SGTT.VN - Ta bà với đám bạn nhậu, nghe to nhỏ chuyện vợ bạn hổm rày đang học xu hướng mới, tôi hỏi là gì thì một tên thổ lộ ra chiều thú vị: “Các bà ấy học lẳng lơ để... giữ chồng”.
Tên khác thì kể: đi với chồng, vợ hắn ngấm ngầm chọn chiếc áo khoét cổ sâu hun hút. Ở chốn đông người, vợ thi thoảng hôn lén vào má chồng, hoặc vờ ngã vào người chồng mặc cho kẻ thèm, người chê.
Nghe bạn kể như vậy, nhìn về nhà mình, tôi ngẫm hình như vợ cũng đang học cái thói “lẳng” kia. Vợ tôi thuộc tuýp kinh điển, xưa giờ đi đâu, làm gì với chồng, cô ấy đều kín đáo, khép nép. Nhưng từ hai tháng nay, vợ tôi bắt đầu thay đổi. Bắt đầu là cái áo ống và cái váy ngắn hở đùi cô ấy mang về từ một chuyến du lịch. Kể từ đó, dự tiệc tùng ở đâu vợ tôi cũng diện áo ống, váy ngắn. Trong tủ đồ của vợ tôi bắt đầu xuất hiện những chiếc váy ngủ màu hồng, màu cánh sen mỏng tang.
Tuần trước, bố mẹ tôi từ quê lên chơi, cả nhà quây quần trà nước tại phòng khách thì vợ tôi từ phòng ngủ bước ra, đột ngột ngồi gọn vào lòng tôi! Bố mẹ ngạc nhiên nhìn hai chúng tôi làm tôi ngượng chín người. Nhà có bố mẹ già với mấy đứa em trai ghé ăn cơm, vợ tôi cứ thế trong chiếc áo ngủ mỏng tang, ỏn ẻn bước xuống bếp nấu nướng. Tôi rù rì bên tai nàng: “Có bố mẹ với mấy thằng em ở đây, em vào thay đồ cho nó lịch sự”. Chẳng ngờ vợ tôi giận dỗi: “Đàn ông ai chả thích sắc, như anh thì chán quá. Em ăn mặc thế cho anh chứ cho ai”.
Vợ kín quá thì khô khan, mau chán, mà lẳng quá đôi khi thành lố bịch. To nhỏ với vợ, vợ chả nghe cho, phải làm sao đây?
Duy Khanh
Lẳng lơ thì không, nhưng nên biết cách
TS Võ Văn Nam, giảng viên khoa tâm lý giáo dục, đại học Sư phạm TP.HCM
Xét về nghĩa, từ “lẳng lơ” chỉ những biểu hiện thiếu đứng đắn trong quan hệ nam nữ. Vậy tại sao các cô vợ ngày nay phải học cách lẳng lơ? Có lẽ vì không biết gọi tên sự khéo léo trong việc chiều chồng là gì nên từ “lẳng lơ” đành được vay tạm. Có rất nhiều chiêu thức để giữ chồng, và tuỳ thuộc vào từng ý thức cá nhân, đương nhiên phải có sự hợp tác của người chồng. Đàn ông nào cũng thích được chiêm ngưỡng nhan sắc vợ mình trong một bộ trang phục quyến rũ. Có lẽ tạo hoá và những xếp đặt sinh học đã ban cho người chồng đặc tính đó. Tuy nhiên, muốn thể hiện tất thảy vẻ đẹp của cơ thể, những hành động chiều chuộng đối với đức lang quân, các cô vợ cũng cần tinh ý biết rõ chồng mình muốn gì, và không gian chia sẻ những chiêu thức đó chỉ có hai người. Nếu người vợ thể hiện tình yêu của mình với người chồng, thì ngược lại người chồng cũng cần biết cách hồi đáp để tình cảm thăng hoa. Nếu sự chia sẻ này lệch lạc, cả hai nên ngồi lại cùng nhau thống nhất. Mọi sự giận hờn, khiển trách ở đây đều khiến cho tâm lý đối phương bị ức chế, những nồng ấm trong đời sống vợ chồng sẽ trở nên nguội dần.
Phải biết lẳng đúng chỗ
Lâm Quang Khải, Bình Thạnh, TP.HCM
Tại sao đàn ông lại thích nhìn cái đẹp bên ngoài? Tại vì họ chưa thoả mãn với dung nhan của bà xã ở nhà. Không phải vợ mình không đẹp, mà là không biết cách làm đẹp, hoặc bỏ qua chuyện tu bổ thân hình vì cho rằng lấy chồng rồi còn điệu làm chi. Nói là học cách lẳng lơ thì hơi quá, nhưng nếu người vợ biết cách “gãi” đúng chỗ của người chồng thì hẳn cuộc sống vợ chồng thêm phần thi vị. Tôi nghĩ rằng lẳng lơ cũng có chỗ đứng của nó trong một cung bậc giá trị gia đình nào đó. Nhìn thấy vợ điệu đà, huyền bí trong bộ cánh ngủ ỡm ờ thì thật quyến rũ, hơn vạn lần bộ pyjama kín cổ cao tường ấy chứ!
Tuy nhiên, tất cả những chiêu thức lẳng lơ trên chỉ nên được thể hiện khi có hai vợ chồng thôi. Không nên “diễn xuất” cho cả dòng họ, hoặc ở chốn đông người kẻo trở thành lố bịch.
Lẳng với chồng có gì xấu?
Phan Huy Hạnh An, ZAP.vn
Tôi đồng ý với việc người vợ phải biết làm đẹp, luôn hấp dẫn trong mắt chồng. Đã là vợ chồng, không có nghĩa cho phép mặc một chiếc áo màu cháo lòng rách tơi tả lên giường ngủ. Vợ chồng phải luôn “tương kính như tân”, người vợ đẹp, ăn mặc gợi cảm là tôn trọng mình lẫn chồng mình. Nhưng tôi không đồng ý với kiểu lẳng lơ theo nghĩa ăn mặc hở hang, cho phép mình nói chuyện “mặn”, cười cợt lả lơi với người đàn ông không phải chồng mình. Đàn ông Việt Nam nói chung có thể thích nhìn một cô gái khác ăn mặc hở hang ngoài phố, lả lơi với họ một tí, đẩy đưa với họ trong văn phòng, nhưng dứt khoát người đó không phải là vợ mình.
Không chỉ là vợ, đã là phụ nữ thì cần phải ăn mặc đẹp. Đẹp ở đây cũng hàm ý là chỉn chu, ưa nhìn, phù hợp vóc dáng chứ không phải là khoác lên người những bộ váy áo đắt tiền. Khi tôi mặc một bộ áo đẹp, xịt nước hoa thơm phức, tôi cũng cảm thấy tự tin hơn. Và hôm nào tôi thấy tôi đẹp, đồng nghĩa với việc chồng nhìn tôi nhiều hơn và cho tôi vài lời khen.
Có một nhận xét rằng, đàn ông chỉ là những đứa trẻ khi về nhà và rất cần được vợ âu yếm yêu thương. Nhưng thời gian và con cái đôi khi làm người phụ nữ thay đổi vì những áp lực đè nặng, khiến những dịu dàng khi xưa hoá thành những lời càm ràm quở mắng liên miên. Nhưng cũng đừng trách chúng tôi. Phụ nữ biết hết là cần phải dịu dàng nọ kia, phải khéo léo chiều chồng như thế nào, nhưng các anh cũng phải ngó xuống một chút. Có một bài báo vừa rồi đã nhận xét, đàn ông Việt Nam sướng nhất thế giới, khi đi làm về chỉ việc gác chân xem tivi, đã có vợ túi bụi nấu nướng, dọn cơm, chăm con, giặt giũ. Như thế mà họ vẫn chưa hài lòng vì tiếng vợ léo nhéo bên tai!
“Lẳng lơ” với chồng mình không có gì là xấu cả, nếu chỉ với chồng mình mà thôi!
Nguyên Cao (ghi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét