Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Không được tăng lương vì để râu



Trong cuộc sống, không thiếu những quan hệ nhân quả thậm chí còn có phần hài hước hơn cả chuyện để râu dẫn đến không được tăng lương.
1. Không được tăng lương vì để râu, đó là cách lý giải hóm hỉnh của một vị hiện đã là giáo sư, khi nhớ về thời cầm tấm bằng phó tiến sĩ ngoại về nước mà lương "nguyễn y vân", trong khi bạn bè đồng lứa đều được tăng. Từ chính trải nghiệm của mình, ông tán đồng với nhận định của một tiến sĩ về tình trạng Nhà nước "vờ" trả lương, giáo sư, tiến sĩ "vờ" làm việc[1].
Cũng bằng một cách hóm hỉnh tương tự, vị tiến sĩ trên so sánh "lương tiến sĩ không bằng lương người dắt chó". Kết quả là các trí thức cao cấp cũng chỉ "vờ làm việc" cho tương xứng với đồng lương "giả vờ" của mình, còn tinh hoa phát tiết hết ra (bên) ngoài - họ tích cực đi làm thuê kiếm thêm ngoài cơ quan. Và khi ấy, họ làm thực.

Một nguyên nhân của tình trạng đó, theo những người trong cuộc chỉ ra, xuất phát từ cách trả lương cào bằng, không căn cứ trên năng lực, cống hiến của người được trả lương. Hệ quả là chẳng ai có đủ động lực để cống hiến, bộ máy nhà nước ngày càng cồng kềnh nhưng kém hiệu quả với những con người vờ làm việc qua ngày.
Mà có vẻ sự "vờ" này từ lâu đã trở nên phổ biến tại các cơ quan nhà nước nói chung. Chẳng thế mà mới đây một bí thư tỉnh ủy đã phải nêu cao quyết tâm chấn chỉnh: sẽ ra chỉ thị nghiêm cấm cán bộ, công chức la cà quán cà phê, quán ăn hay ra chợ trong giờ hành chính.
Như vậy là tinh hoa của các công chức còn được "phát tiết" không ít vào những giờ trò chuyện rôm rả, la cà nơi café, quán bia, v.v... Thảo nào, không ít khi người dân lên gặp cán bộ để giải quyết công việc lại được trả lời là "đang đi họp". Còn họp ở đâu, cái này cũng khó nói!
Ấy vậy nhưng, khi có sự vụ gì xảy ra mà các cơ quan không xử lý kịp thời, dứt điểm thì một nguyên nhân thường xuyên được viện dẫn là do lực lượng nhân sự mỏng, không thể bao quát, kiểm soát hết. Người làm việc thì vẫn thiếu, còn người vờ làm thì dường như luôn thừa!
Nhìn vào thực trạng đó, không khó để trả lời vì sao trong nhiều năm qua, nhà nước đã trải thảm đỏ đón chào, nhưng phần đa các thủ khoa đại học lại khá dửng dưng. Một thống kê mới đây cho thấy, tính từ năm 2003 đến nay, chính sách "trải thảm đỏ" của Hà Nội mới chỉ thu hút được 10% số thủ khoa.
Lý giải hiện tượng chê thảm đỏ này, một nữ chuyên gia kinh tế, nguyên là thủ khoa khóa 1 Trường ĐH Ngoại thương, đã chỉ ra một nguyên nhân là nỗi sợ cũng "sẽ lại bị cuốn vào một guồng máy làm việc trì trệ, kém năng động"[2]. Chiếc thảm đỏ trải đường vào có lẽ không thể đủ cho những tài năng này trong nhiều chục năm sau phải đối mặt với thực tế "lương vờ, việc vờ".
Thêm vào đó, họ còn phải đối mặt với những "luật ngầm" đầy sức mạnh chi phối con đường thăng tiến trong các cơ quan này, như một số tổng kết hài hước lưu truyền trong dân là "Phấn đấu không bằng cơ cấu", hay "Hậu duệ, Tiền tệ, Quan hệ, rồi mới đến Trí tuệ còn không thì Mặc kệ". Theo bảng xếp hạng đó, trí tuệ, dẫu có xuất sắc, cũng phải xếp sau rất nhiều loại "năng lực" khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: Sa tế/ Tuổi trẻ
2. Trong cuộc sống, không thiếu những quan hệ nhân quả thậm chí còn có phần hài hước hơn cả chuyện vì để râu mà không được tăng lương. Chẳng hạn, hãy thử tư duy mối quan hệ nhân quả giữa người dân và nạn tham nhũng.
Nếu còn chưa rõ, chúng ta có thể tham khảo báo cáo công tác Phòng chống tham nhũng năm 2012. Trong đó phần chỉ ra nguyên nhân tình trạng tham nhũng năm 2012 tăng mạnh so với 2011, có đoạn: "Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, người dân chưa có hành động quyết liệt trong việc đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, ngược lại còn đồng tình, tiếp tay cho hành vi tiêu cực, tham nhũng để giành được lợi thế trong kinh doanh hoặc được "ưu tiên" giải quyết công việc".
Căn cứ trên đây, hóa ra người dân lại là cái "nhân" gây ra "quả" tham nhũng, do "chưa quyết liệt đấu tranh", thậm chí còn "tiếp tay". Trước nhận định này, một vị đại biểu quốc hội đã phải bức xúc thốt lên: "Dân không bao giờ muốn bỏ tiền nhà đi đút lót, vì các ông đòi ăn nên dân mới phải đút... Chỉ vì các ông tham nhũng buộc người dân đưa hối lộ thì người dân mới đưa cho ông"[3].
Cứ theo đà nhận định như báo cáo trên, người dân chính là nguồn cơn sinh ra các loại tham nhũng trong mọi lĩnh vực. Nếu không phải do người dân "thích" biếu tiền, thì các bác sĩ có mắc bệnh nhận phong bì trầm kha không? Nếu không phải do người dân thích "đút lót" thì liệu có những quan chức, cán bộ có suy thoái phẩm chất, ăn chặn, nhận hối lộ không?
Đã thế, người dân lại còn "lắm tật nhiều tội" khác. Nào là kém thông thái trong tiêu dùng (nên mới chuốc vào thân toàn đồ ăn, đồ chơi ngâm tẩm, độc hại), nào là không có đức hi sinh, nào là kém hiểu biết nên nửa tháng có 24 trận động đất đã lo lắng cuống cuồng, v.v...
Với cách quan niệm "nhân - quả" như vậy, không khó hiểu vì sao quy định hiện hành lại đặt người đưa hối lộ và nhận hối lộ vào thế "cùng thuyền", nghĩa là ngang tội. Một số phân tích đã chỉ ra, điều này dẫn đến tình trạng mà một vị lãnh đạo ngành thanh tra đã chỉ ra: "Thực tế hiện nay có những trường hợp đưa hối lộ do bị gợi ý, ép buộc... Tuy nhiên, nếu sau đó người đưa hối lộ tố cáo thì lại có thể bị truy tố vì tội đưa hối lộ".
Thế nhưng, nếu như các quan chức đút lót để được thăng tiến hoặc bao che, thì một "bộ phận không nhỏ" trong "bộ phận không nhỏ" những người dân thường chỉ hối lộ để được đối xử theo đúng cách cần có. Người bệnh đến bệnh viện phải phong bao để được cứu chữa nhiệt tình, tiêm không đau... Người dân đến cửa hành chính "kẹp thêm" phong bì vào giấy tờ cũng chỉ để không bị "hành là chính"...
Còn ở phía ngược lại, những "nạn nhân" bị hối lộ, thì theo báo cáo mới đây, trong vòng một năm qua chỉ có 18 cá nhân và tập thể nộp lại quà tặng với số tiền 362 triệu đồng. Có cả "một bộ phận không nhỏ" tiếp tay cho hối lộ, mà cái bộ phận nộp lại quà sao nhỏ nhoi đến vậy!

Bệnh nhân đưa hối lộ làm hư bác sĩ? Ảnh minh họa
3. Nếu chúng ta phải ngạc nhiên đến bức xúc trước quan niệm "nhân - quả" trên, thì sẽ còn tiếp tục phải "ngỡ ngàng" tìm lời lý giải "từ không đến có xảy ra như thế nào" đối với một sự kiện nóng hàng đầu trong nhiều tuần qua. Đó là vò đầu bứt tai tìm hiểu xem tại sao báo cáo thì nói động đất kích thích không có khả năng xảy ra ở Thủy điện Sông Tranh 2, còn thực tế thì mặt đất ở đây lại không ngừng rung chuyển suốt thời gian qua.
Người ta càng không khỏi ngỡ ngàng về "tổng diện tích" dành cho phần đánh giá khả năng động đất kích thích này chỉ chiếm vọn vẹn nửa trang giấy (khoảng 20 dòng) trên tổng số 200 trang báo cáo được Tập đoàn Điện lực VN lập tháng 8/2005. Viện dẫn một vài tính toán từ công trình của một nhà khoa học, báo cáo này đã khẳng định "chắc như cua gạch" rằng Thủy điện Sông Tranh 2 "không có khả năng gây động đất kích thích khi tích nước, không gây rủi ro môi trường"[4].
Sau khi tìm hiểu, báo chí còn thêm "ngỡ ngàng" khi biết đoạn đánh giá ngắn ngủi đó hóa ra đã được tự ý sao chép, cắt ghép từ một báo cáo mà tác giả cho biết là để "phục vụ hội thảo để bàn luận, nhận góp ý để chỉnh sửa".
Cũng theo tác giả (chuyên nghiên cứu đa dạng sinh học) này, báo cáo của ông được lập vào giai đoạn 1997-1998, và phân tích khả năng động đất của thủy điện Việt Nam nói chung. Trong khi đó, báo cáo của Tập đoàn điện lực lại viết đánh giá lập năm 2002, và lồng ghép vào trường hợp cụ thể của Sông Tranh 2.
Cách đánh giá kỳ lạ trên hóa ra lại không hề hi hữu. Khi khảo sát các báo cáo tương tự đối với một số thủy điện Quảng Nam, báo chí lại thường xuyên "ngả mũ cúi chào" vì cảm giác như gặp "người quen". Cũng với những phân tích ngắn ngủi, các báo cáo khác đưa ra kết luận tương tự, chỉ khác chủ yếu ở câu chữ, như "không đáng quan ngại", hoặc đơn giản là không đưa ra bất cứ khuyến cáo nào.
"Hời hợt" là từ một bài báo nhận xét cách đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong các dự án quan trọng hiện nay tại Việt Nam[5]. Cũng theo bài báo này, chúng ta đang làm theo quy trình ngược khi hầu hết các dự án chỉ phải thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM sau khi địa điểm của dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp nhận (trong khi ĐTM có tác dụng lớn nhất là để lựa chọn địa điểm cho dự án).
Hẳn rồi vẫn sẽ có những khẳng định về độ an toàn của Sông Tranh 2 (và sau này là nhiều công trình khác). Nhưng khi không ngừng phải "ngỡ ngàng" như vậy, người dân liệu có chọn thà mang tiếng "kém hiểu biết" còn hơn...
Chợt liên tưởng đến một tin tức vài ngày trước về một túi nước dung tích cả triệu mét khối đã ào ào đổ xuống chỉ trong 6, 7 phút, cuốn phăng đất đất đá trên đường đi của nó[6]. Rất may, 40 hộ dân với hơn 200 người đã kịp được sơ tán trước khi túi nước bục vỡ.
Song sự may mắn, vốn không phải là món quà thường xuyên, liệu có phải vậy?

[1] Kienthuc.net.vn: "Tôi phải viết thư cho bộ trưởng đòi tăng lương", 24/09/2012, Nhà nước "vờ" trả lương, giáo sư, tiến sĩ "vờ" làm việc, 24/9/2012.
[2] VietNamNet: Thủ khoa Phạm Chi Lan nói chuyện giữ chân người tài, 26/09/2012.
[3] Tuần Việt Nam, Không dại nào bằng đổ tiếng xấu cho dân!, 24/09/2012.
[4] Tuổi trẻ: Lật lại báo cáo đánh giá tác động môi trường thủy điện Sông Tranh 2: Ngỡ ngàng, 26/09/2012.
[5] Người Lao động: Trả giá cho sự hời hợt!, 26/09/2012.
[6] Tuổi trẻ: Lào Cai: vỡ túi nước hơn 1 triệu m3, 27/09/2012.

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-09-28-khong-duoc-tang-luong-vi-de-rau

Không có nhận xét nào: