Sunday, September 23, 2012
Tạp ghi Huy Phương
“Mả cha cuộc đời quá vô hậu...”
(Trần Vàng Sao)
Trước hết phải nói “chửi” vũ khí của kẻ yếu mất hết lòng tin vào công lý và xã hội. Xã, ấp nào phân xử chuyện mất một con gà, nên nạn nhân giành quyền phán xét bằng cách chửi đứa ăn trộm gà, dù mười mươi biết rằng có chửi, thì con gà cũng đã được vặt lông, cho vào nồi lâu rồi, không còn hy vọng tìm lại được. Nhưng vẫn phải chửi, trước là cho hả giận, sau là để nguyền rủa năm mười đời thằng ăn trộm gà cho nó xót gan bào ruột.
Chửi cũng phải có nghệ thuật. Không phải cứ thấy mất gà là đã đong đỏng lên mà chửi, ai nghe? Thường thì người mất gà phát giác ra con gà “một đi không trở lại” trong thời điểm trời nhá nhem tối, nghĩa là giờ “gà lên chuồng.” Nhưng chửi vào giờ ấy, trong khi mọi gia đình, người đi làm chưa về, bữa cơm chưa dọn, kẻ còn cho trâu vào chuồng, người còn cho lợn ăn, thì ai nghe? Vậy nghệ thuật chửi là phải chọn đúng thời điểm khi hàng xóm, làng giềng đã yên lặng, có thể bắt đầu lên giường, như thời đại bây giờ người ta bắt đầu bật cái TV để nghe tin tức, cũng như bà vừa xong bữa cơm, nhai hết miếng trầu. Bốn bề vắng lặng, cuộc chửi rủa bắt đầu khi bà bước ra sân, mở đầu bài diễn văn hùng hồn, kiểu thưa gửi của một chính trị gia: “Kính thưa đồng bào...”
“Làng trên xóm dưới, bên ngược bên xuôi, tôi có con gà mái xám.”
Trước hết người chửi phải mở hết công suất của cái mồm, thứ đến phải hướng loa về căn nhà lối xóm bị tình nghi ăn trộm. Chửi không phải dễ, như thường ngày chúng ta vì bực tức buột miệng ra bằng một tiếng chửi thề, mà chửi đây phải có văn bản, nói theo lối thời thượng là phải có “biên tập.” Nội dung một bài “chửi” phải có “bới” và “rủa” như ta thường nói “chửi bới” hay “chửi rủa.”
Có người cho rằng người miền Nam có “chửi” chứ không hề “bới,” trong khi người miền Bắc nếu chửi nhau là đào bới cả tông ti họ hàng lên, đó là cái lối bới mả, đào mồ ông cha, tổ tiên mười đời lên mà chửi: “...bà đào mả thằng tam tứ đại nhà mày ra, bà khai quật bật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên...” Còn “rủa” là trù yếm: “Rồi ra, nhà chúng mày chết một đời cha, chết ba đời con, đẻ non, đẻ ngược, chân ra trước đầu bước ra sau, đẻ sót nhau, chết mau, chết sớm, chết trẻ, đẻ ngang!”
Ðể câu chửi được nhịp nhàng, người ta dùng thể văn “biền ngẫu,” từng câu từng chữ đối nhau chan chát: “Bố thằng chết đâm, cha con chết xỉa... chết một đời cha, chết ba đời con... ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột... bốn thằng cầm cờ xanh đứng đầu ngõ, ba thằng cầm cờ đỏ đứng đầu làng...”
Bài chửi muốn hay lại có vần điệu, chửi lên nghe âm thanh trầm bổng, thì người chửi phải chửi cao hơn một bậc nữa, là chửi bằng... thơ:
“Hôm nay bà chửi một bài
Ngày mai bà sẽ chửi hai lần liền
Bà chửi cho mày hóa điên
Bà rủa suốt tháng liên miên không ngừng
Bây giờ bà mệt quá chừng
Bà về cơm nước, nhớ đừng quên a...
Muốn sống thì thả gà ra
Lạy bà hai lạy, bà tha cho mày.... ày ày ày...” (*)
Chửi không phải chỉ sử dụng cái mồm mà còn sử dụng tay chân, miệng chửi nhưng phải hoa tay múa chân, lâu lâu lại phải nhảy lên “đong đỏng” tay vỗ phành phạch vào hạ bộ để tỏ ra khinh miệt kẻ địch thủ chưa rõ mặt, là kẻ tình nghi ăn trộm gà. Có điều chắc chắn là người “chửi gà” không thể là đàn ông mà phải là đàn bà. Ðàn bà có nhiều năng khiếu văn chương, nhiều lời, biết “trình diễn” hơn đàn ông và cũng lại còn có cái để mà... vỗ.
Chống cường quyền ngày nay, con người bất lực không thể dùng dao, dùng búa, dùng gươm, dùng súng, dân đen chỉ biết dùng miệng lưỡi trời cho để... chửi, như bài “Vũ khí chửi” trên tờ Quân Ðội Nhân Dân của CS hồi tháng 8, 2012 cũng đã viết: “Ðành rằng, chửi 'đã mồm' cũng chẳng mấy khi tìm lại được gà, nhưng cái 'chửi' để hả giận, để đánh thức lương tâm, nuôi dưỡng công lý. Lương tâm và công lý sẽ lớn lên, chặn tay bọn ăn cắp những 'con gà vàng' thấm đẫm mồ hôi, nước mắt người lao động. Chửi là vũ khí của người nghèo.” Rõ ràng cơ quan ngôn luận này của “bộ đội CS” không thấy nhột nhạt khi đăng một bài “luận về chửi,” trong khi cả nước đang chửi chế độ vì bất mãn.
Chửi mất gà trong xóm làng Việt Nam là chuyện chửi nhỏ. Ngày nay trong xã hội có nhiều loại không những căn cắp vặt mà ăn cướp công khai vì có quyền lực trong tay, dân đã mất người, mất nhà, mất đất, có khi mất cả giang san, thì thấp cổ, bé miệng, không có gươm có súng để làm cách mạng, thì còn có cái mồm chửi, cho đỡ uất.
Trên Internet chúng ta đã xem người phụ nữ bị cướp đất, đến một đồn công an ở Hà Nội, tụt quần chửi cho đã giận. Người ta tập họp nhau ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, chửi đảng, chửi nhà nước. Mẹ con cởi truồng chống cưỡng chế đất đai, chửi bới bọn tham quan, ô lại. Nhưng phải là người “ở trong chăn,” lớn lên từ chế độ đó, mất hết vì chế độ đó thì câu chửi mới hay, lời chửi mới sâu sắc.
Một nhà thơ của chế độ cộng sản đã chửi bằng thơ. Tác giả thuộc loại “sinh viên tranh đấu” ở miền Nam, mê cộng sản đến đỗi bỏ tên họ cha mẹ đặt, sửa lại thành Trần Vàng Sao. Ông nướng hết tuổi trẻ cho cộng sản, về già bất mãn, ngồi làm thơ chửi đổng cho sướng miệng. Bài thơ “Tau Chửi” không một chữ một lời chỉ đích danh thằng nọ con kia, nhưng đọc lên ai cũng hiểu là một bài thơ chửi đảng, chửi cha chế độ. Bài thơ chửi dài 156 câu, mà chúng tôi chỉ trích ra vài đoạn ngắn sau đây, trước tiên cũng là những lời “bới” và “rủa”:
“mười hai nhánh họ bây đem lư hương bát nước
giường thờ chiếu trải sắp hàng một dãy ra đây
đặng nghe tau chưởi
tau kêu thằng khai canh khai khẩn tam đợi mười đời
cao tằng cố tổ ông nội ông ngoại cha mẹ chú bác cô dì
con cháu thân hơi cật ruột bây tau chưởi
tau chưởi cho tiền đời dĩ lai bây mất nòi mất giống
hết nối dõi tông đường
tau chưởi cho mồ mả bây sập nắp
tau chưởi cho bây có chết chưa liệm ruồi bu kiến đậu
tam giáo đạo sư bây
cố tổ cao tằng cái con cái thằng nào móc miếng cho bây...”
“Bây” ở đây là ai? Trần Vàng Sao nói rõ:
“bỏ tên bỏ họ cha mẹ sinh ra
bây mang bí danh
anh hùng dũng cảm vĩ đại kiên cường
lúc bây thật lúc bây giả
khi bây ẩn khi bây hiện
lúc người lúc ma
lúc lên tay múa ngón sủi bọt mép gào thét
lúc trợn mắt khua môi múa mỏ đả đảo muôn năm.”
Và đánh thẳng vào những tên cầm quyền đầu sỏ:
“bao nhiêu người chết diều tha quạ rứt xương
khô cốt tàn dọc bờ dọc bụi giữa núi giữa rừng
để bây xây lăng đắp mộ dựng tượng dựng đài cho
cha mẹ cố tổ bây...” (**)
Nhưng nói cho cùng phản ứng “chửi” vì mất mát, bất công, bị chèn ép là phản ứng tiêu cực của kẻ yếu, người nghèo. Những kẻ nghe chửi không phải ai cũng biết đau biết nhục, vì ca dao Việt Nam đã có câu:
“Quân tử ư hử cũng đau,
Tiểu nhân vác đá ném đầu chẳng sao!”
Cho nên, đối với bọn “cố đấm ăn xôi” này, nghe chửi đã quen, đứa nào cũng mang bí danh, tên giả, biết đâu bố mẹ mà sợ người ta nói đụng chạm đến cha ông, dòng tộc, động đến tổ tiên, mồ mả.
Người xưa nói “bất bình nhỏ thì dùng rượu, bất bình lớn thì dùng gươm.” Uống rượu là để nén bất bình xuống đáy lòng, không nén được thì văng tục hay lên tiếng chửi cho hả dạ. Bọn vô cảm không hề sợ chửi, chúng chỉ sợ con người dùng gươm để giải quyết khi không còn chịu được với nỗi bất bình lớn.
Chú thích:
(*) Không biết tác giả
(**) “Tau Chửi” của Trần Vàng Sao
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét