Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Hành trình mới của SHB với Bianfishco?

Việc SHB nhảy vào Bianfishco cho đến thời điểm này khiến dư luận đặt câu hỏi.

Cuối tuần trước, Sở Kế hoạch và đầu tư Cần Thơ đã cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco). Một ngày sau, ngày 25.8, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, công ty Bianfishco đã đồng tổ chức họp báo và lần đầu tiên, người ta thấy, lãnh đạo cao nhất của ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội đã chính thức xuất hiện, trả lời nhiều vấn đề, thể hiện vai trò cổ đông lớn nhất, sở hữu 25 triệu cổ phần của Bianfishco, bằng 50% vốn điều lệ của công ty này (vốn điều lệ của Bianfishco là 500 tỷ đồng).

Đây là sự kiện rất đáng chú ý bởi lần đầu tiên có một ngân hàng tư nhân tham gia vào việc điều hành, tổ chức lại một doanh nghiệp trên bờ phá sản.

Đành rằng, việc này có nguyên nhân sâu xa là do Bianfishco nợ tiền của ngân hàng Habubank - một ngân hàng đã sáp nhập vào SHB và SHB phải tiếp nhận quyền lợi, nghĩa vụ của Habubank. Nhưng SHB không chỉ tiếp nhận khoản nợ xấu tại Bianfishco mà còn mạnh dạn mua lại, tiếp nhận tất cả số cổ phiếu của bà Nguyễn Thị Diệu Hiền để trở thành cổ đông chính của Bianfishco với tham vọng không chỉ xử lý được số nợ xấu của HBB để lại mà còn tổ chức lại, đưa Bianfishco trở lại hoạt động có hiệu quả.

Xưởng sản xuất của Bình An.

Việc SHB nhảy vào Bianfishco cho đến thời điểm này khiến dư luận đặt câu hỏi. Bởi, hậu quả của quá trình quản trị yếu kém tại Bianfishco đến nay vẫn còn rất nặng nề: thua lỗ hơn 1000 tỷ đồng, nợ quá hạn các ngân hàng và các hộ dân nuôi thủy sản trên 600 tỷ đồng, hàng ngàn công nhân bị thất nghiệp...Thậm chí, ngay cả bản báo cáo kiểm toán mà công ty này thuê làm đã có nhưng Bianfishco thậm chí chưa có tiền trả để nhận báo cáo.

Để giải quyết hàng loạt vấn đề đó, như lời ông Phạm Thanh Quang, tổng giám đốc công ty Mua bán nợ của bộ Tài chính (DATC), sẽ còn mất rất nhiều thời gian.

Theo như lời ông Nguyễn Văn Lê, tổng giám đốc của SHB, cho dù Bianfishco gần như trong tình trạng chực chờ phá sản nhưng những cơ sở để doanh nghiệp này "sống", phục hồi trở lại là khá rõ rệt. Trong số các doanh nghiệp thủy sản ở Cần Thơ và nói chung ở cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bianfishco là một trong số ít đã có sự đầu tư bài bản. Công ty này hiện vẫn có một hệ thống dây chuyền công nghệ chế biến thủy sản hiện đại với công suất chế biến 600.000 tấn cá/ngày. Bianfishco đã có một chuỗi cung ứng khép kín: nhà máy Chế biến thức ăn chăn nuôi, vùng nuôi hải sản rộng 100 ha, viện Nghiên cứu Thủy sản ...với các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế. Bianfishco vẫn còn nhiều đối tác ở nhiều thị trường lớn, khắt khe: Mỹ, Nhật và EU. Công ty này hiện vẫn là doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản duy nhất có giấy phép xuất khẩu vào Mỹ với thuế suất bằng 0%...

Thực tế, những năm trước đây, Bianfishco đã có những thành công nhất định. Trong những giai đoạn ổn định, công ty này đạt doanh thu trung bình 100 triệu USD/năm. Khoảng 5000 lao động thường xuyên có việc làm.

Nhưng đáng tiếc, cách thức quản trị của Bianfishco đã không đi cùng với sự phát triển về qui mô. Việc vay tiền ngân hàng, rồi đầu tư quá mức, lãng phí và lệch lạc vào nhiều dự án: công ty Sản xuất nước uống Collagen, viện Nghiên cứu hải sản, đầu tư vào bất động sản...thậm chí kê khống giá trị tài sản để vay ngân hàng, đầu tư tràn lan. Việc chi tiêu cá nhân xa hoa, lãng phí quá mức của gia đình bà Diệu Hiền và nhiều cán bộ quản lý của Bianfishco cũng góp phần đưa công ty này đến bờ vực phá sản.

Có thể nói, trong điều kiện thị trường phát triển bình thường, lãi suất ngân hàng thấp nhưng với cách thức, lề lối quản trị, chi tiêu như vậy, doanh nghiệp nào sớm muộn đi vào con đường thua lỗ, phá sản.

Cho nên, tiếp nhận vai trò cổ đông chính ở Bianfishco quả thực là một bước đi ít nhiều mạo hiểm của lãnh đạo ngân hàng SHB. Bởi, không chỉ phải bắt tay vào xử lý những vấn đề rất khó hiện nay: các khoản nợ đã quá hạn; khôi phục lại thị trường, quan hệ bạn hàng, khôi phục lại uy tín, lấy lại niềm tin của những người dân...mà ngân hàng này phải làm sao thay đổi được cách thức quản trị, đưa được những người lãnh đạo mới vào thay thế những nhà lãnh đạo, cán bộ yếu kém cũ của Bianfishco mà hiện vẫn tạm được nắm quyền điều hành. Và trên hết vẫn là phải sớm tìm được những phương án, kế hoạch đúng đắn để sớm đưa các nhà máy của Bianfishco vào hoạt động, có nguồn thu, có lợi nhuận để tiếp tục thu hút được các nhà đầu tư.

Trong cuộc họp báo cuối tuần trước, SHB đã công bố một số hoạt động ban đầu trong kế hoạch tái cấu trúc toàn diện Bianfishco như cùng công ty mua bán nợ của bộ Tài chính tham gia vào quản trị, điều hành mọi hoạt động tại Bianfishco, đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính, kiểm soát chi phí thị trường đầu vào và đầu ra; thực hiện giải ngân cho Bianfishco ưu tiên trả nợ tiền mua nguyên liệu của nông dân (trước mắt trả nợ cho các hộ nông dân 30%), bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; củng cố thị trường, các mối quan hệ đối tác; dự kiến sau khi sản xuất, kinh doanh vào ổn định, Bianfishco sẽ tổ chức đại hội cổ đông để tăng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng để tăng năng lực tài chính, giảm chi phí...

Hiện, SHB cũng có được thuận lợi là đã có được cam kết từ các chủ nợ là các ngân hàng, tổ chức kinh tế là cho khoanh nợ, giảm lãi, miễn lãi đối với các khoản nợ của Bianfishco trong khoảng thời gian 3 năm tới để bớt đi sức ép đòi nợ.

Nhưng, nói như ông Phạm Thanh Quang, tổng giám đốc DATC, "tất cả mới chỉ là dự kiến, kế hoạch". Còn khả năng thực hiện được đến đâu với SHB, như lãnh đạo ngân hàng phát ngôn: "Dự kiến trong năm 2013, Bianfishco sẽ đi vào hoạt động ổn định, có hiệu quả. Bianfishco hoạt động ổn định sẽ mang lại cho SHB nguồn thu ngoại tệ lớn, mở rộng đối tác, khách hàng...", quả thật không hề đơn giản.

Lãnh đạo SHB cho biết, ngân hàng này không muốn để Bianfishco phá sản vì điều đó dẫn tới nhiều hậu quả tệ hại là không thu hồi được nợ trong khi, nếu tái cơ cấu, với cơ sở vật chất, dây chuyền hiện có, các mối quan hệ bạn hàng lâu năm.. Bianfishco có khả năng hồi sinh và trở thành một bộ phận có khả năng "làm ra tiền", củng cố thêm tiềm lực của "tập đoàn" SHB.

Cho nên, dù không tiết lộ kế hoạch chi tiết, nhưng lãnh đạo ngân hàng này cũng đã cho biết sẽ có những thay đổi về nhân sự lãnh đạo, cán bộ điều hành của Bianfishco trong thời gian tới và kể cả việc điều chỉnh cao hơn nữa tỷ lệ sở hữu cổ phần để khẳng định quyền điều hành, quyết định của SHB tại công ty này.

Không có nhận xét nào: