Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Máu & nước mắt còn đây - Trần Mai Hạnh

Đã hơn 37 năm thời gian cất bước, nhưng máu và kỷ niệm của những ngày ấy vẫn lặng lẽ chảy trong tâm trí chúng ta, dù cho cuộc sống thường nhật hôm nay quá đỗi bộn bề...

Nước mắt lặng lẽ rơi trên những trang hồ sơ ố mầu thời gian lưu giữ một phần số phận tôi từ hơn 40 năm trước. Có lẽ chữ thân phận trong Thân phận một tình yêu - cuốn tiểu thuyết nổi tiếng về đề tài chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh, phù hợp hơn với cảnh ngộ và tâm trạng  ưu tư của tôi trong phòng tra cứu và giao nhận hồ sơ của Trung tâm lưu trữ Quốc gia III (34 Phan Kế Bính - Hà Nội). 


Ngoài kia đường phố chói chang nắng, ầm ĩ  còi xe, hối hả dòng người xuôi ngược bụi đường. Trong này gần như một thế giới khác, yên tĩnh, nghiêm cẩn, không một tiếng ồn. Lặng lẽ một dòng chảy của quá khứ thiêng liêng trong hơn 70.000 bộ hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B được lưu giữ, bảo quản vĩnh viễn nơi đây. Những bộ hồ sơ đó nằm trong phông Uỷ ban Thống nhất Chính phủ, tiền thân là khối quan hệ Bắc Nam. Nhiệm vụ của Uỷ ban này thời đó là đón cán bộ từ miền Nam ra miền Bắc học tập, công tác và cử cán bộ từ Bắc vào Nam chiến đấu giải phóng quê hương. Ban Quan hệ Bắc Nam thành lập năm 1954 thì năm 1955 đã có những hồ sơ, kỷ vật đầu tiên được lưu giữ, và hồ sơ được lập cho đến ngày toàn thắng năm 1975. Hồ sơ đó được lưu giữ cẩn mật trong khối tài liệu chung mà Trung  tâm lưu trữ Quốc gia III đang bảo quản, nếu bầy ra từng đơn vị tài liệu nối liền nhau ta sẽ được một chiều dài tới gần 14 ki-lô-mét...
Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường... - Câu thơ hàm xúc trong bài Dáng đứng Việt Nam bất tử của Lê Anh Xuân đã diễn tả chân xác thời điểm lịch sử khi những thanh niên xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, đi về phương Nam theo lời Đảng gọi với hành trang không có gì là của riêng mình. Họ để lại tất cả, từ giấy chứng minh, đơn xin đi B, có những lá đơn viết bằng máu, bản lý lịch tự khai, giấy nhận xét, giấy giới thiệu của cơ quan quản lý họ, đến cả nhẫn cưới, những đồng xu chưa tiêu, thậm chí cả những mẩu giấy nhỏ viết vội vàng tên người yêu cũng được gửi lại tổ chức trước phút lên đường.  
Còn đây những dòng chữ viết tay của nhà thơ Lê Anh Xuân trong bản lý lịch tự khai: ...Tôi sinh năm 1940, khi tôi lên 5 tuổi thì Cách mạng tháng tám bùng nổ, cha mẹ tôi đều thoát ly tham gia kháng chiến, gia đình tôi đều tham gia kháng chiến cả và bản thân tôi cũng được lớn lên trong kháng chiến, cho nên tôi sớm biết đến kháng chiến, đến cách mạng..., với tôi chỉ có một con đường đi duy nhất: đi theo Đảng, theo cách mạng... ( xem ảnh chụp bút tích của nhà thơ Lê Anh Xuân trong bản lý lich tự khai từ 48 năm trước - 9/ 1964 ). Hồ sơ mang mã số 1429, thời hạn bảo quản vĩnh viễn là hồ sơ của nhà thơ Lê Anh Xuân.  Ngoài bì bộ hồ sơ số 1429 ghi :
“ Họ và tên : Ca Lê Hiến
  Bí danh     : Lê Lan Xuân
  Quê quán  : Xã Tân Thành Bỉnh, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre…”    

              Tại sao lại là Lê Lan Xuân mà không phải là Lê Anh Xuân như bút danh ông đã chọn ở chiến trường? Lần đọc toàn bộ 61 tờ giấy khổ A4 lưu giữ gần nửa thế kỷ trong bộ hồ sơ ông gửi lại với đời gồm giấy chứng minh, bản lý lịch cán bộ và bản lý lịch sinh viên tự khai, giấy chứng nhận học lực, thư bày tỏ nguyện vọng của gia đình, đơn “Quyết về Nam của ông và cả mẩu giấy với những dòng chữ cuối cùng ông viết vội vã “…trước phút lên đường…”, ta bỗng chợt hiểu. Trong mẩu giấy nhỏ gửi lại phút cuối cùng có chép một khổ thơ bằng những dòng chữ bé xíu xít vào nhau rất khó đọc, nhưng phía sau thì rõ ràng nét chữ nghiêng nghiêng rắn rỏi của ông: “ Tôi có người yêu tên là Bùi Xuân Lan. 

Thật ngỡ ngàng như tiểu thuyết, Bùi Xuân Lan chính là em gái nhà văn Bùi Đức Ái (Anh Đức), tác giả của “Hòn đất nổi tiếng – người cũng có hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B bảo quản vĩnh viễn tại đây. 37 tờ trong bộ hồ sơ số 1940 (số hồ sơ mới 21858) của nhà văn Bùi Đức Ái (Anh Đức) cũng chứa đựng nhiều điều làm ta suy ngẫm. Hai cái tên “Ca Lê Hiến và “Bùi Xuân Lan” đã là nguồn cơn làm nên bí danh “Lê Lan Xuân thủa ấy…
Rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức đi B  giờ hồ sơ kỷ vật của họ vẫn đang được bảo quản, lưu giữ tại đây. Nhiều người đã anh dũng ngã xuống trên chiến trường, đó là các nhà văn – liệt sĩ: Trần Tiến (Chu Cẩm Phong), Nguyễn Thi, Nguyễn Trọng Định, Dương Thị Xuân Qúy… Nhiều người sau này đã trở thành những nhà văn nổi tiếng : Nguyên Ngọc, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Trí Huân… Thiết nghĩ Bảo tàng Hội nhà báo và Bảo tàng Hội nhà văn Việt Nam sẽ khiếm khuyết nếu vắng bóng những kỷ vật đang được lưu giữ nơi đây của các nhà văn, nhà báo đi B, nhiều người trong họ là liệt sĩ, nhiều người đã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng, nhiều sáng tác nổi tiếng của họ sẽ còn sống mãi với thời gian…
*
*    *
Nhiều người đã ngã xuống trên chiến trường, cũng chẳng biết là bao nhiêu nữa. Nhiều người đã may mắn trở về, cũng không sao thống kê hết được. Chỉ biết lớp bụi thời gian ngày một phủ dầy trên hơn 70.000 bộ Hồ sơ, kỷ vật đi B đang được bảo quản cẩn mật nơi đây. Những bộ hồ sơ hệ trọng tới sinh mạng chính trị của một con người, như tiếng nói chân xác của một thời đáng nhớ nhất đã qua cho những gì mong đợi, kiếm tìm của hiện tại hôm nay. Những bộ hồ sơ phập phồng hơi thở của quá khứ mang theo tâm hồn, số phận của biết bao con người đang ngày đêm ngóng chờ thân nhân, đồng đội, cơ quan tìm đến. Rồi một ngày, máu trong những lá thư quyết tâm xin vào chiến trường ngày ấy gặp được và nhòa đi trong những giọt nước mắt lã chã của người  thân. Đó là một ngày trời vần vũ những cơn giông, một phụ nữ từ miền Nam lặn lội ra Hà Nội tìm đến Trung tâm. Chị chỉ tay vào tầng tầng lớp lớp hồ sơ, giọng run lên vì xúc động: Tôi có ba người chồng đang nằm trong đống hồ sơ này. Nước mắt của chị nối dòng trên má. Cả căn phòng như òa khóc khi nghe chị giãi bày: Cứ vừa cưới xong chồng tôi lại lên đường, rồi một thời gian lại nhận tin hy sinh .... Bao giọt nước mắt đã rơi, đã lặng lẽ thấm trong căn phòng tìm kiếm và giao nhận hồ sơ. 
Nơi đây, đại tá Nguyễn Bảo Toàn gần 80 tuổi, trú tại 47, phố Linh Lang - Hà Nội đã khóc khi tìm được hồ sơ của một đồng đội thân thiết. Suốt mấy chục năm trời sau chiến tranh ông đã lặn lội tìm kiếm khắp nơi nhưng gần như tuyệt vọng. Cho đến một ngày ông tới được trung tâm. Vị đại tá vừa qua cơn bạo bệnh ung thư gốc lưỡi đã ôm chặt lấy hồ sơ, kỷ vật của bạn mình như cái cách mà hai người lính gặp lại nhau giữa khói lửa chiến trường sau một ngày tử chiến. Rồi một người phụ nữ gầy gò lam lũ, giờ phiêu bạt vào tận Gò Công đến tìm gặp Trưởng phòng Tổ chức và Sử dụng tài liệu của Trung tâm, nghẹn ngào trong nước mắt: Chú ơi, chú nói với tôi một tiếng đi, chồng tôi theo địch hay là thế nào? Chú nói đi để gia đình tôi còn yên tâm mà sống. Cứ trong tình trạng mất tích thế này làm sao sống nổi?. 
Suốt mấy chục năm trời, người đàn bà ấy phải sống trong bao lời dị nghị vì chồng đi B mà không một tin tức và mãi mãi không thấy trở về. Ra Hà Nội, túi không còn một đồng, chị mừng rơi nước mắt khi tìm được hồ sơ của chồng. Cán bộ Trung tâm đã giúp chị những ngày sống ở Hà Nội, lo chu đáo cho ngày về trong tin vui của chị dẫu chặng đường về  quá đỗi xa xôi... Hành trình 37 năm đi tìm hồ sơ để cha mình được công nhận là liệt sĩ của ông Huỳnh Tùng ( số 1 ngõ 2 Vương Thừa Vũ - Hà Nội ) cũng như hành trình 20 năm tìm mộ cha đi B rồi hy sinh ở chiến trường của chị Đỗ Thị Kim Ngân là hành trình đẫm nước mắt. Trong tâm trạng gần như tuyệt vọng, chị đã ngồi sụp xuống khóc nức nở ở Phòng tìm kiếm và sử dụng tài liệu của Trung tâm. Gần như cả Trung tâm suốt một ngày tìm kiếm giúp chị, và từ đây bức màn bí mật lâu nay về cha chị cũng như về cụ Huỳnh Mai, bố ông Huỳnh Tùng được hé lộ. 
Cha chị đi B và hy sinh ở mặt trận Phú Yên, cụ Huỳnh Mai đi B năm 1961 và hy sinh ở Lào. Nhờ những hồ sơ kỷ vật đi B lưu giữ ở Trung Tâm mà sau đó cụ Huỳnh Mai đã được công nhận là Liệt sĩ, còn chị Đỗ Thị Kim Ngân đã tìm được mộ cha mình. Nghẹn ngào trong nước mắt, chị Đỗ Thị Kim Ngân bày tỏ nỗi hàm ơn Trung tâm: Đây là nơi cho tôi những dấu vết đầu tiên trên con đường suốt 20 năm lặn lội tìm đến nơi cha mình nằm lại. Không có hồ sơ của Trung tâm thì không biết đến bao giờ tôi mới tìm được mộ cha, không biết đến bao giờ gia đình tôi mới hết canh cánh nỗi lo buồn...
*
*      *
Những giọt nước mắt hiếm hoi của tôi như nước mắt của bao người đã lặng lẽ thấm xuống căn phòng phập phồng hơi thở của qúa khứ xa xăm. Bao thăng trầm, tai họa, buộc phải sắt lại cả trong suy nghĩ và tình cảm để vượt lên, tôi cứ ngỡ mình không còn nước mắt để khóc. Hơn 44 năm kể từ ngày đi B, trong tổ phóng viên biệt phái của Việt Nam Thông tấn xã tại chiến trường Quảng Đà, tôi không hề nghĩ mình có hồ sơ, kỷ vật gì được tổ chức lưu giữ vĩnh viễn.

 Vì thế, như một giấc mơ, bỗng vào một ngày tháng bẩy, một mảnh giấy viết tay gửi tới báo cho biết tôi có hồ sơ mang mã số 18170 đang được lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia III. Những thông tin chứa đựng trong 19 tờ giấy khổ A4 có thời hạn bảo quản vĩnh viễn lưu giữ trong hồ sơ liên quan mật thiết tới sinh mạng chính trị của tôi. Trong đó có “Giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng số 938 TTC ngày 6 – 12 - 1969, “Giấy giới thiệu công tác ngày 07 – 12 – 1969 của Ban chấp hành Đảng bộ Đặc khu Quảng Nam – Đà Nẵng kính gửi Bộ biên tập Việt Nam Thông tấn xã thông báo quyết định của Ban Thường vụ Đặc khu ủy giới thiệu tôi và các thành viên trong tổ phái viên VNTTX thường trú tại Quảng Nam – Đà Nẵng được ra miền Bắc chữa bệnh… “Giấy giới thiệu công tác cũng như “Giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng của tôi đều do đích thân đồng chí Hồ Hữu Phước (tức đồng chí Hồ Nghênh), Bí thư Đặc khu ủy Quảng Nam – Đà Nẵng ký… Đó cũng là nguồn cơn giọt nước mắt nhòa đi trên tờ Giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng mà hơn 40 năm mới nhìn thấy, đang rưng rưng trên tay tôi... 
vspace=3
vspace=3

Chị Hoa, cán bộ phòng tiếp đón, sử dụng tài liệu của Trung tâm đi xin dấu, chữ ký xác nhận của Ban Giám đốc  vào các tài liệu tôi xin sao chụp đã quay lại. Tôi như sực tỉnh khỏi dòng hồi ức miên man của mình. Hiếm có nơi nào qúa khứ và hiện tại đan xen, nhắc nhớ như nơi đây. Bức ảnh đầu tiên tôi chụp ở chiến trường (tháng 7/1968 tại Duy Xuyên – Quảng Đà) có 8 nhà báo thì đã có tới 4 người là liệt sĩ, 1 người là thương binh nặng. Bức ảnh này, Báo Văn nghệ số 25 (268) ngày 19 – 6 – 2010 đã lần đầu công bố trong bài Những ngôi sao bay về đâu…” của tôi.

vspace=3
Bức ảnh đầu tiên tác giả chụp ở chiến trường Quảng Đà (Tháng 7/1968).
Trong bức ảnh đó, từ trái sang : 1-Liệt sĩ Nguyễn Trọng Định, phóng viên báo Nhân dân , cùng đi B một ngày với tôi. Anh Định hy sinh tại chiến trường Quảng Đà ngày 26 – 8 – 1968 vì một mảnh đạn pháo đâm thủng ba lô, xuyên thẳng vào tim. Bức ảnh anh Định và chị Kim Khúc, cũng là phóng viên Báo Nhân dân, người yêu của anh âu yếm ngả đầu vào nhau chụp trước lúc lên đường, để trong túi áo ngực trái cũng bị thủng một chỗ, vệt máu đỏ loang ở đó.

 Từ chiến trường ra, tôi đã mang chiếc ba lô đẫm máu,bức ảnh cùng nhiều kỷ vật của anh giao tận tay gia đình và viết tường trình cụ thể về địa điểm và hoàn cảnh hy sinh của anh để Báo Nhân dân làm thủ tục đề nghị Nhà nước xét công nhận danh hiệu liệt sĩ cho anh. Đến nay đã 44 năm sau ngày hy sinh, phần mộ và hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Trọng Định vẫn chưa tìm được. 2- Liệt sĩ Trần Văn Anh, Tổng biên Báo Giải phóng Quảng Đà, hy sinh ngày 29 – 12 – 1968 vì bị bom phá nát một đùi, chỉ còn dính với cơ thể bằng một mảnh da sau mông. Trước khi tắt thở, anh còn trìu mến dặn dò anh em Báo Giải phóng Quảng Đà có mặt bên anh lúc đó : “Chắc mình không qua được. Các cậu ở lại đùm bọc nhau để làm nhiệm vụ cho tốt.

 Mình mừng. “Anh nằm lại với nấm mộ đất bên sông Thu Bồn, và mãi 25 năm sau chị Hoàng Thị Hường, vợ anh mới tìm được mộ chồng giữa một vùng bình địa đang ngập tràn mầu xanh của mía, của bắp và lúa. 3- Ông Đinh Trọng Quyền, thương binh 2/4, tổ trưởng kiêm Bí thư chi bộ Tổ phái viên VNTTX tại Quảng Đà, người đã tuyên bố kết nạp tôi vào Đảng ở chiến trường.4- Ông Hải Học, phóng viên Báo Giải phóng Quảng Đà. 5 - Liệt sĩ Trình Xuân Hy, phóng viên nhiếp ảnh Ban tuyên huấn Quảng Đà tăng cường cho tổ phái viên VNTTX , người đã giới thiệu tôi vào Đảng. 6- Liệt sĩ Hoàng Kim Tùng , Phó Tổng biên tập kiêm Bí thư chi bộ Báo Giải phóng Quảng Đà, hy sinh đêm 21 rạng sáng 22 – 5 – 1972 vì bị bom B52 vùi lấp dưới hang đá trên núi Hòn Tàu, mãi 39 năm sau việc tìm kiếm hài cốt và cất bốc mộ cho ông mới thành công. 7+8 - Trần Mai Hạnh và Nguyễn Quốc Toản, phóng viên VNTTX tại Quảng Đà .
Một nửa số người trong bức ảnh ngày đầu ấy đã anh dũng ngã xuống trên chiến trường. Cuộc đời của mỗi nhà báo, nhà văn – liệt sĩ gửi lại với đời đều là những tác phẩm lớn được viết bằng máu. Phía sau mỗi bài báo, mỗi thước phim, tấm ảnh, mỗi bài thơ và tác phẩm văn học gửi về từ chiến trường ngày ấy là những năm tháng ác liệt, là bao tổn thất riêng tư, là máu đã đổ… Những năm tháng chiến  tranh, đồng đội, sự sống chết, sự hy sinh cao cả của các liệt sĩ đã giúp tôi luôn bình tâm, đứng vững với niềm tin không gì lay chuyển về lý tưởng của người cộng sản mà mình đã theo đuổi để tiếp tục sống có ý nghĩa trong cuộc đời này…
Trong tâm trạng nặng trĩu những hồi ức sâu xa và cả một thoáng buồn rầu, tôi tạm biệt Trung tâm lưu trữ Quốc gia III cũng là tạm biệt bao số phận, bao cảnh ngộ, bao tâm hồn thao thức trong đó. Gương mặt tinh thần của qúa khứ cao đẹp ngời sáng hình ảnh các nhà báo, nhà văn – liệt sĩ, những người mà cái chết của họ đã gieo mầm cho sự sống hôm nay. Những bộ hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B ngày một phủ dầy lớp bụi thời gian lưu giữ tại đây, chứa đựng những câu chuyện bình dị của sự thật không thể lãng quên về một thời đạn bom tự hào và đẫm nước mắt. Những giọt nước mắt của cả lịch sử và hiện tại. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng máu và nước mắt còn đây./.
 (TMH)
 Nguồn: Toquoc.gov
 http://trannhuong.com/news_detail/15394/M%C3%A1u-&-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-m%E1%BA%AFt-c%C3%B2n-%C4%91%C3%A2y

Không có nhận xét nào: