Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Lại tính nhầm - Trần Minh Khôi


 

  Vụ án xử những người trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự do hôm nay ở Sài Gòn là một vụ án chính trị, nghĩa là từ các thủ tục, thời điểm của phiên xử – ngay trước kỳ họp của Bộ Chính trị và của Hội nghị Bản Chấp hành Trung ương 6 để giàn xếp các vấn đề của sự suy thoái quyền lực – đến các bản án đều phục vụ đích chính trị. Với các bản án phi lý và bất công đó, mười hai năm cho Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, mười năm cho Tạ Phong Tần, và bốn năm cho Phan Thanh Hải, các thế lực cầm quyền muốn gởi thông điệp gì? Và cho ai?
Hiển nhiên nó nhằm vào mục đích răn đe những gương mặt đang vận động chống bá quyền Trung Quốc và cho dân chủ, tự do ở Việt Nam. Nhưng nếu chỉ mục đích này thôi thì tòa án Việt Nam cũng hiểu rằng không cần một bản án mười hai năm. Một bản án bốn năm năm, như thường thấy trong các trường hợp tương tự, cũng đã có thể phục vụ mục đích đó mà không phải gây ra thêm nữa phản ứng bất lợi cho chính quyền từ các thế lực xung đột trong Đảng, từ các tầng lớp đông đảo trí thức, từ các tổ chức nhân quyền quốc tế, và quan trọng hơn là từ các quốc gia tự do ở Phương Tây.
Một lý do khác cho những bản án chính trị loại này là phục vụ vào việc thế lực cầm quyền dùng chúng để sau này thương lượng với các thế lực bên ngoài cho những mục tiêu quyền lực và kinh tế khác. Một bản án mười hai năm giảm xuống sáu bảy năm đem đến cho nhà nước một ấn tượng tốt đối với quốc tế về thái độ biết điều của nó hơn là một nguyên án sáu bảy năm. Bên cạnh đó, quan trọng hơn, là những mối lợi tương nhượng khác. Một trong những hành xử kinh tởm nhất của các thế lực độc tài là dùng ngay chính các bản án tù tội đối với công dân mình để mặc cả với các quốc gia cổ xúy tự do và dân chủ trên thế giới cho mục đích duy trì quyền lực. Xưa nay nhà nước Việt Nam vẫn làm điều này. Nhưng một bản án mười hai năm tù cho một người chỉ xuống đường biểu tình chống ngoại bang và bày tỏ quan điểm chính trị của mình vẫn là một bản án chính trị không bình thường.
Trong tình huống lộn xộn của những xung đột nội bộ, của những cuộc thanh trừng và bắt bớ đối với các thế lực tài chính và chính trị, của những hứa hẹn cải cách hiến pháp và thể chế,… các bản án nặng nề đối với nhóm Câu lạc bộ Nhà Báo Tự do, đặc biệt là đối với Điếu Cày, người đã tạo được sự quý trọng trong đông đảo các tầng lớp sinh viên và trí thức bằng sự chính trực và ý chí không khuất phục của anh, gợi cho chúng ta nhớ lại bản án tử hình mà các thế lực độc tài Hàn Quốc đã giáng xuống cho Kim Dae Jung hồi những năm 80 của thế kỷ trước. Rõ ràng là nhà nước sợ Điếu Cày. Có lý do để tin rằng các thế lực cải cách trong Đảng đã thỏa hiệp với giải pháp cách ly Điếu Cày ra khỏi xã hội trong khi họ đang xoay xở giàn xếp xung đột nội bộ và thực hiện những toan tính cải cách nhằm cứu vãn khủng hoảng.
Và đây chính là sai lầm của họ. Họ đã tính nhầm.
Sự sợ hãi lớn nhất của các thế lực cải cách là họ sẽ không kiểm soát được sự bùng nổ của xã hội một khi các định chế đóng vai trò gọng kìm duy trì bạo lực và bất công của nhà nước đối với xã hội được nới lỏng. Nếu sự bùng nổ xã hội xảy ra thì không ai dám chắc, kể cả những người mới hôm qua đang ở đỉnh của quyền lực, có thể thoát khỏi sự giận dữ của bạo lực quần chúng. Do đó, một cách bản năng, các thế lực độc tài, trước khi toan tính cải cách, có kế hoạch tiêu diệt hoặc cách ly những gương mặt đối lập có uy tín với mục đích là giữ quyền chủ động trong toàn bộ tiến trình cải cách. Trực giác nói với họ rằng đó là một cách làm an toàn. Nhưng thực tế chứng minh ngược lại: nếu không có những gương mặt có đủ thẩm quyền đạo đức, như triển vọng đang hình thành từ sự chính trực và lòng dũng cảm của Điếu Cày, đứng ra lãnh đạo xã hội dân sự thì tất cả mọi cố gắng cải cách xuất phát từ xung đột quyền lực ở thượng tầng đều thất bại và xã hội sẽ rơi ngay vào bạo loạn một khi các định chế rạn nứt.
Xã hội Việt Nam ở giai đoạn này đã tích lũy một sự dồn nén quá lâu của những bất công xã hội mà trong ngắn hạn không có hướng điều tiết và hóa giải. Sức ép của sự dồn nén bất công này ngày càng có dấu hiệu bùng nổ. Nó chỉ chờ một cơ hội khi các định chế bạo lực nhà nước đã tạo ra sự bất công này rạn nứt. Những thế lực cải cách trong Đảng sẽ mắc phải sai lầm rất lớn nếu nghĩ rằng họ có khả năng kiểm soát sức ép này. Thứ nhất, họ không có đủ tính chính đáng chính trị để làm điều này. Thứ hai, họ không có đủ quyết đoán để dùng bạo lực. Thứ ba, ngay cả khi họ đủ quyết đoán hoặc do tình huống của những toan tính điên rồ, bạo lực nhà nước có nguy cơ sẽ làm sức ép bất công xã hội bùng nổ mãnh liệt hơn và thiêu cháy chính họ.
Nói ngắn lại: không có những gương mặt đối lập có đủ thẩm quyền đạo đức, nghĩa là có đủ sự chính trực và kiên định, để lãnh đạo xã hội dân sự, duy trì sự ổn định, thì mọi cố gắng cải cách thể chế ở thượng tầng đều có nguy cơ gây nên bạo loạn.
Gọi nó là quy luật hay gọi nó là kết quả của ý chí dân sự thì dân chủ vẫn là một tiến trình không thể đảo ngược. Các thế lực đang cầm quyền cũng đã hiểu ra điều này. Vấn đề còn lại là làm thế nào để có một cuộc chuyển tiếp dân chủ ôn hòa, không có bạo động, không có đổ vỡ, không có sự trả thù đối với thế lực cầm quyền độc đoán đã gây nên bất công và thảm họa, và quan trọng hơn cả là không để cho những thế lực cơ hội chính trị thao túng vì quyền lợi riêng tư. Một cuộc chuyển tiếp dân chủ như thế chỉ có thể xảy ra với sự tham dự của xã hội dân sự được lãnh đạo bởi những gương mặt đối lập có đủ thẩm quyền đạo đức để kiểm soát quyền lực, kiểm soát sự chuyển giao quyền lực giữa các phe nhóm, và để điều tiết nguy cơ bùng nổ của bạo loạn do sự dồn nén của bất công gây ra.
Chúng ta, những người bạn của Điếu Cày và của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do có lý do để lạc quan; các bản án nặng nề đối với anh và bạn bè anh một lần nữa khẳng định tính chính trực và lòng dũng cảm, không khuất phục của họ. Nhà tù và sự sợ hãi của quyền lực đối với họ khẳng định thẩm quyền đạo đức của họ.
Thế lực cầm quyền đã tính nhầm với những bản án phi lý và bất công cho Điếu Cày và các bạn của anh. Nhưng ở trong lao tù hay được tự do, cuộc vận động chuyển tiếp dân chủ ôn hòa của chúng ta vẫn rất cần những người như họ.
Chúng ta chúc họ chân cứng đá mềm.
 

http://quechoa.vn/2012/09/25/lai-tinh-nham/ 

Không có nhận xét nào: