Dư luận cho rằng, công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 18 đã hoàn tất, nhất là 7 ghế ủy viên thường vụ Bộ Chính trị.
Với diện tích rộng 9,6 triệu km2, chiếm gần 25% diện tích châu Á và gần 1/14 diện tích thế giới, Trung Quốc đang muốn trở thành trung tâm thế giới nhất là khi quốc gia hơn 1,34 tỉ người chuẩn bị khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (Đại hội 18) dự kiến diễn ra vào trung hoặc hạ tuần tháng 10/2012 bởi cách đây gần 5 năm (15/10/2007), Đại hội 17 chính thức khai mạc tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh với sự tham dự của 2.213 đại biểu đại diện cho hơn 73 triệu đảng viên.
Từ những con số đáng quan tâm
Vấn đề nhân sự tại Đại hội 18, nhất là danh sách ủy viên Bộ Chính trị được dư luận đặc biệt quan tâm bởi đây sẽ là những hạt nhân lãnh đạo Trung Quốc (thê đội 5) từ nay tới năm 2020 - giai đoạn hoàn tất “công đoạn thứ 2” của 3 hiện đại hóa mà Đặng Tiểu Bình đề ra. Việc này càng mang tính thời sự khi thời hạn 1 tháng của “Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng” kéo dài một tháng (từ 6-8) tại Bắc Đới Hà đã tới thời điểm hạ màn. Ngoài ra, dư luận đều cho rằng, “thể chế Tập Cận Bình - Lý Khắc Cường” sẽ thay thế “thể chế Hồ Cẩm Đào - Ôn Gia Bảo” tại Đại hội 18. Hơn nữa, Đại hội 18 sẽ chứng kiến đợt cải tổ lớn nhất trong lịch sử bởi có tới 7/9 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị sẽ nghỉ, cùng 17 trong số 25 ủy viên Bộ Chính trị và khoảng 200 trong tổng số 350 ủy viên Trung ương dự kiến sẽ nghỉ hưu vì những lý do khác nhau.
Đại hội 18 còn được đánh giá là quan trọng đối với người dân Trung Quốc bởi đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong đời sống xã hội của quốc gia hơn 1,34 tỉ người sau khi Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố (14/8) số liệu: Nhân khẩu thường trú tại các khu vực thành thị lần đầu tiên vượt qua số nhân khẩu ở nông thôn. Và không thể không nhắc tới việc Trung Quốc đang sở hữu 5 đặc khu kinh tế, 32 khu phát triển kinh tế và công nghệ, 27 khu phát triển khoa học và công nghệ cao, 15 khu mậu dịch tự do, 13 khu mậu dịch biên giới - những cửa sổ thu hút vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý của nước ngoài… cho cường quốc thứ hai về kinh tế trên thế giới.
Dư luận đang bàn tán trước tin nói rằng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào muốn trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (1/10/1949) đến nay thực hiện việc không can dự vào chính trường sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Bởi ông Hồ Cẩm Đào sẽ bàn giao cả 3 vị trí Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương vào đầu năm 2013 cho người kế vị Tập Cận Bình, đương kim Phó chủ tịch nước và Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Tuy nhiên, việc này chỉ diễn ra sau khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào thành công trong việc đưa Phó thủ tướng Lý Khắc Cường vào ghế Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Dư luận cho rằng, Phó thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ thay thế Thủ tướng Ôn Gia Bảo (không có chân trong Quân ủy Trung ương) và có cách tiếp cận ôn hòa hơn Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đối với những tranh chấp lãnh thổ trên biển mà Trung Quốc đang vướng phải với Nhật Bản, Việt Nam, Philippines và Đài Loan. Nếu vừa làm Thủ tướng và Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông Lý Khắc Cường sẽ có điều kiện xử lý nhanh hơn các vấn đề khẩn cấp như bạo loạn, thiên tai...
Ngoài ra, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào còn phải hoàn tất việc bố trí một số thân tín. Trong số những người được đề cập, đáng chú ý nhất là Bí thư Nội Mông Hồ Xuân Hoa, người dự kiến sẽ trở thành Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị trẻ nhất từ trước đến nay. Tuy sinh năm 1963, nhưng ông Hồ Xuân Hoa được coi là người đang đi theo đúng lộ trình mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào từng trải qua. Năm 2006 (sau 23 năm làm việc tại Tây Tạng), ông Hồ Xuân Hoa được cử làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên, vị trí ông Hồ Cẩm Đào từng nắm giữ (1984-1985).
Và giống như ông Hồ Cẩm Đào, người từng làm Bí thư Tây Tạng và Quý Châu, ông Hồ Xuân Hoa có nhiều kinh nghiệm đối phó với các nhóm dân thiểu số ở Trung Quốc, một khả năng quan trọng trong tình thế bất ổn ở những vùng như Tây Tạng và Tân Cương hiện nay. Hãng tin Reuters cho rằng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã tìm được nhân vật có thể giúp gìn giữ và phát huy ảnh hưởng và di sản của mình sau khi nghỉ hưu. Mặc dù không có quan hệ huyết thống hay họ hàng, nhưng Bí thư Khu tự trị Nội Mông Hồ Xuân Hoa được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đánh giá rất cao.
Nếu mọi việc diễn ra theo đúng dự kiến thì Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào sẽ rời chính trường trong tháng 3/2013. Giới phân tích cho rằng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đưa ra quyết định kể trên bởi ông không muốn lặp lại vết xe đổ trong quá khứ, không muốn dư luận có những tin đồn không hay cũng như tránh mâu thuẫn nội bộ sau Đại hội 18 giống như người tiền nhiệm Giang Trạch Dân - vẫn làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương 2 năm sau khi rời cương vị Tổng bí thư, Chủ tịch nước.
Cách đây 30 năm (1982-2012), Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bỏ cương vị Chủ tịch Đảng, duy trì chế độ Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước và người đương nhiệm vẫn duy trì quyền lực bằng cách giữ ghế Chủ tịch Quân ủy Trung ương 2 năm sau khi rời cương vị Tổng bí thư, Chủ tịch nước. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đang muốn thay đổi cơ chế này theo cách của mình.
Những tin đồn về Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình
Những thông tin kể trên xuất hiện cùng thời điểm Trung Quốc đang có thay đổi nhân sự trước khi Đại hội 18 chính thức khai mạc. Theo tờ Nhân Dân nhật báo, ngày 1/9, ông Lật Chiến Thư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quý Châu, 62 tuổi, được cử giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, thay thế người tiền nhiệm Lệnh Kế Hoạch. Ông Lệnh Kế Hoạch là Ủy viên Trung ương Đảng, là trợ lý hàng đầu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, sẽ được cử làm Chủ tịch Mặt trận Thống nhất Trung ương, thay thế người tiền nhiệm Đỗ Thanh Lâm chuẩn bị nghỉ hưu. Việc ông Lật Chiến Thư được cử làm Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng cho thấy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quý Châu là người thân cận với Phó chủ tịch nước và Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình.
Theo China Post, nếu không có bất trắc xảy ra thì ông Tập Cận Bình sẽ làm Tổng bí thư, Chủ tịch nước 2 nhiệm kỳ, do đó Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương sẽ không quá vội vàng trong việc đưa ra những sách lược mới cho các vấn đề nổi cộm của đất nước, đặc biệt là việc thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan. Nguyên Tổng bí thư, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân từng nhấn mạnh đến nhu cầu bức thiết thống nhất Đài Loan với việc đưa ra “học thuyết 8 điểm” năm 1995 và người kế vị Hồ Cẩm Đào duy trì trong 2 năm đầu cầm quyền, nhưng sau lại tạo dấu ấn riêng của mình trong vấn đề này với đường lối “phát triển hòa bình”. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào từng đề ra mục tiêu phát triển đến năm 2020. Theo đó, GDP bình quân đầu người tăng 4 lần so với năm 2000, cơ bản xây dựng hệ thống đảm bảo xã hội đối với cư dân ở thành thị và nông thôn, cơ bản xóa bỏ hiện tượng đặc biệt đói nghèo, mọi người đều được hưởng dịch vụ y tế cơ bản, hình thành kết cấu ngành nghề tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là thách thức không nhỏ của người kế vị Tập Cận Bình.
Dư luận quốc tế đánh giá cao Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình - là người thận trọng, không dễ thể hiện cảm xúc, ít nhất là trước công chúng, cũng như không bao giờ để nỗi đau khổ và bất hạnh của cá nhân tác động tới những quyết định cần đưa ra. Tuy là người ủng hộ phát triển kinh tế thị trường, nhưng ông Tập Cận Bình thận trọng trong cải cách chính trị, muốn phát triển gắn với việc duy trì sự lãnh đạo của Đảng. Giới chuyên gia nhận định, 2012 có thể là năm mang tính bước ngoặt của 34 năm cải cách mở cửa ở Trung Quốc (1978-2012), theo đó sẽ tập trung để phân bổ công bằng dịch vụ và thu nhập bởi hầu hết những vấn đề xã hội nóng bỏng nhất hiện nay tại quốc gia hơn 1,34 tỉ người đều là hệ lụy tất yếu của việc phân bổ không công bằng các nguồn lực công và của cải.
Sau 34 năm cải cách (1978-2012), tuy đã trở thành cường quốc thứ hai về kinh tế, nhưng Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng thấy. Trong đó đáng quan tâm nhất là việc bồi dưỡng và xây dựng thế hệ lãnh đạo có đủ kỹ năng, năng lực, trung thực, có trách nhiệm và tận tâm. Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng nói, điều cấp thiết là xây dựng một đội ngũ công bộc của dân - phải vững vàng về chính trị, xuất sắc về chuyên môn, trong sạch, trung thực và có tác phong làm việc tốt. Trưởng thành trong môi trường đất nước phát triển không ngừng, thế hệ lãnh đạo mới được kỳ vọng sẽ mạnh dạn trong việc đưa Trung Quốc tiến lên. Cách đây hơn 4 năm, tờ Nhân dân Nhật báo số ra ngày 12/4/2008 từng đưa tin, Trung Quốc có 205 người không phải là đảng viên nhưng vẫn được bổ nhiệm làm lãnh đạo tại 31 tỉnh, thành và khu tự trị, trong đó có 30 người là Phó chủ tịch tỉnh.
Tới vòng xoáy của cuộc chiến quyền lực
Dư luận cho rằng, công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 18 đã hoàn tất, nhất là 7 ghế ủy viên thường vụ Bộ Chính trị. Theo tờ China Times (Đài Loan) số ra ngày 27/8, số lượng thành viên trong Thường vụ Bộ Chính trị đã giảm từ 9 xuống 7 ủy viên. Theo đó, ngoài 2 gương mặt cũ là ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường, sẽ có 5 gương mặt mới. Các ông Du Chính Thanh (Bí thư Thượng Hải, có mối quan hệ mật thiết với gia đình Đặng Tiểu Bình), ông Trương Đức Giang (Phó thủ tướng, Bí thư Trùng Khánh), ông Lý Nguyên Triều (Trưởng ban Tổ chức Trung ương), ông Vương Kỳ Sơn (Phó thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế, năng lượng và tài chính, con rể cố Phó thủ tướng Diêu Y Lâm), ông Uông Dương (Bí thư Quảng Đông), ông Trương Cao Lệ (Bí thư Thiên Tân, là người được ông Giang Trạch Dân đỡ đầu), ông Mạnh Kiến Trụ (Bộ trưởng Bộ Công an) đều là những ứng cử viên sáng giá vào Thường vụ Bộ Chính trị.
Giới truyền thông cho rằng, thế hệ lãnh đạo tương lai có khá nhiều điểm không tương đồng với tiền bối. Thế hệ thứ nhất là những người tham gia thành lập Đảng Cộng sản (1921), cuộc Vạn Lý Trường Chinh (thập niên 30 của thế kỷ trước) và Mao Trạch Ðông là hạt nhân lãnh đạo. Thế hệ thứ hai là những người dưới quyền lãnh đạo của Mao Trạch Ðông và Ðặng Tiểu Bình là hạt nhân lãnh đạo. Thế hệ thứ ba là những người tham gia lãnh đạo từ năm 1992 đến 2002 và Giang Trạch Dân là hạt nhân lãnh đạo. Thế hệ thứ tư là những người trưởng thành trong thời kỳ Đại Cách mạng văn hóa và Hồ Cẩm Đào là hạt nhân lãnh đạo. Thế hệ thứ năm là những người trưởng thành từ thập niên 70 và đa số đều tốt nghiệp đại học và trên đại học.
Nhiều người nói rằng, hơn 90 năm sau khi thành lập Đảng Cộng sản (1921), hơn 60 năm sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (1949) và hơn 30 năm cải cách mở cửa (1979), Trung Quốc vẫn chưa tìm ra thể thức để chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, yên ổn, không đấu tranh giữa các phe phái. Điển hình nhất là “phái Thượng Hải”, “phái Thanh Hoa” và “Thái tử đảng” với “phái Đoàn Thanh niên”. Cuộc đấu này nhằm tạo dựng bộ khung cho thế hệ lãnh đạo thứ 6.
Ngoài những nhân vật từng được nhắc tới trước đây, dư luận đang chú ý tới Giang Miên Hằng và Giang Miên Khang, con trai Giang Trạch Dân; Trần Hạo Tô, con trai nguyên Ngoại trưởng Trần Nghị; Lưu Nguyên, con trai cố Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ; Trần Nguyên, con trai lão thần Trần Vân; Tăng Duy, con trai Phó chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng và Mao Tân Vũ, cháu nội Mao Trạch Đông. Trong số các “công chúa”, đáng chú ý nhất là Lý Tiểu Lâm, nữ Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Trung Quốc, con gái cựu Thủ tướng Lý Bằng. Một tờ báo ở Thượng Hải từng bị chỉ trích cách đây 3 năm (2009) vì đã tiết lộ rằng, trong số 3.220 người Trung Quốc sở hữu hơn 100 triệu NDT thì 2.932 người thuộc con cháu của các nhà lãnh đạo cấp cao và tất cả các gia đình giàu có đều liên quan đến chính trị.
Theo nguôn tin từ: http://www.petrotimes.vn/news/vn/quoc-te/truoc-them-dai-hoi-18-dang-cong-san-trung-quoc-da-chon-xong-nhan-su-cua-bo-chinh-tri.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét