệu lịch sử cụ thể có giá trị pháp lý chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam. Hay nói một cách khác là chứng minh được Trung Quốc chưa bao giờ có chủ quyền tại Biển Đông như: Toàn tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư do Đỗ Bá Công Đạo soạn vào thế kỷ XVII. Phủ Biên Tạp Lục (1776), Nam thực lục tiền biên và chính biên (1844-1848), Đại Nam Nhất Thống Chí (1882), những bộ sử chính thức của Quốc Sử quán của Triều đình Huế, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (1821), Hoàng Việt Địa Dư Chí (1833), các ghi chép của các người phương Tây khi qua Biển Đông thế kỷ XVI - XVIII và bản đồ cổ của các nước phương Tây vẽ và khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Đặc biệt hơn là phát hiện các bản đồ cổ của người Trung Quốc vẽ và mới nhất là bia “chủ quyền” của Trung Quốc đều không có Hoàng Sa và Trường Sa trong lãnh thổ của họ, trong đó có tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” được vẽ dưới triều Thanh (1904). Từ những chứng cứ pháp lý hiện có, liệu chúng ta có thể kiện được Trung Quốc ra trước Tòa án Quốc tế về vấn đề Trung Quốc xâm phạm chủ quyền không? Câu trả lời xin nhường lại cho giới luật gia. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia nước ngoài, trong tình hình hiện nay, Việt Nam có nhiều ưu thế khi đưa vấn đề tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế.
Ngư dân Việt Nam hạ thủy thêm nhiều tàu đánh cá để bám biển Trường Sa - Hoàng Sa
Trong hai tháng 6-7/2012, Trung Quốc đẩy mạnh việc dựng lên “thành phố Tam Sa”, và “quân sự hóa” các khu vực mà họ đòi chủ quyền tại Biển Đông. Hành động rõ nhất là quyết định thành lập một đơn vị quân đội đồn trú tại Tam Sa mà bộ chỉ huy đặt trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa đã chiếm của Việt Nam. Theo giới chuyên gia quốc tế, hành động leo thang của Trung Quốc tại Biển Đông và nhất là những động thái nhằm “quân sự hóa” quyền kiểm soát của Bắc Kinh trên khu vực đang tranh chấp, có thể là cơ hội tốt để Việt Nam đưa vấn đề Trung Quốc chiếm đóng trái phép Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa bằng vũ lực, ra kiện trước Liên Hiệp Quốc, các tòa án quốc tế cũng như tòa án dư luận quốc tế, đẩy Trung Quốc vào thế bị động. Do đó, việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự tại Biển Đông tuy đáng ngại nhưng là một chuyện thật ra có lợi cho Việt Nam.
Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc muốn lợi dụng thời cơ Mỹ đang vướng phải những khó khăn kinh tế và chính trị nội bộ do cuộc vận động tranh cử tổng thống tháng 11 tới, để có những hành động leo thang tại Biển Đông. Trung Quốc làm việc này trước hết để chứng minh cho Mỹ và nhất là ASEAN thấy là, chẳng thể làm gì được để ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc, đồng thời để phá thế bao vây mới của Mỹ và đồng minh đối với Trung Quốc. Nói cách khác, Trung Quốc thấy lúc này là thời cơ để họ có thể có hành động mạnh mẽ nhằm chứng minh rằng, Mỹ chỉ là một con hổ giấy và ASEAN là một hiệp hội bất lực khi không thể đưa ra thông cáo chung tại Hội nghị ASEAN 45 là một ví dụ.
Có ý kiến cho rằng, việc Trung Quốc có hành động ngày càng quyết đoán hơn trên Biển Đông phản ánh xu thế đang lên của phái diều hâu trong chính quyền Trung Quốc, trong quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng. Ý kiến này chỉ phản ánh đúng một phần vì xu thế diều hâu đặc biệt là trong các lĩnh vực quân sự, đã ngày càng mạnh kể từ khi Trung Quốc tuyên bố chính sách hiện đại hóa của họ.
Giới phân tích nhận định rằng, thông qua việc đặt nhiều cơ sở của “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm, Trung Quốc muốn áp đặt sự đã rồi trên vấn đề Hoàng Sa, khiến cho Việt Nam không thể nào lấy lại được. Chính bởi vậy, Việt Nam càng phải chứng minh cho thế giới rằng, đây không phải là chuyện đã rồi, đây là chuyện bất hợp pháp, đây là chuyện cướp đất của người khác bằng vũ lực. Bây giờ nếu muốn chứng minh điều gì thì phải ra trước Tòa án Quốc tế, tức Liên Hiệp Quốc để xử. Còn nếu Trung Quốc vẫn cứ tiếp tục khiêu khích, nếu có sự cố gì xảy ra, Việt Nam sẽ không chịu trách nhiệm.
Ngoài việc có thể kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế, Việt Nam còn có thể làm gì khác? Trước thực tế trên, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Học viện Quốc phòng Australia nói rằng, Việt Nam không có nhiều sự lựa chọn mới, ngoài việc tăng cường khả năng của mình, như tăng cường khả năng của cảnh sát biển, xây dựng quân đội, duy trì sự đoàn kết nội bộ, thông tin cho người dân để họ hiểu và có sự đoàn kết trong nước, củng cố quan hệ với các nước trong Hiệp hội ASEAN, bởi dù có vấn đề với một thành viên nhưng vẫn còn sự ủng hộ của các nước khác trong khối. Các nước này cũng đã bày tỏ quan ngại về các động thái của Trung Quốc nên Việt Nam cần gia tăng các nỗ lực ngoại giao với Indonesia, Singapore, Malaysia và Philippines.
Theo Giáo sư Carl Thayer, Việt Nam và Philippines cần phải tăng cường các cuộc tuần duyên phối hợp, chia sẻ thông tin tình báo. Bên cạnh đó, ông cho rằng, Việt Nam nên mua thêm các máy bay tuần duyên, tàu tuần duyên, củng cố đội ngũ cảnh sát biển để họ có thể kịp thời nắm bắt được những gì đang xảy ra ngoài biển. Những điều Việt Nam nên làm là thúc đẩy và củng cố quan hệ song phương, đa phương và củng cố nội bộ.
ASEAN phải làm gì trong vấn đề Biển Đông?
Với một ASEAN bị chia rẽ nặng nề sau Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 45 vừa qua tại Campuchia, có hai câu hỏi được đặt ra ở đây. Thứ nhất là làm thế nào để ASEAN đoàn kết và hòa bình? Thứ hai là khối này giải quyết vấn đề Biển Đông cho các thành viên trong khối như thế nào?
Nhà nghiên cứu Lina A.Alexandra tại Ban Chính trị và Quan hệ quốc tế - Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Indonesia cho rằng, các nước ASEAN cần phải rút ra những bài học từ Hội nghị 45. Theo nhà nghiên cứu này, thứ nhất, rõ ràng là sẽ thiếu một chương trình nghị sự cần được khẳng định tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 vào tháng 11/2012, do thông cáo chung vốn luôn xác định ra những điểm chính để đệ trình các nhà lãnh đạo xem xét ở cấp độ cao nhất. Thứ hai, thất bại của Campuchia trên cương vị nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN về sự cố này vô hình chung lại “tích cực” thúc đẩy ASEAN phải suy nghĩ lại tiến trình ra quyết định dựa trên sự đồng thuận của khối - một nguyên tắc vốn đang chịu nhiều chỉ trích. Cơ chế đồng thuận cho phép bất kỳ thành viên nào cũng có quyền phủ quyết và áp đặt quan điểm riêng của mình ngay cả khi lập trường của họ khác với 9 quốc gia thành viên khác.
Bằng chứng mới nhất cho thấy bản đồ trên “bia chủ quyền” của Trung Quốc dựng tại bãi đá Chữ Thập thuộc Trường Sa của Việt Nam, hoàn toàn không có Hoàng Sa và Trường Sa
Theo ông A.Alexandra, nếu cơ chế đồng thuận vẫn tồn tại chắc chắn sẽ tạo ra một tiền lệ xấu cho nước chủ tịch tiếp theo, cũng như bất kỳ thành viên nào trong tương lai nhằm duy trì quan điểm họ một khi có ý kiến bất đồng. Thứ ba, cần nhấn mạnh lại rằng, những gì mà nhiều người lo ngại về tác động có thể từ bên ngoài ASEAN quả thực đã chia rẽ ASEAN. Có thể đó là do ảnh hưởng lớn của các nước ngoài khối khiến không một nước thành viên ASEAN nào có thể thoát khỏi, hoặc bởi thực tế rằng, kể từ khi thành lập ASEAN chưa bao giờ có một tầm nhìn chung để trở thành một cộng đồng liên kết với nhau. Có lẽ là cả hai. Đây thực sự là một đòn nặng đối với ASEAN, cho dù hiệp hội đã đạt được một số thành tựu trong vài năm qua.
Vậy tiếp sau sẽ là gì? ông A.Alexandra lập luận, sáng kiến của Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa thể hiện qua các chuyến ngoại giao con thoi tới Manila, Hà Nội và Phnôm Pênh là đáng khen ngợi, nhưng hơn cả việc chỉ lắng nghe quan điểm và mong muốn, thì điều tối quan trọng là tiếp tục quá trình xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (COC). Chúng ta không thể chờ đợi lâu hơn để trình bày quan điểm chung của ASEAN về dự thảo COC sẽ đàm phán thêm với các đối tác Trung Quốc. Mọi sự chậm trễ sẽ làm tình hình xấu thêm, trong bối cảnh quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc ngày một lớn hơn, làm cho các cuộc đàm phán thậm chí còn khó khăn hơn.
Nhà nghiên cứu này cho rằng, đã đến lúc phù hợp để thực sự bắt đầu suy nghĩ về thiết lập các Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN), qua đó khẳng định cam kết của các nước thành viên duy trì tính trung lập của khối trước tác động và cạnh tranh của các cường quốc lớn gây chia rẽ ASEAN. Nếu thất bại nêu trên là một phần của quá trình phát triển, hay là “bình thường” trong tiến trình phát triển của ASEAN như nhận xét của Đại sứ Mỹ tại ASEAN David Carden, thì ASEAN cần nhanh chóng phục hồi từ thất bại này. Tuy nhiên, như thường lệ, điều đó phụ thuộc vào phản ứng và cân nhắc của từng thành viên về việc liệu họ có thực sự mong muốn con thuyền ASEAN tiếp tục hướng tới các mục tiêu cuối cùng hay không.
Trong khi ấy, cây bút bình luận chính trị kỳ cựu Kavi Chongkittavorn của Thái Lan cho rằng, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần phải tìm ra lối thoát trong vấn đề Biển Đông, nếu không muốn những căng thẳng tại vùng biển này dâng cao dẫn tới đối đầu - một tình thế không có lợi cho tất cả các bên mà ASEAN không thể để xảy ra. Theo Chongkittavorn, để giải quyết cuộc khủng hoảng này, các bên liên quan cần cam kết hợp tác với ý chí chính trị cao nhất và cần có các bước đi cần thiết.
Trước hết, nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN phải tiếp tục nỗ lực thúc đẩy khối này ra một thông cáo chung sớm nhất có thể, bởi nhiều quyết định quan trọng của toàn hiệp hội sẽ được nêu ra trong văn bản này. Ví dụ, việc bổ nhiệm Tổng thư ký ASEAN tiếp theo là ông Lê Lương Minh phải được nêu ra để các nhà lãnh đạo ASEAN chính thức thông qua tại hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 11 tới. Những câu chữ đề cập tới vấn đề Biển Đông cần được tinh chỉnh để tất cả các quốc gia trong khu vực chấp thuận. Để làm được điều này, Campuchia, Việt Nam và Philippines cần đối thoại trực tiếp và thống nhất về mặt câu chữ. Tuyên bố về 6 nguyên tắc trên Biển Đông có thể được dùng để bổ trợ hoặc đưa vào phụ lục của văn bản chính này.
Vụ mời thầu 9 lô dầu khí trong thềm lục địa của Việt Nam (tháng 6/2012) có đáng bị đưa ra Tòa án Quốc tế?
Ngoại trưởng các nước ASEAN phải gửi lại các ghi chép của họ, giúp làm sáng tỏ những cuộc tranh luận quan trọng. Lợi ích chung của khối phải được đặt lên hàng đầu. Đây không phải lần đầu ASEAN gặp khó khăn trong vấn đề câu chữ. Vài thập kỷ trước, ASEAN đã thành công trong việc chọn câu chữ đề cập tới các xung đột giữa Palestine và Israel ở Trung Đông, giữa Ấn Độ và Pakistan trong vấn đề Kashmir, giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trong vấn đề bán đảo Triều Tiên và cuối cùng là xung đột biên giới giữa Thái Lan và Campuchia xung quanh ngôi đền Preah Vihear năm 2011. Bất kể tuyên bố cuối cùng nào mà ASEAN đưa ra đều được các nước lớn chấp thuận và điều chỉnh lập trường cho phù hợp.
Thứ hai, các thành viên ASEAN không có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông phải tích cực ủng hộ hơn. Indonesia hiện là thành viên duy nhất có khả năng làm trung gian hòa giải các tranh cãi trong nội bộ ASEAN, nhờ vào sáng kiến và các hoạt động ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Marty Natalegawa.
Thứ ba, tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cần nhất trí về một mô hình hợp tác, nhận thức đầy đủ rằng, các tuyên bố chủ quyền chồng lấn xung quanh những đảo tranh chấp sẽ không thể giải quyết được trong tương lai gần. Điều cấp bách hiện nay là các nước có tuyên bố chủ quyền cần đồng thuận làm theo mô hình cùng phát triển của Thái Lan và Malaysia tại vịnh Thái Lan, được áp dụng thành công từ năm 1979, với tỷ lệ lợi ích được chia đều 50-50. Năm 2008, dựa trên lời kêu gọi gác tranh chấp và đặt việc cùng phát triển lên hàng đầu của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc và Philippines đã nhất trí cho phép các công ty dầu khí nhà nước tiến hành khảo sát địa chấn tại những vùng biển tranh chấp. Việt Nam đã quyết định tham gia thỏa thuận song phương sau đó vài tháng với sự ủng hộ của Philippines và Trung Quốc. Tuy nhiên, thỏa thuận ba bên đã không mang lại kết quả như mong muốn để trở thành khuôn mẫu giải quyết tranh chấp.
Thứ tư, ASEAN cần tiếp tục thảo luận vấn để Biển Đông như đã làm trước đây giữa các thành viên và với Trung Quốc, theo cơ chế ASEAN + 1. Nếu ASEAN quyết định né tránh vấn đề, hay sợ Trung Quốc nổi giận, điều đó sẽ làm giảm uy tín của hiệp hội nhiều hơn. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á sắp tới, các nhà lãnh đạo có thể đưa ra các vấn đề họ quan tâm, cho dù có hay không có sự chấp thuận của ASEAN. Trung Quốc và ASEAN cần nhìn lại việc họ đã đả thông bế tắc hồi tháng 4/1995 như thế nào khi mối quan hệ giữa họ xuống tới mức thấp nhất do xảy ra tranh chấp tại bãi đá ngầm Vành Khăn.
Khi tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền và các bên đối thoại thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ việc tiếp tục tiến trình hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC), họ không nên gây cản trở, đồng thời cho phép các quan chức cao cấp ASEAN và Trung Quốc tiếp tục làm việc với nhau về COC. Bắc Kinh cần khôi phục tinh thần sẵn sàng đàm phán với ASEAN về COC. Để bày tỏ thiện chí, Trung Quốc cũng nên làm rõ nguyên tắc cho ASEAN sử dụng 500 triệu USD trong quỹ hợp tác hàng hải được thành lập lập từ năm 2011, đặc biệt liên quan đến các dự án nghiên cứu và phát triển chung.
Cuối cùng, để tồn tại và chơi với những đối thủ lớn, ASEAN phải được chuẩn bị. Một trong số những chiến lược cần thực hiện là tăng cường khả năng của Ban Thư ký ASEAN. Hiện tại, ASEAN đang thiếu ngân sách hoạt động và còn khá yếu, nhất là trong các trụ cột chính trị - an ninh và văn hóa - xã hội. ASEAN mới chỉ vận hành tốt trong lĩnh vực hợp tác kinh tế và hội nhập. Sự thật là, trong khi các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ ủng hộ những nỗ lực của Tổng thư ký Surin Pitsuwan trong việc tăng cường sức mạnh của Ban Thư ký và các các bộ phận khác, nhưng họ chưa bao giờ nhất trí một cách đầy đủ về việc một Ban Thư ký lớn mạnh như thế nào là đủ để có thể gánh vác được sự ủy nhiệm của hiệp hội.
Philippines sẽ kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế
Philippines đang chuẩn bị đưa cuộc tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Phát biểu trước giới phóng viên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, Raul Hernandez, hôm 3-8 cho biết, nước này đang tăng tốc thực hiện các bước đi pháp lý nhằm giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, bất kể Bắc Kinh “có hợp tác hay không”.
Tuy nhiên, ông này không cho biết cụ thể thời gian Manila sẽ đưa cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ra giải quyết tại ITLOS.
Giang Khuê - Hùng Phan
(Năng lượng Mới số 149, ra thứ Sáu ngày 24/8/2012 http://petrotimes.vn/news/vn/bien-dong/giai-phap-nao-cho-an-ninh-bien-dong.html

Không có nhận xét nào: