SGTT.VN - Hôm nay làm chi? Đó là câu hỏi của đám phóng
viên trú tại Quảng Nam. Câu trả lời, là chờ xem có động đất xách ba lô
chạy. Ngồi chờ động đất Bắc Trà My như chờ tình nhân.
Nếu rảnh, ngồi chép ra hết những câu nói cửa miệng của
người dân địa phương vùng động đất thấy thật thương, nhưng không kém hài
hước và chua chát, khi căn nhà của họ đang nứt dần, trông như biểu đồ
lòng dân.
Đập chắn thủy điện Sông Tranh 2
|
Người dân gặp nhau, nhìn nhau hỏi: “Không biết bữa ni có động đất không? Động đất kiểu ni có chết không?”.
Hỏi xong, đàn bà xuống bếp, coi lại hũ gạo còn bao
nhiêu, đàn ông ngó lên vách, xem cột long chưa, rồi thở dài, rồi đi vào
đi ra, như vừa ngóng con thú dính bẫy như vừa sợ voi rừng hổ dữ bất ngờ
xông ra.
Cô giáo Bích Phương ở trường mẫu giáo Hoa Phượng nói:
“Em đi tập huấn, được hướng dẫn là núp xuống bàn. Bàn học mẫu giáo, em
núp răng vừa? Rồi nói hãy chạy ra sân. Học sinh 20 đứa, em chạy một mình
à? Bà con không cho con đi học, vì vặn em một câu cô đảm bảo tính mạng
con tôi không? Bó tay. Họ nói đi học cũng chết, không học cũng chết,
thôi ở nhà, bỏ làm rẫy vì sợ chết ở rẫy”.
Dân tái định cư thủy điện, mang tiền gửi ngân hàng, đất
nổ ầm ầm, sợ tiền bị chôn. Một lãnh đạo nói, làm chi có chuyện rút
tiền, đừng nghe phao tin đồn nhảm. Tôi gọi ông giám đốc ngân hàng, ừ, có
đấy, mấy người rồi.
Suy luận đơn giản: động đất là sập nhà, mất tiền, thôi
thì mang tiền về dắt trong quần, người đâu của đó, nó có nổ thì tiền
cũng không văng. Ông Huỳnh Tấn Sâm, cựu Bí thư huyện, ngao ngán: “Hoảng
loạn rồi! Người có tiền xuống Tam Kỳ mua đất, đưa con đi học chỗ khác.
Đồng bào thiểu số vốn rất sợ các thế lực siêu nhiên, nay càng rúm ró”.
Nhưng người Kinh nào có kém. Thầy giáo Nguyễn Trần Duy,
tổng phụ trách đội trường THCS Chu Huy Mân nằm ngay miệng đập, nói: “Mẹ
em nhắn bà con dưới Tam Kỳ đừng có lên thăm, động đất chết đó”.
Đời sống xáo trộn, nhân tình thấp thỏm, cơ quan nhà
nước thì ùn việc lên vì suốt ngày lo động đất, học sinh không dám đến
trường. Ôi là mệt, nhưng có quyết được gì đâu, cứ đứng lên ngồi xuống,
rồi kiến nghị nói vòng nói thẳng. Rồi chờ.
Tôi nhớ đâu chừng năm 2000, tôi đến Trà Đốc. Ngay sát
ủy ban xã có một cây hoa gạo cao chót vót, đứng bên này cầu treo nhìn
sang, trông như tấm thảm đỏ ối rực lửng lơ trong ráng chiều.
Hôm kia đi lại, vẩn vơ chuyện cũ, nhớ cây hoa đã trôi
theo chuyện san ủi nổ mìn làm thủy điện lâu rồi, nhưng sao cứ nhớ như
chén rượu làm quen của mặt người gặp một lần rồi mãi mãi xa.
Hoa cỏ giờ cũng ngẩn ngơ theo nhiệt kế lòng người đêm
ngày lên xuống. Chuyện động đất, thủy điện len vào trong giấc ngủ, bữa
ăn, tiệc tùng, họp hội, vượt ranh giới tỉnh huyện, lên cả sóng đài nước
ngoài.
Bỗng dưng cái huyện nghèo một thời nổi tiếng với quế
Trà My, sau im ắng đi bởi quế ngã oạch mất uy vì lẫn lộn quế bắc kém
chất lượng, nay nổi tiếng trở lại từ ông chủ tịch huyện đến dân chỉ vì
cái thủy điện nứt thấm rồi động đất cái đùng.
Từ tháng 3 đến giờ, đoàn đến đoàn đi, chuyên gia này
nọ, những phát biểu thăng trầm ngắt quãng hay trượt dài theo từng cơn
động đất, theo từng vết nứt khe nhiệt, cuối cùng động đất vì cái gì, nó
sẽ ra sao, vẫn nói chưa xong.
Và như thế, ai cũng trở thành nhà khoa học, thành cư
dân mạng, thích gì nói nấy, cản cũng không nổi. Có người bỗng dưng nổi
máu quan điểm, rằng coi chừng bị nhiễu, bị lợi dụng.
Quá tào lao! Cái đập to chình ình, hết bộ này đến ban
kia, cả Chính phủ cũng vào cuộc chứ phải cây kim sợi chỉ chi mà dấu
diếm, thế mà cứ lấp lửng.
Sự hoảng sợ của người dân, có đánh động được lương tâm của người có trách nhiệm?
|
Hôm rồi đọc báo thấy báo cáo đánh giá tác động của động
đất ở đây, được chủ đầu tư đặt hàng các nhà khoa học, chỉ nghiên cứu
động đất cực đại, không đụng chi đến động đất kích thích khi tích nước
thủy điện.
Thế mà lâu nay các vị phát biểu nói như thật. Nhiễu lớn rồi đấy, quan điểm gì ở đây, chỉ dùm coi?
Lấy làm lạ vô cùng. Cả nước quan tâm đến cái hồ chứa
730 triệu m3 nước dùng làm thủy điện của một doanh nghiệp, mà đến lúc
này như chuyện tình đến đoạn chia ly cứ giùng giằng đi ở, bước đi một
bước giây giây lại dừng.
Được cái đập thì mất lòng dân. Mất lòng dân là mất tất
cả. Lòng dân không yên đâu phải do dân không yên… Nguyễn Trãi từng nói
như thế. Vậy được đập hay được dân? Đây là ván cờ sinh tử, không có
chuyện nước đôi hai ngả hai dòng.
Đó là tôi lục trong sổ tay lời của dân vùng rung chấn.
Lời của họ trôi theo ly rượu đắng lòng cuối ngày bên cái hồ ngày trước,
vốn là chốn mưu sinh vì nổi tiếng cá chình đen bóng thịt dai và thơm trú
ẩn dưới vực sâu, nướng lên chấm muối với ớt núi và tiêu rừng rượu uống
đến lạng quạng đổi giọng từ Quảng Nam sang Huế mà không chịu đứng lên.
Từ ngày có động đất ầm ầm liên tiếp, lượng rượu tiêu
thụ ở Trà Đốc, Trà Tân, Trà Bui giảm hẳn. Một ông bảo, không dám say
đâu, sập nhà, chạy không nổi. Bà vợ cười rân.
Vừa an toàn đập vừa an toàn dân. Đó là câu cửa miệng
của chủ đầu tư lẫn quan chức ngoài tỉnh, chứ ở đây từ trưởng thôn đến bí
thư tỉnh ủy, thảy rằng dẹp cho rồi cái thủy điện quá làm khổ dân.
Tôi đã một lần cùng ông Sâm cựu bí thư huyện đi xuyên
đêm vào vùng tái định cư Trà Đốc từ năm 2010. Một ông già người Cor than
quá khổ rồi, liệt kê ra một dãy nhấp nhô. Ông Sâm không nói không rằng,
bước vào cái bếp bé tin hin, lấy trên vách xuống 1 cái chiêng ám khói
và vỗ.
Chủ nhà lẫn vợ nhảy theo. “3 năm rồi không đánh chiêng,
vì mất làng rồi, đâu có cúng làng mở hội chi đâu” - ông già nói như
khóc. Tiếng chiêng bị mắc kẹt giữa mấy bức tường phên liếp, nghe như
nghẹn lại, tức tưởi. Xong, ông già ra ngồi cầu thang. Đón điếu thuốc từ
tay tôi, ông nói: “tao nhớ trầu”.
Làng cũ trồng trầu. Ở đây ai cũng ăn trầu. Trầu của
người Cor đi vào sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, kể “người man
vùng cao Quảng Nam mang trầu cau xuống chợ phủ Hà Đông” (tức Tam Kỳ bây
giờ - người viết) bán. Về vùng tái định cư, đất đâu trồng trầu, đành
nhịn thèm.
Thủy điện này làm hết 5.000 tỷ, không dễ gì người ta
buông bỏ và cũng chưa có tiền lệ như thế bao giờ, vì thế trước sau gì
cũng phải thuộc bài sống chung với động đất?
Tôi đi qua cầu treo nối Trà Tập và Trà Đốc, nhìn lên
thân đập lạnh lùng bê tông, nhớ hôm xin được vào bên trong hầm như đi
vào hang động, mờ mờ ảo ảo, mình thì mù kiến thức thủy điện, chủ nói chi
hay nấy, chỉ bực mình lâu nay bị cấm cửa chẳng có phép tắc nào, nay bảo
chống thấm xong rồi cho vào xem để đưa tin, tôi dặn mình đưa tin không
khéo là bị chửi bị gán PR nuốt tiền của chủ.
Sự hoảng sợ của người dân, có đánh động được lương tâm của người có trách nhiệm? .
Khối nước trên đầu đâu phải bỗng dưng mà có. Nó đi từ
đỉnh Ngọc Linh, ngọn chủ sơn của đất Quảng Nam, qua những bản làng ẩn
mình trong mây mù buốt giá, những tộc người muôn đời chỉ biết sấm chớp
chứ chưa hề nghe tiếng nổ từ lòng đất bao giờ.
Dòng nước ấy thuở có đất trời đã nuôi nấng bao sinh
linh khi còn là những con suối như sợi chỉ lách mình qua khe đá giữa rầm
rộ rừng già, có lúc phóng đãng như con thú mùa động đực khi vừa ra cửa
sông, đã hoài thai bao kiếp sống, can dự vào bao giấc mơ của đời người
miền núi, rồi đưa nước về đến tận Cửa Đại xa xôi, bây giờ đến đây chưa
thoát ra hẳn khỏi rừng đã bị chặn lại.
Mạch đã bị chặn rồi. Nghĩ đến đây chợt thấy hụt như
bước lỡ chân, bởi lòng đã không ít lần dậy lên ý nghĩ sẽ viết một bài từ
Cửa Đại đến Ngọc Linh. Lại nghĩ bắt mạch lòng đất nào phải chuyện chơi,
như thuở mô tê phương đông trọng phong thủy.
Món yểm bùa nước ta có đâu từ thuở Cao Biền sang, nhưng
vị quan người Trung Quốc kia cũng thất bại. Bắt trúng mạch là chuyện
hay rồi, nhưng cách trấn mạch mới là chuyện vượt thiên cơ, thắng thua
đâu cũng ở lòng người, bởi được cho người này thì tàn mạt kẻ kia, thiếu
một chữ nhân tâm, là hỏng.
Cho nên không lấy làm lạ là dân Trà My, lãnh đạo tỉnh
Quảng Nam kỳ vọng vào các nhà khoa học, nhưng ngỡ ngàng vì những con số
họ đưa ra đi kèm những phát ngôn lúc bổng lúc trầm.
Nhưng cốt yếu ở chuyện này, là việc khoán trắng cho
người có tiền, họ thích mời ai, làm gì, mặc. Vì thế mới có chuyện “đặt
hàng” nghiên cứu. Mà đã như thế, nhà khoa học chẳng có tội nợ gì. Có
người bảo đó là lỗ hổng pháp lý.
Tôi thì nghĩ đó là sự vô trách nhiệm và vô tâm trước
sinh mạng của bao người. Tôi cho anh làm để anh bán điện, thu lãi, nhưng
đổi lại, tôi cột chặt anh thực hiện đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, buộc
phải thực hiện, giám sát và quy trách nhiệm rõ ràng cả người thuê làm
lẫn người làm thuê, chứ không thể thả nổi ai làm chi thì làm.
Thủy điện này đã dính “chàm” chỗ đó rồi, bây giờ sửa
sai làm sao? Nhìn cái thân đập ngạo nghễ trêu ngươi thế kia, nhớ chuyện
lâu rồi mái hiên của sân bay Charles de Gaulle tại Paris bị sập, người
ta triệu hồi ngay ông kiến trúc sư đã định cư 30 năm ở Mỹ về, bắt tội.
Còn ở ta thì sao?
Ai cũng mệt mỏi vì thủy điện này rồi. Vở kịch nào cũng
có hồi kết. Một ngày không nghe động đất, rảnh ngồi chơi, nhưng lại hỏi
không biết dưới lòng đất sâu kia, mạch đất như dây cháy chậm bén lửa,
cháy hết sẽ nổ cái ầm, có khi sắp bắt đầu rồi đấy, bèn nhắn tin hỏi có
chi không, bên kia thằng bạn đang ở Trà My nhắn lại đang nhậu với mồi là
động đất…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét