SGTT.VN - Việc các nhà thầu Trung Quốc thi công nhiều công trình trọng
điểm tại Việt Nam trong thời gian qua không chỉ đặt ra câu hỏi về năng
lực của nhà thầu Việt Nam, mà xa hơn là câu chuyện về những chiêu bài
mang dấu ấn Trung Quốc.
Công nhân Trung Quốc trên công trường nhà máy bôxít Tân Rai
|
Theo báo cáo của viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc đại
học Quốc gia Hà Nội về kinh tế Việt Nam năm 2011, giai đoạn 2007 – 2010
chứng kiến màn “thắng lớn” của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Tính đến năm 2010, có ít nhất 30 nhà thầu Trung Quốc thực hiện tới 90%
các dự án tổng thầu EPC của Việt Nam theo phương thức “chìa khoá trao
tay”.
Gần đây nhất, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã “mời” nhà thầu Trung
Quốc xử lý sự cố rò rỉ nước tại thuỷ điện Sông Tranh 2 với mức giá 50 tỉ
đồng. Cần nói thêm, 90% các công trình điện tại Việt Nam hiện nay đều “lọt” vào tay nhà thầu Trung Quốc. Đó là chưa kể các dự án lớn trong các ngành khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hoá chất, công trình giao thông…
Không khó để giải thích hiện trạng trên.
Hiện nay, cơ chế đấu thầu theo luật Đấu thầu tại Việt Nam đang ưu tiên
“giá rẻ” và tất nhiên, đó chính là sở trường của nhà thầu Trung Quốc.
Thực tế có khi gói thầu Trung Quốc tung ra thấp hơn gói thầu của công
ty Việt Nam (có giá ngang tầm công ty Singapore) đến 20 triệu USD.
Bất chấp Thủ tướng đã ban hành chỉ thị, nếu nhà thầu trong nước đảm
nhiệm được trên 50% khối lượng công việc thì không được tổ chức đấu thầu
quốc tế, các dự án Việt Nam vẫn cứ chuộng giá rẻ mà nhà thầu Trung Quốc
đưa ra. Việc chấp nhận các gói thầu giá rẻ của Trung Quốc dường như chưa được cảnh báo những rủi ro.
Thứ nhất, những gói thầu rẻ mở đường cho luồng lao động nhập cư trái phép từ Trung Quốc.
Thực tế, ông Phan Đăng Phong, phó viện trưởng viện Nghiên cứu cơ khí
thừa nhận “chúng ta đầu tư làm nhà máy điện nhưng rốt cục, lại tạo công
ăn việc làm cho người lao động Trung Quốc”.
Điều này không chỉ đi trái lại với chính sách của Chính phủ là tạo công
ăn việc làm cho người địa phương, mà còn gây nhiều hệ luỵ về an ninh,
tệ nạn xã hội và quốc phòng.
Thứ hai, giá rẻ là nguyên nhân Việt Nam “lãnh đủ” những luồng công nghệ “copy” hoặc những dòng công nghệ lỗi thời.
Đây là một trong những nguyên nhân căn cốt khiến giá nhà thầu Trung
Quốc rẻ bất ngờ, vì họ tận dụng những nhiều luồng công nghệ mà ở nhiều
nước, đó là… phế liệu.
Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhập siêu của Việt Nam từ Trung
Quốc luôn tăng, kể cả khi trong bảy tháng đầu năm 2012, Việt Nam xuất
siêu 100 triệu USD nhưng vẫn thâm hụt 8,3 tỉ USD ở thị trường Trung
Quốc.
Trong khi đó, năm 2011, vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam chỉ đạt hơn
800 triệu USD, con số quá nhỏ để bù lỗ trong cán cân thương mại Việt –
Trung.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, “chiêu bài” sử dụng
công nghệ cũ của các nhà thầu Trung Quốc khiến các dự án xây dựng diễn
ra ì ạch, chất lượng kém. Tất nhiên, sản phẩm cuối cùng do chính… người Việt sử dụng.
Đó là chưa tính những ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín Việt Nam, các nước
cho Việt Nam vay ODA giá rẻ sẽ “không hài lòng” khi tiền của họ đổ vào
nước ta lại rơi hết vào túi Trung Quốc, chỉ để đổi lại những chiếc máy
móc cũ kỹ kém hiệu quả.
Chưa dừng ở đó, phía sau giá rẻ vẫn còn những chiêu trò “đông– tây” của các nhà thầu Trung Quốc.
Việc các nhà thầu Trung Quốc tự ý nhập lậu và trồng trái phép “cỏ lạ”
tại gói thầu A7, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai chỉ dừng lại ở mức phạt
8,2 triệu đồng.
Chưa có một dấu hiệu nào về việc điều tra những “động cơ” phía sau việc
làm “khó hiểu” này, tương tự câu chuyện thương lái Trung Quốc thu mua
“đỉa” tại Việt Nam thời gian trước.
Dưới đây là một trong những chiêu trò mà nhà thầu Trung Quốc sử dụng rất nhiều nhưng dường như chưa được cảnh báo rộng rãi.
Với giá “siêu rẻ”, các nhà thầu Trung Quốc tiến hành thi công công
trình ở những khâu “rẻ” nhất, là những phần “dễ thực hiện, dễ hoàn
thành, ít tốn kém”.
Sau đó, những phần “khó nuốt” nhất của công trình sẽ bị đình trệ với đủ
các lý do: thiếu vốn đầu tư do giá vật liệu tăng, thiếu nguồn nhân lực,
các điều kiện thi công chưa đảm bảo; và đáng nói nhất là lý do thiếu
khả năng tài chính như dự án sản xuất phân bón DAP số 1 Đình Vũ, Hải
Phòng trước đây.
Hoặc như câu chuyện nhà thầu Trung Quốc “trùm mềm” hàng loạt các cây
cầu tại đồng bằng sông Cửu Long năm 2012, khiến ban quản lý dự án 2
thuộc tổng cục Đường bộ Việt Nam buộc phải “tháo gỡ” khó khăn cho thanh
lý hợp đồng trước hạn.
Chính vì những dự án Trung Quốc trúng thầu đều mang tính “trọng điểm”,
như điện, giao thông… mang tính cấp bách và có ảnh hưởng lớn đến đời
sống người Việt, nên khi nhà thầu “trùm mềm” công trình, Việt Nam chịu
thiệt.
Thế nên thay vì trông chờ vào hành động chậm chạp thiếu trách nhiệm từ
nhà thầu Trung Quốc, những phần nuốt “khó trôi” nhất một lần nữa lại
được chủ đầu tư Việt Nam đưa lên sàn tái đấu thầu, gây tốn kém thêm một
khoản chi phí lớn của Nhà nước.
Nhiều chủ đầu tư Việt dường như quen với câu cửa miệng vẫn hay nói vui là “ngon, bổ, rẻ”.
Nhưng thực tế, khi đối mặt với thị trường đấu thầu quốc tế mà đặc biệt
là với các nhà thầu Trung Quốc, câu tục ngữ “tiền nào của nấy” mà ông bà
xưa đã dạy vẫn đúng hơn.
Đỗ Thiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét